Emart cho biết họ sẽ bán hoạt động kinh doanh cửa hàng bán lẻ của mình tại Việt Nam cho một công ty địa phương. Ảnh: TL.
Emart "buông tay" thị trường Việt Nam
Khó khăn nào cản bước Emart tại Việt Nam
Thông tin từ The Korea Times, Emart cho biết họ sẽ bán hoạt động kinh doanh cửa hàng bán lẻ của mình tại Việt Nam cho một công ty địa phương, sau nhiều lần gặp trở ngại trong việc mở rộng hoạt động tại quốc gia Đông Nam Á. Thay vào đó, nhà bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc sẽ nhận tiền bản quyền từ đối tác Việt Nam.
Thông tin được Emart tiết lộ thông qua một bản công bố vào thứ 2 với nội dung, ban giám đốc đã quyết định bán 100% cổ phần của Công ty E-mart Việt Nam cho Tập đoàn Ô tô Trường Hải (Thaco). Thaco Group là một trong những nhà sản xuất ô tô lớn tại Việt Nam và là doanh nghiệp lớn thứ 4 cả nước.
Thông qua thương vụ, Emart sẽ không còn hoạt động cửa hàng giảm giá thương hiệu của mình tại Việt Nam. Cửa hàng giảm giá sẽ được điều hành dưới dạng nhượng quyền thương mại do Thaco quản lý và sẽ trả phí bản quyền cho Emart. Chia sẻ với phóng viên Nhịp Cầu Đầu Tư, Thaco Group cho biết, thông tin về việc ký kết hiện chưa thể tiết lộ và sẽ trả lời vào thời gian gần nhất.
Tuy nhiên, thương vụ này khá có cơ sở vì theo thông tin được chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Thaco khi đưa ra chiến lược phát triển năm 2019 -2021, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải dự kiến sẽ hoạt động đa ngành, trong đó có cả mảng đầu tư mới là phát triển - kinh doanh chuỗi trung tâm thương mại (TTTM), hợp tác phát triển nông nghiệp.
Hoạt động kinh doanh thương mại của Thaco dựa trên hệ thống các Trung tâm Thương mại kết hợp với showroom ô tô. Ảnh: Korea Times. |
Thực tế, mảng nông nghiệp Thaco đã hoàn thành thâu tóm xong HAGL Agrico từ đầu năm nay. Với việc nhận nhượng quyền Emart, Thaco sẽ chính thức mở rộng kinh doanh chuỗi trung tâm thương mại vốn đặt ra từ 2019.
Đối với lĩnh vực thương mại, theo chia sẻ tại Đại hội Cổ đông 2019, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, cho biết hoạt động kinh doanh thương mại của Thaco dựa trên hệ thống các Trung tâm Thương mại kết hợp với showroom ô tô. Trong đó có showroom ô tô tại tầng trệt, siêu thị và khu ẩm thực (tầng hầm); cửa hàng bán lẻ (tầng 1 & 2); cụm nhà hàng & trung tâm vui chơi trẻ em - cinema (tầng 3 & 4); trung tâm hội nghị và sân vườn (tầng 5).
Cũng theo thông tin trong ngành bán lẻ, trong năm 2021, Trung tâm thương mại Socar Mall trong đại bản doanh của Sala (thuộc Thaco Trường Hải quản lý) dự kiến sẽ khai trương vào quý II, quý III năm nay sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát.
TTMT Socar Mall là TTMT lớn nhất nhì quận 2 tại khu đô thị Sala với toà tháp văn phòng Sofic hình que kem nên được dân tình gọi ví von là “TTMT hình que kem”, với đầy đủ các tiện ích như rạp chiếu phim; trung tâm thương mại mua sắm; các cửa hàng siêu thị; nhà hàng, khu ẩm thực F&B và khu vui chơi trẻ em cùng trung tâm hội nghị. Trước đó trung tâm thương mại này được dự kiến khai trương trong quý IV/2020 nhưng do ảnh hưởng từ COVID-19 nên đã hoãn lại.
