Thứ Năm | 28/08/2014 11:34

Dương Tự Trọng nhận án hơn 17 năm tù giam

Thêm mức án 15 tháng tù về tội lợi dụng chức vụ, bị cáo Dương Tự Trọng phải chịu hình phạt 17 năm 3 tháng tù giam.
Sáng nay (28/8), TAND TP Hải Phòng đưa cựu Đại tá Công an Dương Tự Trọng ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”.

HĐXX bước vào phần tuyên án. Theo chủ tọa, tại phiên tòa, bị cáo không thừa nhận tội danh nhưng thừa nhận hành vi. Bị cáo biết Phong bị truy nã, nhưng vì tình cảm nên không thực hiện bắt Phong. Tại tòa, bị cáo Trọng thừa nhận lời khai của Đồng Xuân Phong và Sơn – cựu Phó Phòng Hình sự là đúng.

Do vậy, HĐXX cho rằng, cáo trạng quy kết tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ là đúng người, đúng tội.

HĐXX cũng bác đề nghị đình chỉ vụ án của luật sư Nguyễn Đình Hưng

Theo chủ tọa phiên tòa, hành vi của bị cáo Trọng làm mất niềm tin của nhân dân vào lực lượng công an nhân dân. Tuy nhiên xét những yếu tố giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo Trọng cũng như nhân thân, gia đình bị cáo, HĐXX tuyên phạt 15 tháng tù giam.

Tổng hợp mức án đối với 2 bản án, bị cáo Trọng phải chịu mức án 17 năm 3 tháng tù giam.

Sau khi thực hiện các phần tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX bước sang phần nghị án.

Trong lời nói sau cùng, bị cáo Dương Tự Trọng cho biết: “Tôi rất xúc động, đến giờ đã hơn 1 năm không được gặp gia đình. Về Hải Phòng nhìn thấy những ánh mắt hiền hậu mà dâng trào cảm xúc. Với vụ án này, tôi tin vào HĐXX. Tôi đã nói chuyện với luật sư, tôi không tranh luận, không kháng án. Những năm ở Hải Phòng tôi tự hào. Dù ở hoàn cảnh nào, tôi luôn yêu thiết tha, với tình yêu cuộc sống mãnh liệt, nụ cười thanh thản nhất”.

Trong phần thẩm vấn, Chủ toạ Trần Thị Thu Hà hỏi: Bị cáo có lần nào gọi điện cho Phong kêu ra đầu thú?

Trọng khai: Bị cáo chưa liên hệ, thậm chí còn nhắc nhở anh em, động viên Phong ra đầu thú.

Chủ tọa thẩm vấn, trong lời khai của Phong, vào năm 2010, có lần bị cáo đã gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe, khuyên Phong ra đầu thú? Dương Tự Trọng nói rằng: “Bị cáo bận quá, không còn đủ thời gian tắm làm sao mà có liên hệ”.

Nói về trách nhiệm đối với đối tượng truy nã, bị cáo Trọng cho biết, Phòng Truy nã có danh sách rà soát những đối tượng truy nã, Trọng có được đọc danh sách nhưng không thể lọc hết các đối tượng.

Trọng cho biết, đối với Đồng Xuân Phong, đến khi đưa anh trai sang Campuchia thì mới biết có sự tham gia của đối tượng truy nã này.

Tham gia thẩm vấn bị cáo Dương Tự Trọng, đại diện VKS đặt vấn đề: “Bị cáo nghĩ thế nào về việc Sơn sau khi điện thoại có bảo bị cáo nói chuyện với Phong?”

Bị cáo Dương Tự Trọng khẳng định không phủ nhận lời khai của Sơn. “Tuy nhiên thời điểm đó, biết là Đồng Xuân Phong bị cáo hơi sốc”, cựu phó giám đốc Công an TP Hải Phòng nói.

Nói về việc sử dụng Đồng Xuân Phong trong việc giúp đỡ Dương Chí Dũng bỏ trốn, Dương Tự Trọng khẳng định: “Trong hoàn cảnh đó, bị cáo vẫn sẽ sử dụng Đồng Xuân Phong dù biết đối tượng này đang bị truy nã”.

Kết thúc phần xét hỏi, tòa bước sang phần tranh luận. Mở đầu phần tranh luận, đại diện VKS bắt đầu phần luận tội.
Giữ quyền công tố tại phiên tòa, đại diện VKS cho rằng, Dương Tự Trọng có quen biết với Đồng Xuân Phong ở thời điểm Phong là cán bộ của Hải quan. Sau này biết Phong bị truy nã, bị cáo Dương Tự Trọng đã có vận động Phong ra đầu thú. Lời khai này của Dương Tự Trọng phù hợp với lời khai của Đồng Xuân Phong.

Việc anh trai của Dương Tự Trọng trốn truy nã, Trọng phải nhờ Vũ Tiến Sơn liên lạc với một số người nhằm tổ chức đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn, trong đó có Đồng Xuân Phong. Lời khai này của Đồng Xuân Phong, Vũ Tiến Sơn, Dương Tự Trọng phù hợp với nhau.

Do đó, VKS cho rằng, bị cáo Trọng trước khi tổ chức đưa Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài, Dương Tự Trọng đã biết Đồng Xuân Phong bị truy nã nhưng vẫn nhờ Phong giúp Dương Chí Dũng. Cho nên truy tố của cáo trạng theo VKS là đúng người đúng tội. Tuy nhiên VKS đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Dương Tự Trọng. Theo đó, VKS đề nghị xử phạt bị cáo Dương Tự Trọng mức án 12-18 tháng tù giam.

Luật sư Nguyễn Đình Hưng – người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Dương Tự Trọng nêu quan điểm, với hành vi liên quan đến Đồng Xuân Phong, giúp sức tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài, những hành vi này đã được đưa ra xét xử trong vụ án “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”. Vụ án này đã xét xử phúc thẩm và đã có hiệu lực.

Theo quan điểm của luật sư thì Đồng Xuân Phong là mắt xích trong vụ án Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. Bản án này đã quy kết trách nhiệm hình sự đặc biệt nghiêm trọng đối với bị cáo Dương Tự Trọng, trong đó có lý do lôi kéo Đồng Xuân Phong tạo thành một mắt xích tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. “Đây là sự trùng lặp trái với điều 107, Bộ luật tố tụng hình sự”.

Luật sư Hưng cũng biện luận rằng, trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, nếu đòi hỏi một phó giám đốc Công an tỉnh, thành phố phải đọc báo cáo rồi trực tiếp chỉ đạo kế hoạch, tổ chức thực hiện truy bắt đích danh một trong hàng ngàn tội phạm truy nã ghi trong danh sách, thực sự không khả thi. Kể cả xét đến cùng thì chức năng nhiệm vụ của người lãnh đạo không quy định cụ thể….

Từ luận điểm của mình, ông Hưng đề nghị HĐXX đình chỉ vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ” đối với bị cáo Dương Tự Trọng.

Nguồn VOV News


Sự kiện