Nhà máy gỗ Việt Tín. Ảnh: HAWA
EU cam kết không đưa gỗ khai thác bất hợp pháp vào Việt Nam
Các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT đã được quy định trong Luật Lâm nghiệp Việt Nam sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2019
Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng, Tổng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU), ngày 19.10.2018 đã chính thức ký Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) tại Bỉ, sau ký tắt hồi tháng 5.2017.
Theo ông Điển, Việt Nam đảm bảo rằng gỗ khai thác bất hợp pháp không được đưa vào thị trường Việt Nam và sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để giải quyết vấn đề này thông qua việc thực thi pháp luật hiệu quả.
Dù vậy, để thực hiện Hiệp định, Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) toàn diện và tin cậy nhằm đảm bảo gỗ nhập khẩu và sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp thông qua hệ thống xác minh đối với gỗ trong nước và gỗ nhập khẩu được khai thác và kinh doanh tuân thủ quy định pháp luật của nước khai thác.
Các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT đã được quy định trong Luật Lâm nghiệp Việt Nam sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2019. Luật mới này nghiêm cấm việc nhập khẩu gỗ được sản xuất bất hợp pháp vào Việt Nam.
Hiệp định VPA/FLEGT cũng quy định việc thiết lập hệ thống kiểm tra và cân bằng như cơ chế khiếu nại và đánh giá độc lập cũng như cam kết có sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình thực thi Hiệp định và công bố các thông tin chính của ngành lâm nghiệp. Các nội dung chính này của Hiệp định sẽ tiếp tục được cải thiện để tăng cường hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam cũng đang xây dựng các văn bản QPPL, trong đó có xem xét các quy định của Hiệp định VPA để thực thi Luật, bao gồm quy định về thực hiện trách nhiệm giải trình của các nhà nhập khẩu và các chế tài xử phạt đầy đủ, phù hợp và có tính răn đe theo quy định của Hiệp định VPA/FLEGT.
Việt Nam đã có kế hoạch chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định VPA/FLEGT, với sự tham gia tích cực của đại diện từ các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển thông qua nhóm nòng cốt đa bên.
Ủy ban thực thi chung Việt Nam – EU sẽ giám sát việc áp dụng trên thực tế các điều khoản của Hiệp định VPA/FLEGT, một quá trình có thể sẽ kéo dài trong vài năm.
Một đánh giá chung sẽ được thực hiện trước khi hệ thống cấp phép FLEGT có thể chính thức vận hành. Đánh giá này sẽ xác minh và xác nhận rằng tất cả các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT đã được thực hiện và rằng hệ thống được đưa ra trên thực tế đáp ứng các tiêu chí sẵn sàng vận hành theo quy định tại Phụ lục của Hiệp định.
Bên cạnh những lợi ích về mặt môi trường, kinh tế và xã hội gắn với việc quản lý ngành lâm nghiệp Việt Nam tốt hơn, cơ chế cấp phép FLEGT sẽ đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của Quy chế gỗ của EU, ngăn chặn việc đưa gỗ bất hợp pháp vào thị trường EU.
Thế nhưng, cho đến khi bắt đầu cấp phép FLEGT, gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và thị trường EU vẫn phải tuân thủ các yêu cầu của Quy chế Gỗ của EU. Điều này có nghĩa là các nhà nhập khẩu của EU sẽ phải thực hiện trách nhiệm giải trình để đảm bảo rủi ro về sản phẩm bất hợp pháp từ Việt Nam vào thị trường Liên minh là không đáng kể.
Ông Phạm Văn Điển cho biết, quá trình triển khai sẽ bám sát khung thực hiện chung, gồm 8 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan tới thực thi toàn bộ hiệp định VPA/FLEGT để chia sẻ thông tin, lưu giữ số liệu, cũng như công tác dự báo về tác động và chuyển biến của thực thi Hiệp định này, để lập cho kế hoạch dài hạn hơn để điều chỉnh…
Một việc cần làm nữa là lồng ghép thúc đẩy các quá trình về cấp chứng chỉ rừng, cũng như thực hiện RED cộng tại Việt Nam để tạo ra sự đồng bộ trong việc thực hiện đảm bảo có được rừng hợp pháp và duy trì được tính hợp pháp và tính bền vững của xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Phó Tổng cục trưởng, Tổng Cục Lâm nghiệp tin rằng, VPA/FLEGTsẽ giúp tăng cường quản trị rừng, giải quyết tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp và thúc đẩy thương mại gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khác.