Nguồn ảnh: baodautu
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể vận hành và tiền đầu tư tiếp tục tăng
Sau gần 10 năm kể từ ngày khởi công, đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể chính thức vận hành trong khi tiền đầu tư tiếp tục tăng.
Theo thông tin truyền thông, tổng thầu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã đề nghị cần 50 triệu USD để vận hành hệ thống và yêu cầu thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao.
Hiện Ban quản lý dự án đường sắt đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để tìm hướng giải quyết.
Chưa đủ điều kiện nghiệm thu
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông hiện đã cơ bản hoàn thành khối lượng công việc thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị.
Các công việc còn lại chủ yếu là hoàn thiện hiện trường, mỹ quan, chỉnh sửa một số thiết bị để chuẩn bị cho vận hành thử toàn hệ thống; chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ hoàn công để phục vụ công tác nghiệm thu, bàn giao dự án.
Cụ thể, dự án còn tồn tại một số vướng mắc về thiết bị công nghệ, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành toàn hệ thống...
Báo cáo của chính phủ nêu rõ do tổng thầu chưa xác định được mốc thời gian hoàn thành các hạng mục trên nên dự án chưa có cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện, dẫn đến gói thầu tư vấn giám sát chưa có cơ sở để cho phép kéo dài trong thời gian tới.
Một khó khăn nữa là do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên chỉ mới có 4 chuyên gia cấp cao của tổng thầu dự án có mặt tại Việt Nam.
Ban quản lý dự án đang đề nghị đưa thêm 150 nhân sự của tổng thầu từ Trung Quốc sang Việt Nam bằng đường bộ do đường hàng không giữa hai nước tạm ngưng.
Những nhân sự này khi sang Việt Nam sẽ phải thực hiện cách ly 14 ngày trước khi thực hiện công việc.
Bên cạnh đó, nhân sự tư vấn của Pháp cũng chưa xác định được thời điểm sang Việt Nam để đánh giá an toàn hệ thống do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Dự án còn tồn tại một số vướng mắc về thiết bị công nghệ, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành toàn hệ thống. Ảnh: baomoi |
Đội vốn, lùi thời gian
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được khởi công xây dựng vào ngày 10.10.2011 với vốn đầu tư ban đầu là 8.770 tỉ đồng (tương đương 552,86 USD theo tỉ giá lúc bấy giờ). Trong số đó, vốn vay tín dụng ưu đãi của chính phủ Trung Quốc là 1,2 tỉ nhân dân tệ (tương đương 169 triệu USD); vốn vay ưu đãi bên mua là 250 triệu USD và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam là hơn 2.100 tỉ đồng.
Tuyến có chiều dài 13,1 km, đi hoàn toàn trên cao, với 12 nhà ga và theo kế hoạch ban đầu sẽ đưa vào khai thác trong năm 2015.
Việc chọn tổng thầu Trung Quốc cùng với quá trình thực hiện không đảm bảo tiến độ, liên tục đội vốn đã gây ra nhiều tranh cãi. Tính đến tháng 7.2019, dự án này đã 8 lần vỡ tiến độ. Vào ngày 1.10.2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong cuộc họp về các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Hà Nội đã chỉ đạo "khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngay trong năm nay". Tuy nhiên, đến giữa năm 2020, vẫn chưa có một thời hạn chính xác cho ngày chính thức vận hành.
Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án hiện đã lên 18.002 tỉ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), trong đó vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỉ đồng (669,62 triệu SD) và vốn đối ứng 4.134 tỉ đồng (198,43 triệu USD). Số tiền giải ngân đạt 81,9%.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết hiện nay cơ quan này đang phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và các bộ, ngành liên quan để giải quyết những vấn để thủ tục, cũng như những vướng mắc, sớm đưa nhân sự của tổng thầu và các đơn vị tư vấn quay lại Việt Nam nhằm triển khai các phần việc còn lại để hoàn thành dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Nguồn Tổng hợp