"ETF giúp giải quyết nợ xấu và sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng"
Dẫn chứng cho việc này, ông Long lấy kinh nghiệm của Nhật Bản cho hay, năm 2002, 2003 hệ thống ngân hàng Nhật Bản nắm lượng lớn chứng khoán, trong đó bao gồm chứng khoán của những công ty liên quan (sở hữu chéo). Do cùng thời gian đó, thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm, giá các cổ phiếu này bị ảnh hưởng khiến bảng cân đối kế toán của ngân hàng xấu đi. Ngoài ra, nợ xấu của hệ thống cũng bị tăng lên do những khách hàng thế chấp bằng chính những cổ phiếu đó.
Trước tình trạng này, chính phủ Nhật Bản đưa ra sản phẩm quỹ ETF để chuyển những danh mục cổ phiếu từ những tổ chức tài chính sang quỹ ETF, đổi lại các ngân hàng sẽ nhận được những lô đơn vị ETF. Như vậy, những lô chứng khoán sở hữu chéo sẽ chuyển về quỹ chứ không nằm trong tay ngân hàng.
Ngoài ra, việc chuyển những cổ phiếu đó vào quỹ là giao dịch hàng đổi hàng nên không gây áp lực giảm giá chứng khoán trên, và khi thanh khoản thị trường chứng khoán lên cao, giá thị trường tài sản cao thì sẽ góp phần làm giảm nợ xấu, ông Long nhận xét.
Tại hội thảo, ông Long cũng giới thiệu về cơ chế giao dịch ask/bid có thể áp dụng khi quỹ ETF được thành lập. Theo ông, đây là cơ chế đặc thù làm tăng thanh khoản và giảm chênh lệch giá giữa thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp.
Cụ thể, theo cơ chế giao dịch ask/bid, khi giá chứng chỉ quỹ ETF trên thị trường thứ cấp lớn hơn giá trị tài sản ròng, vào ngày giao dịch, nhà đầu tư sẽ bán chứng chỉ quỹ ETF (có thể vay trên hệ thống trung tâm lưu ký), đồng thời, mua danh mục cơ cấu quỹ ETF trên thị trường thứ cấp và yêu cầu phát hành các lô ETF trên thị trường sơ cấp (qua trung tâm lưu ký). Đến ngày thanh toán (áp dụng theo T+3), chứng chỉ ETF mới được tạo ra sẽ bù đắp cho chứng chỉ ETF đã bán trước đó.
Cũng với cơ chế giao dịch này, ở trường hợp giá chứng chỉ quỹ ETF thấp hơn giá trị tài sản ròng, vào ngày giao dịch, nhà đầu tư có thể bán danh mục cơ cấu (vay trên hệ thống trung tâm lưu ký), đồng thời, mua chứng chỉ quỹ ETF trên thị trường thứ cấp và yêu cầu bán lại lô ETF trên thị trường sơ cấp. Vào ngày thanh toán, danh mục cơ cấu nhận được từ quỹ ETF sẽ bù trừ cho danh mục cơ cấu đã bán.
Nhìn vào cơ chế giao dịch này, nhiều nhà đầu tư có thể nhầm với giao dịch bán khống. Tuy nhiên, ông Long khẳng định, cơ chế giao dịch ask/bid hoàn toàn khác biệt với giao dịch bán khống.
Cụ thể, nếu là giao dịch bán khống thì nhà đầu tư vay chứng khoán A phải bán ngay chứng khoán đó, sau đó thực hiện mua lại. Còn với cơ chế ask/bid, nhà đầu tư vay danh mục cơ cấu nhưng không bán danh mục cơ cấu mà bán ETF. Đặc biệt, giao dịch bán khống làm giảm giá chứng khoán, trong khi giao dịch ask/bid đảm bảo giá chứng chỉ quỹ ETF luôn tiệm cận với giá trị tài sản ròng và không làm ảnh hưởng đến giá chứng khoán cơ cấu.
Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Long, trước mắt chưa thể triển khai cơ chế giao dịch ask/bid ở Việt Nam bởi còn phụ thuộc vào nhận thức của thị trường và cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Với bán khống, Ủy ban chứng khoán không cho phép thực hiện hình thức giao dịch này.
Về việc đưa mô hình quỹ ETF vào áp dụng, ông Long cho hay, hiện các Sở giao dịch, trung tâm lưu ký đang có những chuẩn bị tích cực để khi Thông tư ban hành có thể triển khai được ngay sản phẩm này. Ngoài ra, đối tượng hướng đến của ETF rất rộng, bao gồm nhà đầu tư, công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát, kinh nghiệm thị trường Nhật Bản cho thấy, sản phẩm ETF tác động tích cực tới thị trường thứ cấp, tăng tính hấp dẫn cho thị trường, vị này nhận xét
Nguồn Khampha