Thứ Hai | 05/05/2014 16:48

Đường sắt Việt Nam thay Tổng giám đốc trước 10/5

Ông Vũ Tá Tùng (Phó tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam) được giới thiệu thay thế ông Nguyễn Đạt Tường. Việc chuyển giao dự kiến thực hiện trước 10/5.

Bộ Giao thông yêu cầu Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sớm có tờ trình để Ban cán sự Đảng của Bộ này xem xét phê duyệt về nhân sự Tổng giám đốc mới.

Theo nghị quyết của Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông, tổ chức này đồng ý để Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giới thiệu ông Vũ Tá Tùng vào vị trí Tổng giám đốc, trình Bộ này xem xét trước ngày 10/5.

Ảnh Chí Hiếu, Vnexpress
Ông Vũ Tá Tùng. Ảnh Chí Hiếu, Vnexpress

Ông Tùng sẽ thay thế Tổng giám đốc đương nhiệm Nguyễn Đạt Tường. Dù nhường lại ghế Tổng giám đốc song ông Tường vẫn có tên trong Hội đồng thành viên Tổng công ty.

Ông Nguyễn Đạt Tường làm Tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam từ tháng 7/2011 và từng có thời gian kiêm nhiệm chức Chủ tịch hội đồng thành viên trong năm 2013 sau khi người tiền nhiệm Nguyễn Hữu Bằng nghỉ hưu.

Còn ông Vũ Tá Tùng sau 8 tháng được bổ nhiệm vào ghế Phó tổng giám đốc Tổng công ty kiêm chức Tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách Đường sắt Sài Gòn sẽ có tên trong Hội đồng thành viên và giữ chức Tổng giám đốc.

Vấn đề nhân sự của ngành Đường sắt thu hút sự chú ý của dư luận khi ngày 21/3, tờ Yomiuri và nhiều tờ báo Nhật đồng loạt đưa tin về ông Tamio Kakinuma, Chủ tịch công ty tư vấn đường sắt JTC (Japan Transportation Consultants) đến cơ quan điều tra khai báo tự nguyện về việc "lại quả" quan chức cấp cao của Đường sắt Việt Nam để đổi lấy việc trúng thầu dự án ODA.

Số tiền lại quả 80 triệu yen (tương đương 780.000 USD) được đánh giá là cao so với nhiều lần "lại quả" khác của JTC. Tương tự, một dự án ODA ở Indonesia, JTC hối lộ quan chức 30 triệu yen, còn ở Uzbekistan 20 triệu yen.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã cử người sang Nhật Bản tìm hiểu thông tin trên. Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng gửi văn bản tới Bộ trưởng Tư pháp Nhật đề nghị trao đổi thông tin chính thức để làm sáng tỏ nghi án hối lộ của JTC với cán bộ Đường sắt Việt Nam.

JTC có mặt tại Việt Nam từ năm 1993 và tham gia hơn chục dự án khác nhau liên quan đến đường sắt. Khách hàng của JTC tại Việt Nam chủ yếu là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và một số đơn vị khác.

JTC còn tham gia nhiều liên danh tư vấn khác trong một số dự án có vốn ODA Nhật Bản như tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu...

Nguồn Vnexpress.net


Sự kiện