El Nino khiến giới đầu tư đổ tiền vào thị trường gạo châu Á
Không có gì sai với quan điểm này nhưng trong mọi trường hợp đều có những yếu tố cân bằng khiến đồn đoán giá gạo tăng chưa hẳn đã chắc chắn đúng như diễn biến trong thời gian gần đây về giá ngũ cốc - lương thực của 2/3 dân số thế giới.
Giá gạo 5% tấm Thái Lan tăng 10% từ mức thấp nhất 7 năm rưỡi ở 367,5 USD/tấn hôm 24/6 lên đỉnh 405 USD/tấn hôm 17/7. Tuy nhiên, từ đó, giá gạo đã giảm trở lại xuống mức đáy mới 362,5 USD/tấn hôm 27/8.
Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do tình trạng đình đốn của hầu hết các thị trường hàng hóa và một phần do người mua luôn yêu cầu giá bán thấp hơn do baht Thái mất giá.
Baht Thái đã giảm 10% so với USD kể từ mức đỉnh 2015 ghi nhận hồi tháng 4 ở 32,33 baht/USD xuống 35,64 baht/USD hôm 27/8 vừa qua. Baht giảm giá kéo giảm giá gạo tính bằng đồng tiền này, nhưng từ đầu năm đến nay chỉ giảm 6% - chưa bằng ½ so với mức giảm 13% nếu tính bằng USD.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra đối với các nước xuất khẩu gạo đối thủ của Thái Lan - Việt Nam - khi đồng Việt Nam cũng giảm 6,7% so với USD từ mức đỉnh của năm hồi đầu tháng 2 xuống 22.534 đồng/USD hôm thứ Năm 27/8.
Từ đầu năm đến nay, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm 12,9% xuống 337,5 USD/tấn, nhưng nếu tính bằng nội tệ, giá gạo chỉ giảm 8,2%.
Với viễn cảnh USD tiếp tục mạnh lên, nhất là với các đồng tiền thị trường mới nổi, người mua có cơ hội gia tăng áp lực buộc người bán hạ giá hơn nữa (bằng USD).
Nhưng mọi chuyện có thể sẽ khác khi xét đến việc hiện tượng El Nino đang gây ra thời tiết khô hạn ở Đông Nam Á và Úc trong khi lại khiến thời tiết ở Bắc Mỹ trở nên ẩm ướt hơn.
Các nhà dự báo thời tiết đều đã tăng dự báo về tác động của El Nino - có thể kéo dài sang năm 2016 và khiến sản lượng lúa gạo sụt giảm cũng như sản lượng lúa mỳ của Úc, đậu nành ở Ấn Độ và ngô ở Trung Quốc.
Khi sản lượng lúa gạo giảm, sẽ phải bù đắp bằng lượng gạo lưu kho, nhưng sẽ cần thêm bao nhiêu gạo và liệu có đủ để làm giảm lượng gạo lưu kho khổng lồ của Thái Lan - kết quả của nhiều chương trình trợ giá lúa gạo của chính phủ?
Indonesia - vốn là nước nhập khẩu ròng gạo nhưng đang nỗ lực đạt được mục tiêu tự túc lúa - gạo - vẫn dự đoán sản lượng gạo năm 2015 tăng 7% bất chấp El Nino.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, hiện tượng El Nino có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động canh tác của Indonesia, kéo giảm sản lượng, buộc Indonesia phải nhập khẩu 1,6 triệu tấn gạo trong năm nay.
Philippines, một nước nhập khẩu ròng gạo khác, cũng đang lên kế hoạch tăng sản lượng lúa gạo nội địa trong năm 2016 nhưng vẫn tăng cường nhập khẩu gạo trong năm 2015 nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa do sản lượng giảm.
Từ đầu năm đến nay, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) đã nhập khẩu 750.000 tấn gạo và có thể nhập khẩu thêm 250.000 tấn nữa trước khi năm nay kết thúc. Lĩnh vực tư nhân cũng được phép nhập khẩu 805.200 tấn gạo vào 30/11 với thuế suất 35%.
Theo số liệu của chính phủ Trung Quốc, sản lượng gạo vụ 1 năm 2015 của nước này giảm 0,9% xuống 33,69 triệu tấn, khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này có thể phải tăng nhập khẩu gạo trong năm nay.
Tuy các nước nhập khẩu gạo hàng đầu châu Á sẽ tăng nhập khẩu, song vẫn còn vấn đề về lượng gạo lưu kho lớn cần được được làm rõ.
Trong số 13 triệu tấn gạo lưu kho quốc gia của Thái Lan chỉ có 9 triệu tấn có thể sử dụng cho tiêu dùng của người, theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO).
FAO cũng cho biết, lượng gạo lưu kho của 5 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới đang giảm sau khi xuất khẩu tăng mạnh trong năm 2014 và tỷ lệ tồn kho/sử dụng - lượng gạo lưu kho so với tiêu thụ nội địa và xuất khẩu - niên vụ 2015-2016 sẽ giảm xuống 19%, thấp nhất kể từ năm 2007-2008. Điều này cho thấy nguồn cung ngày càng thắt chặt hơn.
Nhật Trường
Nguồn Reuters