Thứ Tư | 06/03/2013 14:37

DWS Vietnam Fund Limited: Giải ngân hết tiền và lạc quan về triển vọng dài hạn của thị trường Việt Nam

Danh mục niêm yết của DWS Vietnam Fund chiếm 45,88% tổng tài sản. Tháng 1/2013 NAV của DWS tăng hơn 6% nhờ VNM, HPG và FPT.
DWS Vietnam Fund Limited (DVF) do Deustche Bank quản lý đầu tư vào Việt Nam từ tháng 8/2006. Mới đây DVF thông báo trong tháng 1/2013 NAV của quỹ tăng 6,09%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 16% của VN-Index trong tháng 1.

Trong 3 tháng gần nhất NAV của DVF tăng 18,03%, và tăng gần 30% trong 1 năm trở lại đây. Hiện ở thời điểm 31/1/2013 NAV của DVF đạt 0,5368 USD/chứng chỉ quỹ.

Biến động NAV của DWS Fund
Biến động NAV của DWS Fund

Cổ phiếu tăng mạnh nhất trong danh mục của DVF là VNM với mức tăng 14,77% trong tháng 1, VNM đã có kết quả kinh doanh cực kỳ ấn tượng trong năm 2012 với mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng đạt 1,3 tỷ USD và 280 triệu USD, tăng 23% và 38% so với năm 2011.

Cổ phiếu thứ 2 mang lại lợi nhuận cho DVF là HPG với mức tăng 18,57% trong tháng 1, công ty này cũng vượt kế hoạch năm 13%. Trong khi PNJ giảm hơn 9% trong tháng 1.

Tại thời điểm cuối tháng 1/2013, DVF đã giải ngân hết tiền, thậm chí tiền mặt của quỹ này -0,15% NAV (có thể do các khoản phải trả, phí khác). Quỹ đầu tư nhiều nhất vào tập đoàn Prime (12%), Vinamilk (9%), tiếp theo là hai công ty chưa niêm yết Greenfeed và Anova.

Khoản đầu tư vào quỹ DWS Vietnam Fund và quỹ tăng trưởng Việt Nam (Vietnam Growth Fund) tăng lên trong tháng, cao hơn khoản đầu tư vào VTC Online và Bảo vệ thực vật An Giang do xu hướng tăng của thị trường.

Cơ cấu danh mục DWS Fund
Cơ cấu danh mục DWS Fund

Trong tháng, DVF mua thêm hai cổ phiếu cao su là cao su Đồng Phú (DPR) và cao su Phước Hòa (PHR). DVF cũng tăng tỷ lệ nắm giữ tại Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIG), Tổng công ty Khí (GAS), DVF cũng tiếp cận mua thỏa thuận các cổ phiếu hết room như Dược Hậu Giang (DHG), Ngân hàng quân đội (MBB) và Kỹ thuật điện lạnh (REE). Hiện danh mục của DVF có 45 hạng mục, bao gồm 14 ngành trong đó ngành chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất (24,93%).

DWS Vietnam Fund Limited thể hiện cái nhìn lạc quan về triển vọng dài hạn của thị trường Việt Nam, theo đó DVF cho rằng Chính phủ Việt Nam đã rất tích cực trong việc hỗ trợ các hoạt động kinh tế thông qua các chính sách tài khóa (giảm thuế), tiền tệ (giảm lãi suất) và tái cơ cấu (ngân hàng và TTCK). Những biện pháp này có thể mất thời gian thực hiện nhưng nếu thực hiện đúng có thể đem lại kết quả tích cực cho tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp từ nửa cuối năm 2013.

Năm 2012 Việt Nam đã chuyển từ tăng trưởng bằng mọi giá sang tăng trưởng ổn định với mục tiêu giảm lạm phát xuống 1 con số, thặng dư thương mại, ổn định tiền tệ và đẩy mạnh xuất khẩu cũng như cải thiện dự trữ ngoại hối.

Theo DVF, Chính phủ Việt Nam cần cải cách hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước để có nền tảng tốt cho sự tăng trưởng.

Các nhà đầu tư lớn, bao gồm cả Templeton, Citigroup và Tập đoàn AIA cho biết họ khá tích cực trên các nguyên tắc cơ bản mạnh mẽ của Việt Nam, mà điều này chưa được phản ánh đầy đủ vàothị trường chứng khoán, dẫn đến định giá hấp dẫn.

Nguồn CafeF


Sự kiện