Thứ Bảy | 14/07/2012 14:47

Đường tồn kho, doanh nghiệp vẫn khó mua

Mặc dù bước vào cuối vụ và đường tồn kho còn 357.517 tấn, nhưng nhiều doanh nghiệp sử dụng đường số lượng lớn vẫn không thể mua được hàng để sản xuất.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp sử dụng đường phục vụ sản xuất như Coca Cola, Pepsi, Nestle, Vinamilk… tại thời điểm thị trường đường trong nước dư thừa lớn, họ vẫn phải mua đường với giá 19.000 đến 19.500 đồng/kg, trong khi giá nhập về tới cảng TP Hồ Chí Minh chỉ khoảng 14.000 đồng/kg.

Các doanh nghiệp này cho rằng giá đường ở Việt Nam đang cao hơn nhiều so với giá thế giới, nhưng vẫn khó mua và thị trường đường Việt Nam đang bị thao túng khiến một số doanh nghiệp phải tạm thời dừng một số dây chuyền sản xuất để chờ nguyên liệu.

Không chỉ vậy, việc thiếu nguyên liệu cho sản xuất này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đang chuẩn bị nguồn nguyên liệu để tập trung sản xuất mùa cao điểm phục vụ Tết Trung thu và Tết cổ truyền sắp tới.

Đặc biệt, với giá đường tăng mạnh như hiện nay, chắc chắn các doanh nghiệp sản xuất phải tăng giá bán sản phẩm đầu ra khi đó sẽ gây ảnh hưởng xấu nền kinh tế, đi ngược lại chủ trương kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Do đó, một số đơn vị đã có văn bản gửi Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Mía đường nhờ can thiệp, tăng cung thị trường đường, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong nước đã bước vào cuối vụ đường 2011/2012 và chỉ còn 1 nhà máy sản xuất trái với xu hướng hàng năm. Lũy kế sản xuất từ đầu vụ đến ngày 18/6 là 1.369.666 tấn đường. Tồn kho tính đến thời điểm 18/6/2012 còn 357.517 tấn (cao hơn cùng kỳ năm ngoái 9.817 tấn), cùng với 70.000 tấn đường nhập khẩu theo cam kết WTO thì nguồn cung đường có khả năng đáp ứng tương đối nhu cầu sử dụng đến tháng 9 - khi vào vụ đường mới.

Tính chung 6 tháng đầu năm, do sản lượng đường trong nước dồi dào cùng với sản xuất đường của Thái Lan được mùa, dư cung đường thế giới tăng lên nên giá đường trong nước giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, giá đường kính trắng tiếp tục giảm so với cuối tháng trước, hiện phổ biến ở mức 16.800 đến 17.400 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg; giá đường tinh luyện ở mức 17.500 đến 18.500 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg; giá đường bán lẻ trên thị trường nhìn chung ổn định, phổ biến ở mức từ 21.000 đến 23.000 đồng/kg.

Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương Nguyễn Xuân Chiến cho biết, Bộ vẫn chưa nhận được thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Mía đường Việt Nam về việc có hay không thị trường đường đang bị lũng đoạn. Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thông tin này để có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất cũng như đảm bảo quyền lợi người nông dân và người tiêu dùng trong nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho biết, sẽ yêu cầu Vụ Thị trường trong nước và Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) theo dõi kỹ thông tin về thị trường đường để giải quyết cấp quota nhập khẩu đường cho hài hòa, giúp bảo vệ sản xuất trong nước nhưng cũng tránh tình trạng gây khó khăn cho các doanh nghiệp phải nhập khẩu đường theo quota.

Đồng thời, Bộ Công Thương chưa công bố lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2012 (mức tối thiểu là 70.000 tấn) cho đến khi hết vụ sản xuất đường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành mía đường cũng như ưu tiên sử dụng hàng được sản xuất trong nước, hạn chế nhập siêu. Hai bộ cũng đã thống nhất sau khi kết thúc vụ mía đường, dự kiến giữa tháng 7 này hai bộ sẽ họp thống nhất và công bố phân giao hạn ngạch.

Nguồn Báo tin tức


Sự kiện