Ernst & Young: Năm 2016, tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt mức đỉnh
Theo EY, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh lên trong 2014, với tốc độ dự kiến đạt 5,4%, sau khi luẩn quẩn ở quanh mức 5% trong năm 2012 và 2013.
Và với nỗ lực của chính phủ nhằm giảm thâm hụt tài khóa và lạm phát, hạ lãi suất cho vay, EY dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện và đạt mức đỉnh điểm 7% vào năm 2016.
Theo bản báo cáo, cam kết mạnh mẽ từ các nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI sẽ giúp xoa dịu lo ngại của giới đầu tư về sự ổn định của đồng nội tệ. Nguồn vốn FDI chuyển dịch dần ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp và dệt may cũng gây ra thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam vào quý 4/2013.
EY đánh giá tăng trưởng vốn FDI sẽ giúp đồng nội tệ Việt Nam giảm giá cân đối với lạm phát, góp phần vào đà tăng của lương thực tế trong giai đoạn 2014-2017, bất chấp thâm hụt thương mại được dự báo sẽ tăng trở lại vào năm 2015.
Theo kết quả của bảng xếp hạng rủi ro nóng trong bản báo cáo, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 25 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh (RGM) có thể bị tác động nhiều nhất bởi 7 yếu tố rủi ro gồm cán cân vãng lai, nợ nước ngoài, nợ công, lạm phát, tăng trưởng tín dụng, dự trữ ngoại hối và biến động tiền tệ.
Các nước phát triển sẽ đạt đỉnh tăng trưởng 5% vào năm 2015
Trong ấn phẩm tháng 1/2014 này, EY nhận định các thị trường mới nổi sẽ có xu hướng tăng trưởng khả quan hơn trong năm nay và sẽ đạt đỉnh tăng trưởng bình quân 5% trong năm 2015.
Tuy nhiên, nếu như thị trường phản ứng tiêu cực với chính sách thắt chặt tiền tệ toàn cầu sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có kế hoạch ngừng hẳn chương trình nới lỏng định lượng, khiến các nhà đầu tư rút tiền khỏi các tài sản rủi ro tại các thị trường mới nổi, thì tăng trưởng của các quốc gia này có thể sẽ giảm chỉ còn 3,7% trong năm nay và 2,8% vào năm 2015.
Đầu năm năm 2014, các quốc gia mới nổi đang phải đối mặt với nhiều rủi ro như nhu cầu hàng hóa giảm tại các nước phát triển - đối tác xuất khẩu của nhiều thị trường RGM, bất ổn chính trị leo thang tại Ai Cập, Nigeria, Nga và gần đây là Thái Lan và Ukraine đã làm giảm niềm tin của giới đầu tư. Tài sản của các nước mới nổi đang chao đảo khi tỷ giá giảm ở khắp các nước từ Ấn Độ tới Thổ Nhĩ Kỳ, khiến các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất, trong khi FED tiếp tục kế hoạch giảm kích thích tiền tệ.
Tuy nhiên, theo EY, vẫn còn rất nhiều điểm sáng và cơ hội mà các nhà đầu tư có thể tận dụng tối đa tại các thị trường mới nổi, như lực lượng dân số trẻ và tầng lớp trung lưu tăng mạnh giúp thúc đẩy tiêu dùng, chi tiêu cho giáo dục, y tế cũng như truyền thông, văn hóa và giải trí sẽ tăng trưởng mạnh, tốc độ đô thị hóa phát triển chóng mặt.
Nguồn NDH