Ế vốn cũng không bỏ trần lãi suất
Lãi suất giảm liên tục, tiền vẫn chảy vào ngân hàng
NHNN vừa báo cáo về tình hình điều hành trần lãi suất huy động.
Từ giữa năm 2011 đến nay, NHNN đã sử dụng trần lãi suất như một công cụ nhằm ổn định và định hướng lãi suất thị trường theo mục tiêu của NHNN.
Từ năm 2012 đến nay, NHNN đã 7 lần điều chỉnh trần lãi suất VNĐ với mức giảm 7%/năm.
Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định, thời gian qua, trần lãi suất huy động được điều hành linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và tình hình thực tế của từng TCTD.
Cụ thể, thứ nhất, NHNN đã quy định trần lãi suất ở mức hợp lý, phù hợp với kỳ hạn, điều chỉnh đồng bộ phù hợp với các mức lãi suất điều hành.
Thứ hai, trần lãi suất huy động đã được dỡ bỏ từng phần nhưng mặt bằng lãi suất vẫn ổn định, kỷ luật thị trường được thiết lập. Cụ thể, đầu tháng 6 năm 2012, NHNN bỏ quy định trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Đến cuối tháng 6/2013, NHNN tiếp tục bỏ quy định trần lãi suất đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng.
Thứ ba, mức trần lãi suất từng bước ấn định ở mức hợp lý tạo sự linh hoạt tạo điều kiện cho TCTD linh hoạt áp dụng quy định trần lãi suất.
Tác động lớn nhất của việc điều hành lãi suất linh hoạt và quyết liệt trên là mặt bằng lãi suất đã giảm với tốc độ chóng mặt. Từ năm 2011 đến nay, lãi suất huy động đã giảm 7-10%/năm, kéo theo lãi suất cho vay giảm 9-12%/năm so với thời điểm giữa năm 2011, trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006. Lãi suất đã không còn là cản trở đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Đặc biệt, mặc dù lãi suất huy động giảm mạnh nhưng người dân vẫn yên tâm gửi vào các tổ chức tín dụng. Tính đến giữa tháng 9/2013, tiền gửi VND của dân cư trong hệ thống ngân hàng tăng tới 13,78% so với cuối năm 2012. Thực tế này cho thấy gửi tiền tiết kiệm vẫn là đầu tư an toàn và hiệu quả nhất hiện nay so với các kênh đầu tư khác.
Chưa có ý định bỏ trần lãi suất?
Theo Vụ Chính sách tiền tệ, mặc dù NHNN đã bỏ quy định trần lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên nhưng tính trật tự, kỷ luật trên thị trường vẫn được duy trì, không có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về lãi suất giữa các tổ chức tín dụng với nhau nhằm chèo kéo khách hàng, người gửi tiền gửi tiền với kỳ hạn dài hơn. Không có hiện tượng người dân rút tiền từ ngân hàng này sang gửi ngân hàng khác để hưởng chênh lệch lãi suất.
Trong điều kiện ngân hàng dư thừa vốn, trần lãi suất huy động vốn kỳ hạn từ 6 – 12 tháng được loại bỏ nhưng tình trạng vượt rào để huy động vốn không xảy ra, có quan điểm cho rằng, NHNN nên bỏ hẳn trần lãi suất huy động để trả lại yếu tố thị trường cho lãi suất.
Dù vậy, ở chiều ngược lại, cũng có quan điểm cho rằng, NHNN đã “thả nổi” lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, nghĩa là đã tạo sự linh hoạt cần thiết cho các ngân hàng nhỏ cạnh tranh huy động vốn. Hơn nữa, hiện nay, các ngân hàng yếu kém vẫn chưa được xử lý triệt để, việc gỡ bỏ hoàn toàn trần lãi suất có thể sẽ gây ra cơn “sóng ngầm” trên thị trường ngân hàng. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ quay lại, việc bỏ hoàn toàn trần lãi suất là khá rủi ro.
Theo Vụ Chính sách tiền tệ, với chính sách điều hành lãi suất hiện nay khiến đường cong lãi suất đã dần được hình thành, giúp các tổ chức tín dụng có thể huy động được nguồn vốn dài hạn và ổn định hơn để phân bổ vốn hợp lý cho nền kinh tế. “ Qua đó cho thấy việc điều hành lãi suất, trần lãi suất huy động của NHNN là phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay”, báo cáo viết.
Như vậy, có thể hiểu, đến thời điểm này, NHNN đang khá “hài lòng” về chính sách điều hành lãi suất và chưa phát ra tín hiệu nào về việc bãi bỏ trần lãi suất huy động trong thời điểm hiện nay.
(Theo Dautu)