Thứ Sáu | 27/09/2013 17:09

Ernst & Young: Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam sẽ thấp hơn nhiều thị trường mới nổi khác

Thị trường vốn của Việt Nam còn rất non trẻ, hoạt động phát hành trái phiếu chủ yếu là trái phiếu chính phủ.
Ernst & Young vừa đưa ra bản báo cáo "Xu thế ngân hàng thương mại tại các thị trường mới nổi: nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức".

Điểm đặc biệt nổi bật của báo cáo này là ở Việt Nam mặc dù tỷ lệ nợ xấu trong ngành ngân hàng vẫn đang ở mức cao, hầu hết các phản hồi nhận được đều dự kiến kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng sẽ có sự cải thiện trong thời gian tới.

"Các ngân hàng Việt Nam khá lạc quan về năm 2014. Hai trong số năm người được phỏng vấn dự kiến ngân hàng của họ sẽ có sự cải thiện đáng kể trong hoạt động kinh doanh. Ba người còn lại dự kiến mức cải thiện thấp" - Ernst & Young phân tích và nêu lý do, sự lạc quan này một phần xuất phát từ quan điểm nợ xấu đang giảm dần và sự hy vọng rằng các sáng kiến mới nhất của Chính phủ Việt Nam để xử lý các khó khăn trong ngành Ngân hàng sẽ phát huy tác dụng, từ đó giúp cho ngân hàng có thể hỗ trợ trở lại nền kinh tế một cách hiệu quả. Sự lạc quan này cũng được hỗ trợ bởi niềm tin vào sự cải thiện trong triển vọng kinh tế.

Đi vào phân tích lĩnh vực kinh doanh, theo Ernst & Young, các ngân hàng Việt Nam lạc quan nhất về triển vọng trong lĩnh vực huy động tiền gửi cá nhân và huy động tiền gửi, cho vay DNNVV. Ernst & Young cho rằng, với GDP đầu người dự kiến sẽ vượt mức 2.000 USD vào năm 2017, tiềm năng để phát triển các sản phẩm tài chính là rất lớn. Tuy nhiên, theo báo cáo này thì các ngân hàng Việt Nam kém lạc quan hơn trong mảng ngân hàng đầu tư. Thị trường vốn còn rất non trẻ, hoạt động phát hành trái phiếu chủ yếu là trái phiếu chính phủ.

Ông Victor Ong - Giám đốc Khối Tư vấn quản trị rủi ro dịch vụ tài chính của Ernst & Young ASEAN cho biết, ở Việt Nam hiện nay các DN phụ thuộc khá nhiều vào vốn ngân hàng và xu hướng này chưa thể thay đổi trong ngày một ngày hai. Còn ở các thị trường mới nổi lớn hơn và có khoảng thời gian phát triển thị trường tài chính dài hơn Việt Nam thì đang có sự dịch chuyển từ phụ thuộc nguồn vay từ ngân hàng sang sử dụng nhiều hơn các kênh trên thị trường vốn, mua bán nợ, cổ phiếu, trái phiếu.

Cũng tại báo cáo này, Ernst & Young cho rằng, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam được dự đoán thấp hơn so với hầu hết các thị trường mới nổi khác.

Báo cáo về "Xu thế NHTM tại các thị trường mới nổi: nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức" của Ernst & Young dựa trên khảo sát và phỏng vấn các lãnh đạo ngân hàng cấp cao tại 10 thị trường chính có tốc độ tăng trưởng nhanh (RGMs) ở các giai đoạn phát triển khác nhau, bao gồm hơn 50 định chế tài chính lớn với tổng tài sản chiếm trên 40% tổng tài sản của toàn ngành.

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Sự kiện