EPICS: Đưa sinh viên bước vào đời sống
Giọng Huế nhỏ nhẹ của cậu sinh viên năm hai Võ Văn Quốc, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, hào hứng giải thích cho khách tham quan mô hình Đệm thông minh (Smart mattress) của đội mình. “Chiếc đệm này có thể nâng phần trên đầu lên, gập phần chân xuống, đồng thời có thể xoay 90 độ chỉ nhờ bảng điều khiển nhỏ này. Bệnh nhân cũng chính là người sử dụng, họ là những người bị mất tính năng vận động vì tai nạn hoặc bị bệnh về gân cốt. Tự họ không thể thay đổi tư thế nằm hoặc ngồi dễ dàng, vì vậy hầu hết thời gian người thân của họ phải ở bên cạnh để giúp họ thay đổi tư thế”, anh cho biết.
Đệm thông minh là 1 trong 21 mô hình được hình thành và phát triển bởi những nhóm sinh viên tham dự chương trình EPICS trong khoảng thời gian 3 tháng của học kỳ xuân năm 2018 và là 1 trong 3 dự án được đánh giá cao nhất từ chương trình. Hai dự án khác giành được chiến thắng đều liên quan đến thực phẩm sạch, bao gồm dự án Cây trồng thông minh (Smart plant) và Khu vườn thông minh (Smart garden), thuộc hai nhóm sinh viên đều đến từ Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM. Cả hai mô hình đều ứng dụng nền tảng công nghệ 4.0 trong việc xây dựng ứng dụng và thiết bị để điều khiển, vận hành và kiểm soát việc trồng trọt từ lúc gieo hạt cho đến khi thu hoạch.
EPICS (Engineering Projects in Community Service) là chương trình doanh nghiệp cộng đồng được thành lập năm 1995 tại Đại học Purdue, giúp sinh viên tiếp xúc với những vấn đề kỹ thuật thực tế khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Những đội EPICS thiết kế, xây dựng và triển khai hệ thống cho tổ chức cộng đồng thiếu tài chính cho dịch vụ kỹ thuật. Năm 2017, 5 sinh viên tại Mỹ đã hoàn thành dự án thiện nguyện của họ thông qua chương trình EPICS năm 2013, một phòng khám răng di động sẽ phục vụ hàng ngàn người ở 3 bang nước Mỹ. Đây là một trong những thành quả lớn nhất của chương trình và sinh viên thực hiện dự án này để giúp một tổ chức phi lợi nhuận ở California (Mỹ) tên là IMAHelps.
Chương trình được xây dựng nhằm giải quyết hai vấn đề: sinh viên tốt nghiệp thiếu kỹ năng thực tế cần cho việc quản lý dự án như lên kế hoạch và lập ngân sách; và nhiều tổ chức phi lợi nhuận không có đủ nguồn tài chính cho dịch vụ kỹ thuật chuyên nghiệp để thiết kế những sản phẩm hỗ trợ cần thiết hoặc lưu trữ dữ liệu liên quan. Giải pháp này sử dụng kỹ năng của những sinh viên chưa tốt nghiệp, thông qua chương trình học, cung cấp dịch vụ cho những tổ chức phi lợi nhuận.
Sau khi áp dụng thành công ở 15 trường đại học tại Mỹ, EPICS được mang đến Việt Nam thông qua liên minh giữa USAID, Đại học Bang Arizona (ASU) và một số đối tác công tư khác. Chương trình đang được thử nghiệm ở 4 trường đại học kỹ thuật lớn trên cả nước.
EPICS là một chương trình doanh nghiệp xã hội liên ngành được công nhận trên thế giới mang đến cho các nhóm sinh viên thuộc các lĩnh vực STEM - khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học với tư duy hợp tác và các kỹ năng kỹ thuật để đưa ra ý tưởng, thiết kế, tạo mô hình sản phẩm và chạy thử các giải pháp kỹ thuật đối với các vấn đề thách thức ở địa phương.