Sau Socar Sala, Thaco đang lên kế hoạch thực hiện mô hình kinh doanh này tại Đà Nẵng, Rạch Giá (Kiên Giang), Long An. Thaco có thể sẽ là một thế lực mới trong lĩnh vực kinh doanh trung tâm thương mại ở Việt Nam. Trường Hải cũng bỏ ra 300 tỉ đồng xây TTTM tại Long An. Thaco đã ký kết hợp tác đầu tư với tỉnh Kiên Giang vào năm 2018.
Sự thất bại của những Emart và những thương hiệu bán lẻ Hàn?
Đại gia bán lẻ Emart gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 12.2015 và khai trương cửa hàng giảm giá đầu tiên tại TP.HCM. Tuy nhiên, sau hệ thống siêu thị đầu tiên, Emart đã không thể mở thêm mới vì gặp khó khăn về mặt bằng.
Theo Emart dự kiến, Thaco sẽ mở hơn 10 cửa hàng giảm giá tại quốc gia Đông Nam Á vào năm 2025. "Liên minh chiến lược của chúng tôi với Thaco sẽ không chỉ trả tiền bản quyền cho chúng tôi khi sử dụng thương hiệu Emart tại Việt Nam, mà còn cho chúng tôi cơ hội xuất khẩu", theo chia sẻ của nhân viên Emart.
Việt Nam có dân số khoảng 100 triệu người, một phần lớn trong số đó là những người ở độ tuổi 20 và 30. Chi tiêu tư nhân ở Việt Nam đang tăng lên hàng năm, thúc đẩy sự hấp dẫn của đất nước này đối với các nhà bán lẻ trên thế giới, đặc biệt là đối với những nhà kinh doanh siêu thị hoặc cửa hàng giảm giá. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM có hơn 8 triệu dân cư trú tại đó.
Sau khi mở thêm nhiều cửa hàng nhượng quyền tại Việt Nam, Emart cho biết họ sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Hàn Quốc xuất khẩu sản phẩm của họ sang quốc gia Đông Nam Á. Số lượng sản phẩm Hàn Quốc được bán tại cửa hàng Emart ở quận Gò Vấp, TP.HCM tăng từ 170 sản phẩm năm 2015 lên 1.200 sản phẩm vào năm 2020. Khoảng 85% sản phẩm mang nhãn hiệu độc quyền của Emart. Ngoài ra, 70% sản phẩm No Brand được sản xuất bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hàn Quốc.
Thực tế, không chỉ tại Việt Nam mà tại thị trường Trung Quốc, EMart đã phải đóng cửa hoạt động kinh doanh do kết quả kinh doanh kém, cộng thêm việc người Trung Quốc tẩy chay các sản phẩm Hàn Quốc do nước này triển khai hệ thống chống tên lửa của Mỹ, đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của tập đoàn.
Thậm chí, tại quê nhà Hàn Quốc, cuối năm ngoái, hai cửa hàng PK PEACOCK - thương hiệu riêng của Emart đóng cửa do các cửa hàng này không tạo ra đủ lợi nhuận. Emart đã khai trương cửa hàng PK PEACOCK nhằm đáp ứng nhu cầu thay thế bữa ăn tại nhà (HMR) đang tăng nhanh chóng các sản phẩm. PEACOCK nhanh chóng nổi tiếng khi ghi nhận doanh thu 100 tỉ won vào năm 2015 và 200 tỉ won trong 2017.
Có vẻ như mô hình kinh doanh thương mại của Hàn Quốc chưa có “duyên” tại Việt Nam. Bên cạnh Emart, người đồng hương Lotte cũng chia sẻ với The Korea Time vào tháng 4 vừa qua rằng, hoạt động kinh doanh thực phẩm và bán lẻ của họ tại Việt Nam đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, cả Emart và Lotte vẫn tập trung phát triển các thị trường Đông Nam Á khác.