Giới thiệu gạo thơm của Pan Group. Ảnh: Quý Hòa

 
Hoàng Hà Thứ Tư | 15/07/2020 14:31

Đường tắt nâng giá hạt gạo Việt

Các tập đoàn đa quốc gia có thể mở ra con đường khác để tăng giá trị hạt gạo của Việt Nam.

Top đầu xuất khẩu, đội sổ giá trị

Trong 5 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 485 USD/tấn. Tuy nhiên, theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, trước đây, gạo Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là gạo cấp thấp, giá rẻ, thua kém các nước như Thái Lan, Campuchia về nhiều mặt.

“Gạo Thái Lan, Campuchia làm được thương hiệu, xúc tiến thương mại tốt, tiếp thị quảng cáo để khách hàng thế giới biết đến, tạo được niềm tin về chất lượng nên bán được giá hơn. Trong khi đó, với gạo Việt Nam, từ lâu khách hàng thế giới chỉ biết đến là gạo cấp thấp, giá rẻ, nên bán gạo chất lượng cao họ cũng ép giá xuống thấp”, ông Bình lý giải.

Thực tế, dù Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo top đầu thế giới, nhưng giá trị lại thấp nhất nhì thế giới. Điều này khiến 20 triệu nông dân ở vựa lúa gạo lớn nhất của Việt Nam năm nào cũng thấp thỏm lo âu về đầu ra. Lâu nay, vấn đề gia tăng giá trị cho hạt gạo Việt Nam loay hoay ở vấn đề làm thương hiệu. Chẳng hạn, theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, danh hiệu gạo ngon nhất thế giới sẽ mang lại cơ hội lớn cho hạt gạo Việt Nam, giúp thế giới biết đến chất lượng gạo Việt thơm ngon. Theo chiến lược được Chính phủ phê duyệt, Việt Nam sẽ giảm dần xuất khẩu gạo về số lượng nhưng tăng giá trị xuất khẩu.

Làm thương hiệu cho hạt gạo rất quan trọng nhưng nhiều con đường khác chưa được doanh nghiệp cũng như các nhà làm chính sách chú ý. Mới đây, làm việc với các đơn vị xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng Việt Nam đang tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo theo hướng ưu tiên đầu tư một số loại giống để nâng cao giá trị hạt gạo, phù hợp với nhu cầu thị trường. “Lúa gạo không chỉ là mặt hàng bán bình thường mà trở thành dược phẩm, thực phẩm chức năng”, ông nói.

 


Chẳng hạn, Quảng Trị đã xây dựng mô hình 600 ha lúa gạo hữu cơ, mục đích là phát triển những gì tinh túy nhất của hạt gạo. Hay tăng trưởng của ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi gần 15% trong nhiều năm qua đã khiến Việt Nam phải nhập khẩu tới 90% lượng cám khô dầu từ Ấn Độ để phục vụ sản xuất. Vì vậy, chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trong thời gian tới không chỉ có hạt gạo, mà cám gạo cũng phải được xem là “chính phẩm”.

Cũng theo xu hướng này, một tin vui là lãnh đạo Tập đoàn CJ tại Việt Nam vừa đề xuất với Bộ Công Thương về việc thành lập một trung tâm nghiên cứu gạo tại Việt Nam để gia tăng giá trị hạt gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Theo ông Chang Bok Sang, Chủ tịch Tập đoàn CJ tại Việt Nam, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng sản xuất và xuất khẩu gạo, luôn đứng top 3 các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam chưa được khai thác đầy đủ, tối đa hóa giá trị gia tăng cho hạt gạo. 

Gian hàng giới thiệu gạo xuất khẩu. Ảnh: Quý Hòa
Gian hàng giới thiệu gạo xuất khẩu của Cẩm Nguyên. Ảnh: Quý Hòa

Đa dạng hoá sản phẩm từ gạo

“Để khai thác tối đa tiềm năng của hạt gạo Việt Nam cũng như giảm thiểu rủi ro khi việc gia tăng xuất khẩu gặp khó khăn do phụ thuộc nhiều vào các nước nhập khẩu thì cần thiết phải đầu tư, tăng giá trị gia tăng của gạo bằng cách chế biến thành các sản phẩm như ngũ cốc, bánh kẹo...”, ông Chang Bok Sang nói.

Trong bối cảnh giá gạo Việt Nam chưa được nâng cao, việc đưa công nghệ tiên tiến vào chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ gạo cũng là hướng đi quan trọng. Thực tế, sản phẩm từ gạo của Việt Nam ít có tính đột phá, đa phần chỉ mang tính truyền thống như bánh tráng, bánh phở, hủ tíu, bún khô... Chỉ riêng với bánh snack, theo thống kê của Nielsen, ước tính đến năm 2020, quy mô thị trường sẽ tăng lên gần gấp đôi, tương đương hơn 1 tỉ USD.

 


Trước thị trường tiềm năng này, Want Want, tập đoàn nắm giữ thị phần bánh gạo lớn nhất tại Đài Loan, đã bước vào Việt Nam với nhà máy chế biến bánh gạo tại tỉnh Tiền Giang. Khi đi vào hoạt động vào đầu năm 2021, nhà máy sẽ tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động, sử dụng khoảng 6.000 tấn gạo/năm, lấy nguyên liệu ngay tại đồng bằng sông Cửu Long. “Với tiềm năng là một trong những quốc gia xuất khẩu lúa gạo lớn nhất thế giới như Việt Nam, kết hợp với bí quyết của Want Want, hy vọng sẽ tạo nên các sản phẩm bánh kẹo được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích”, ông Everett Chu, Giám đốc Tài chính cấp cao kiêm phát ngôn viên của Want Want, nhấn mạnh.

Việc Want Want đặt nhà máy tại Tiền Giang được kỳ vọng sẽ vừa nâng giá trị nguồn nguyên liệu nông sản của Việt Nam, vừa phát huy giá trị gia tăng qua chế biến sâu, đa thành phẩm từ lúa gạo. Đây được coi là giải pháp căn cơ, bền vững nhằm giữ ổn định sản xuất cho bà con nông dân và giá trị hạt lúa. Về hướng đi này, theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Việt Nam có thuận lợi lớn để phát triển ngành công nghiệp chế biến sản phẩm từ gạo bởi các công ty xuất khẩu công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này đều nằm trong những nước tham gia các hiệp định thương mại như Mỹ, Nhật, Đức... Ngoài ra, Canada, Úc, Hàn Quốc là nhóm các quốc gia nhập, tiêu thụ dầu gạo hàng đầu thế giới.