TTC
Đường Việt Nam tìm đường sang châu Âu
TTC Sugar (SBT) vừa ký kết chiến lược với Tập đoàn ED&F Man Sugar (Anh), đánh dấu bước ngoặt mới cho TTC Sugar nói riêng và ngành đường nói chung ở thị trường châu Âu.
Đường sang EU
Theo chia sẻ từ ED&F Man Sugar, ngay sau ngày ký kết, hai bên sẽ nhanh chóng xúc tiến các công việc liên quan, sao cho trong tháng 12 này, hoặc chậm nhất tháng 1.2019, ED&F Man Sugar sẽ đưa đường organic của TTC Sugar, sản xuất tại Lào bán cho 300 khách hàng ở châu Âu. Hợp tác này sẽ kéo dài 5 năm. Trong năm đầu tiên, ED&F Man Sugar đặt mục tiêu bao tiêu khoảng 4.500 tấn đường. Sang các niên độ sau, ông Joaquin Munoz, Giám đốc Kinh doanh ED&F Man Sugar, khẳng định: “Nếu chất lượng đường tốt và tiếp thị hiệu quả, con số này có thể tăng lên gấp đôi, gấp 3".
Điều này có ý nghĩa với TTC Sugar vì các nước trong khối EU như Đức, Hà Lan, Bỉ, Anh, Phần Lan... đều nằm trong top 10 quốc gia sử dụng đường nhiều nhất thế giới.
Nhưng để rộng đường và chắc chân, TTC Sugar chọn nguồn đường sản xuất tại Lào vì đây là quốc gia được hưởng cơ chế ưu đãi thuế suất 0% khi xuất khẩu đường vào thị trường châu Âu. Nhờ đó, TTC Sugar có thể cạnh tranh về giá bán với các nước.
Cạnh tranh về giá đang là cuộc cạnh tranh thất thế của đường Việt. Điển hình, giá thành đường của Thái Lan đang rẻ hơn 30-40% so với đường Việt do Chính phủ Thái Lan tích cực hỗ trợ doanh nghiệp (hỗ trợ mức giá cố định, phân chia thị phần, tài trợ nợ vay, hỗ trợ vốn, kiểm soát nhập khẩu, trợ cấp xuất khẩu...).
Vì thế, lãnh đạo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) khẳng định, để xuất khẩu thành công, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư nâng cấp công nghệ, có sự chuẩn bị thì mới có thể cạnh tranh và chinh phục những thị trường khó tính.
TTC Sugar đã chọn phân khúc đường organic vì đây là xu hướng tiêu dùng mới của thế giới. Công ty đã dấn bước vào lĩnh vực này từ 7 năm trước, với diện tích mía đường organic trong nước khoảng 100ha, còn diện tích tại Lào gấp 10 lần. Mục tiêu đến năm 2022, TTC Sugar dự kiến đưa toàn bộ diện tích ở Lào thành mía đường organic và sản lượng đường organic tại Lào sẽ đạt 40.000 tấn, còn tại Việt Nam ước chỉ bằng một nửa. Theo tính toán của ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch TTC Sugar, đến năm 2022 các sản phẩm organic sẽ chiếm khoảng 7-8% tổng doanh thu của Công ty.
Đường organic hiện là loại đường đã thỏa mãn các tiêu chuẩn hữu cơ từ khâu trồng đến khâu tạo thành sản phẩm. Ở khâu sản xuất, đường organic của TTC Sugar cũng đạt các tiêu chuẩn ISO, FSSC, HALAL, Kosher... Đặc biệt, đường Organic Golden Cane Sugar của TTC Attapeu (thuộc TTC Group) đã được tổ chức Control Union cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và EU, đủ điều kiện xuất sang các thị trường tiềm năng nhưng khó tính như Mỹ, EU.
