Theo SSI, kết quả tài chính của đơn vị sở hữu sữa đậu nành dẫn đầu thị trường Vinasoy sẽ phục hồi tốt vào năm 2021, do mảng kinh doanh mía đường dẫn dắt.

 
Phương Anh Thứ Ba | 29/06/2021 13:30

Đường Việt tìm lại vị ngọt

Cổ phiếu các công ty mía đường tăng vọt trong bối cảnh quyết định áp thuế đối với đường từ Thái Lan có hiệu lực.

Bộ Công Thương mới đây quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan ở mức 47,64% trong vòng 5 năm, có hiệu lực từ ngày 16.6.2021. “Chính sách này là sự kiện có tính chất bước ngoặt cho ngành đường Việt Nam và các doanh nghiệp mía đường trong nước”, Công ty Chứng khoán SSI nhận định. Tho đó, từ đầu năm đến nay, giá của các cổ phiếu mía đường tăng đáng kể, như SLS với mức tăng gần 88%, LSS tăng gần 42%, QNS tăng hơn 7%...

Khi giá bán đường trong nước nâng lên, những doanh nghiệp đầu ngành mía đường kỳ vọng được hưởng lợi lớn. Điển hình là Thành Thành Công - Biên Hòa (mã SBT, chiếm khoảng 25% tổng vùng nguyên liệu cả nước và sở hữu khoảng 46% thị phần), hay Đường Quảng Ngãi (mã QNS, đứng thứ 2 về vùng nguyên liệu mía, thị phần đường RE chiếm 11%), Mía đường Lam Sơn (mã LSS, sở hữu quy mô sản xuất đường tinh luyện RE lớn nhất tại miền Bắc).
 

 

Trái với sự khó khăn của ngành đường năm ngoái, cùng với xu hướng tăng giá đường thế giới từ cuối năm 2020, việc chính thức áp dụng sắc thuế mới đã giúp kỳ vọng về ngành đường trở nên lạc quan hơn nhiều trong năm nay. Điều này thể hiện ngay ở kết quả kinh doanh quý I vừa qua của nhiều doanh nghiệp đường nội địa.

Chẳng hạn, Thành Thành Công - Biên Hòa cho biết đã tiêu thụ 877.000 tấn đường trong 9 tháng đầu niên độ 2020-2021, tăng gần 26% so với cùng kỳ. Tính chung, doanh thu thuần của Công ty đạt 10.749 tỉ đồng, tăng 18% và hoàn thành 75% kế hoạch năm, còn lợi nhuận sau thuế đạt 479 tỉ đồng, tăng 225% so với cùng kỳ. SSI dự báo Thành Thành Công - Biên Hòa sẽ vượt xa kế hoạch lợi nhuận trước thuế trong năm tài chính 2020 (năm tài chính kết thúc vào quý 2), tương ứng tăng 57%.

Với Đường Quảng Ngãi, sản lượng đường tiêu thụ báo cáo đạt khoảng 25.000 tấn, tăng 47% so với cùng kỳ, trong khi giá bán bình quân tăng gần 10%. Tổng doanh thu đạt 408 tỉ đồng, tăng 55%. Theo SSI, kết quả tài chính của đơn vị sở hữu sữa đậu nành dẫn đầu thị trường Vinasoy sẽ phục hồi tốt vào năm 2021, do mảng kinh doanh mía đường dẫn dắt.

 

Tính toán kỹ hơn sẽ thấy mức thuế chính thức đối với sản phẩm đường tinh luyện thấp hơn một chút, còn mức thuế đối với đường thô cao hơn đáng kể so với mức thuế tạm thời (47,64% so với 33,99%). “Mức thuế cao hơn đối với đường thô cho thấy Chính phủ định hướng thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu mía đường trong nước để đảm bảo nguồn cung so với việc nhập khẩu đường thô về để luyện. Các nhà máy đường có lợi thế về quy mô trong sản xuất đường RS và RE sẽ có lợi thế về giá thành hơn so với những nhà máy nhỏ. Do đó, các công ty này sẽ được hưởng lợi hơn từ chính sách mới”, SSI đánh giá.

Chính sách thuế luôn ảnh hưởng mạnh tới thị trường đường Việt. Năm ngoái, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan tăng 330% so với cùng kỳ, đạt 1,3 triệu tấn (chiếm gần 87% tổng lượng đường nhập khẩu). Nguyên nhân chủ yếu vì thuế ATIGA có hiệu lực từ 1.1.2020, khi hạn ngạch được xóa bỏ và thuế nhập khẩu cho các nước ASEAN chỉ còn 5%.

Năm ngoái cũng được xem là năm ảm đạm nhất của ngành mía đường Việt Nam. Sản lượng mía đường niên độ 2019-2020 đạt khoảng 7,4 triệu tấn, giảm 39% so với năm trước và sản xuất gần 770.000 tấn đường, giảm 35%. Diện tích mía nguyên liệu cũng giảm 18%, với 1/3 số nhà máy đường trong Hiệp hội Mía đường đã phải đóng cửa do tình trạng thiếu nguyên liệu.

Còn trong năm nay, tổng sản lượng sản xuất chỉ ước đạt 612.000 tấn, giảm 15% và tổng nguồn cung nội địa khoảng 700.000 tấn đường, giảm 14% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhu cầu trong nước ước đạt 2,2 triệu tấn vào năm 2021 và dự kiến sẽ tăng từ 3-5% mỗi năm trong những năm tới, SSI đánh giá.

Điều này đồng nghĩa với việc để đáp ứng nhu cầu trong nước, ngành đường sẽ phải nhập khẩu sản phẩm đường tinh luyện hoặc đường thô về để sản xuất, cùng với đó là nguồn cung từ đường nhập lậu. Ở góc độ lạc quan, nguồn cung từ vụ mía trong nước chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, cộng với sắc thuế mới sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp mía đường nội địa trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, sắc thuế mới về lâu dài không phải là lời giải cho bài toán cạnh tranh của ngành, mà phải là câu chuyện của sản xuất. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VCBS, giá đường Thái Lan xuất khẩu qua Việt Nam bình quân (gồm cả đường thô và đường tinh luyện) dù đã tăng nhưng vẫn chỉ ở mức 327,7 USD/tấn, thấp hơn so với con số 410 USD/tấn chi phí sản xuất đường nội địa.

Bên cạnh đó, sẽ còn rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến thị trường mía đường. Chẳng hạn như yếu tố xu hướng giá đường thế giới theo thời tiết, hay việc kiểm soát lỏng lẻo đối với đường nhập khẩu giá rẻ qua biên giới, cũng sẽ làm sai lệch cung cầu thị trường.

Nhìn xa hơn nữa còn là bài toán về sản phẩm, bên cạnh câu chuyện quản lý vùng nguyên liệu, hay tăng năng suất cây mía. Điển hình như Thành Thành Công - Biên Hòa tập trung sản xuất đường organic có biên lãi gộp cao (từ mức 30-40%), những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao (như phân bón organic) và các sản phẩm giải khát (nước mía organic).

Sắc thuế áp dụng với đường nhập Thái Lan cũng không phải là lời giải về mặt dài hạn mà chỉ áp dụng trong vòng 5 năm tới. Đây cũng là khoảng thời gian để đường nội tìm cách đột phá và tìm lại thị trường trong nước. “5 năm là thời gian dài giúp chuỗi cung ứng đường nội địa phục hồi và phát triển bền vững hơn”, báo cáo SSI đánh giá.