Nếu Đệm thông minh xuất phát từ nhu cầu của những bệnh nhân trong bệnh viện, thì Khu vườn thông minh nhằm giải quyết khó khăn cho một bếp ăn từ thiện. “Vô cùng tiện ích nhất là cho người bận rộn phải làm việc thường xuyên vắng nhà và người già cả như tôi, lại vừa giải quyết một phần lớn vấn đề rau sạch và thực phẩm sạch trước tình hình hiện nay”, cô Nguyễn Thị Thúy Hồng, khách hàng đầu tiên thử nghiệm sản phẩm, cho biết. Tương tự, tất cả 21 dự án đều được thiết kế nhằm giải quyết khó khăn của chính xã hội hoặc một tổ chức phi lợi nhuận cụ thể.
Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Quan hệ Chính phủ và Đối ngoại của Dow Chemical Việt Nam, đánh giá cao tính thực tiễn của các dự án, đặc biệt thích các dự án liên quan đến thực phẩm sạch, vốn đang được xã hội quan tâm. “Những ý tưởng này xuất phát từ nhu cầu thực tế, được hình thành khi các nhóm sinh viên ra ngoài và tìm hiểu những thứ mà doanh nghiệp xã hội đang thực sự cần và thiếu”, ông Sơn cho biết. Một số dự án như Khu vườn thông minh còn đơn giản và hữu dụng đến mức nhận được phản hồi khá tích cực về khả năng thương mại hóa sản phẩm.
“Thông qua các dự án, sinh viên học được cách làm việc nhóm, cách đưa ra ý tưởng, bảo vệ ý tưởng và sau đó trình bày ý tưởng để thuyết phục các nhà đầu tư tiềm năng. Họ cũng sẽ được rèn luyện về tinh thần doanh nhân, điều sẽ giúp ích cho họ rất nhiều khi làm việc ở thế giới thực sau này”, bà Alexandra Stinchfield, Phó Giám đốc Điều hành ASU, cho biết.
Trước đó, một mô hình hợp tác công tư trong giáo dục khác đã được triển khai thành công trong lĩnh vực giáo dục kỹ thuật tại Việt Nam là HEEAP. Là một liên minh giữa Chính phủ Việt Nam,USAID, các đối tác công nghiệp và học thuật, kết hợp với Intel, HEEAP đã giúp đào tạo nhiều giảng viên ở Việt Nam và Mỹ trong gần 10 năm qua. Liên minh đã tạo được những tiến bộ rõ rệt thông qua việc thiết lập tập huấn, thay đổi chương trình học, hiện đại hóa phòng thí nghiệm, nhân rộng sự đa dạng giới và sự tham gia của nữ sinh, hướng dẫn việc học Anh ngữ và phát triển những nhà lãnh đạo có thể ảnh hưởng đến chính sách giáo dục cả trong hiện tại và tương lai.
Sau giai đoạn đào tạo nguồn nhân lực, HEEAP chuyển sang quy mô lớn hơn cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Sự chuyển mình bao gồm các trường đại học và trường dạy nghề lớn hơn và giúp xây dựng những phòng thí nghiệm đầy đủ chức năng, phòng thực hành cho môi trường học tập ứng dụng, với nguồn nhân lực ở giai đoạn trước đóng vai trò là nhà tư vấn.
“HEEAP đang tiến triển rất tốt ở Việt Nam và tôi tin rằng mô hình này có thể được nhân rộng sang lĩnh vực giáo dục khác và giúp Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, bà Hồ Uyên, Giám đốc Đối ngoại của Intel Việt Nam & Malaysia, trả lời trong hội thảo STEMCON diễn ra đầu năm 2018.
Đặc biệt, cả hai liên minh đều rất quan tâm và khuyến khích sự tham gia của nữ sinh viên trong lĩnh vực STEM. Tôn vinh bằng hình ảnh, những cuộc thi hay học bổng giành riêng, hay đơn giản là niềm vui, sự hào hứng có nhiều phụ nữ tham gia hội nghị. “Đây là một thách thức của chúng tôi tại Mỹ khi có nhiều phụ nữ tham gia học ngành STEM”, bà Stefanie Lindquist, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Đào tạo, Đại học Bang Arizona tại STEMCON 2018, cho biết.