Thực tế, năm ngoái, theo thông tin từ ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA, đường Việt đã được xuất khẩu sang 28 quốc gia, gồm cả các nước trong khối EU như Anh, Thụy Điển, Đức, Hà Lan... Nhưng sản lượng xuất khẩu 9 tháng năm 2017 chỉ 43.000 tấn, tương đương giá trị hơn 20 triệu USD và châu Á vẫn là thị trường chính. Riêng Đường Biên Hòa (đã sáp nhập vào TTC Sugar) chiếm hơn phân nửa lượng đường xuất khẩu. Tính cả con số của các công ty thành viên khác, TTC Sugar đã làm chủ sân chơi xuất khẩu.
Dù vậy, một hợp tác toàn diện với đơn vị quốc tế, phân phối chuyên nghiệp như ED&F Man Sugar là chưa từng xảy ra. Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch TTC Group, kỳ vọng hợp tác sẽ tạo đột phá mới cho TTC Sugar và cả ngành đường Việt Nam ở thị trường châu Âu.
Triển vọng hợp tác
ED&F Man Sugar không phải là đối tác bình thường của TTC. Từ 14 năm trước, giữa đôi bên đã có mối liên kết hợp tác. Có thể kể đến những thương vụ hợp tác như hợp đồng mua bán đường tinh luyện đầu tiên (năm 2010) giữa đôi bên; TTC gia công đường cho ED&F Man Sugar, để Hãng phân phối đường thương hiệu Mimosa đến các thị trường như Đài Loan, Philippines, châu Phi... Hay năm 2014 TTC và ED&F Man Sugar đã hợp tác, tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong mảng ethanol trước khi hai bên có các thương vụ mật rỉ đầu tiên. Ông Joaquin Munoz bày tỏ, những thương vụ này đã chứng tỏ mối quan hệ hợp tác lâu bền, gắn bó, tin cậy giữa đôi bên.
Mặc dù vậy, để có thể đi đến hợp tác bao tiêu toàn bộ đường organic cho TTC Attapeu và đưa đường này vào châu Âu, ED&F Man Sugar cũng đã làm việc với TTC suốt 17 tháng qua. Bắt đầu là buổi thảo luận đầu tiên diễn ra vào tháng 5 năm ngoái. Sau đó đến các thảo luận thêm về sản phẩm, thị trường, cạnh tranh, cơ hội...
Qua trao đổi, TTC nhận thấy ED&F Man Sugar là đối tác phù hợp cho Công ty trên bước đường thâm nhập châu Âu. ED&F Man Sugar là 1 trong 3 công ty kinh doanh đường lớn nhất thế giới với doanh thu mỗi năm khoảng 10 tỉ USD, có văn phòng đại diện tại 60 quốc gia. ED&F Man Sugar cũng khẳng định, trong mảng nhập khẩu, sản xuất, tiếp thị, phân phối đường organic và đường đặc chủng, Công ty không có đối thủ ở châu Âu. Về mạng lưới hoạt động, ED&F Man Sugar phân phối sản phẩm cho hơn 15.000 khách hàng và trên 14.000 đối tác khắp thế giới. Các sản phẩm cung cấp, vận chuyển, phân phối rất đa dạng, từ cà phê, đường, mật đường đến các loại đậu, ngũ cốc. Trung bình hằng năm, ED&F Man Sugar cung ứng cho thị trường khoảng 66 0.000 tấn cà phê, 11 triệu tấn đường, 6 triệu tấn thức ăn động vật.
Nguồn: TTC |
ED&F Man Sugar có lý do để đồng ý bao tiêu đường organic của TTC Attapeu. Đó là đường organic của TTC Attapeu thỏa mãn các yêu cầu về chất lượng quốc tế, còn TTC Sugar thì đa dạng về sản phẩm (đường, sau đường đến các sản phẩm cận đường như mật rỉ...) và đang dẫn đầu ngành mía đường với thị phần nội địa xấp xỉ 40%. Vùng nguyên liệu của Công ty cũng đã được cải thiện về năng suất trồng trọt lên 70 tấn/ha. Chi phí sản xuất của TTC Sugar đã ngang bằng Thái Lan (30 USD/tấn mía) và sẽ còn tiếp tục giảm xuống.