Thứ Năm | 31/03/2016 09:43

Đường ống sông Đà 2: Vinaconex nói thật về nhà đầu tư ngoại

Do bán cổ phần cho công ty của Singapore nên việc quyết định nhà cung cấp vật liệu cho dự án sông Đà lần 2 không phải chỉ riêng Vinaconex.

Phải chấp nhận xác suất

Trước những thắc mắc của cử tri thành phố Hà Nội được ĐBQH Bùi Thị An chỉ rõ, ông Trương Quốc Dương, Phó tổng Giám đốc Công ty nước sạch Vinaconex đã có những giải thích rõ ràng với báo Đất Việt.

Cụ thể, khi nói đến sự an toàn với nguồn nước, Vinaconex có thể đảm bảo được yếu tố này 5 năm, 10 năm sau, ông Dương giải thích: "Bản thân chúng tôi những người làm đường ống để bán nước cho hàng chục nghìn người dân thành phố cũng đang sử dụng nguồn nước này, chứ không phải như người trồng rau, lúc nào cũng trồng 2 luống, luống phun thuốc thì đem bán còn luống không phun thuốc thì để nhà ăn.

Tất cả nguồn nước sạch từ nhà máy sông Đà về đều đi chung một đường ống dẫn. Chúng tôi - những lãnh đạo của công ty- cũng là một người dân của thành phố, hàng ngày vẫn đang ăn và sinh hoạt bằng nguồn nước trên.

Vì thế, người dân hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng. Chúng ta cũng đã ký cam kết đảm bảo chất lượng đường ống với nhà thầu cung cấp là 50 năm, nên hoàn toàn có thể tin tưởng".

Mặt khác, theo ông Dương, Vinaconex luôn mời trung tâm y tế dự phòng, định kỳ 3 tháng một lần đến xét nghiệm nguồn nước theo các tiêu chuẩn của Bộ Y tế, đạt tiêu chuẩn mới bán cho khách hàng lớn, từ đó khách hàng lớn mới bán cho người dân.

Còn trước việc xét nghiệm đường ống, cử tri băn khoăn gửi một mẫu tượng trưng hay gửi mẫu của tất cả các đường ống, hơn nữa là chất lượng có đồng nhất giữa các ống hay không, ông Dương nói rõ: "Chúng tôi sẵn sàng mời cử tri, cũng như các cơ quan lãnh đạo, các nhà chuyên môn đến tận công trình khi nhập ống gang dẻo về. Nếu nghi ngờ bất cứ ống nào chất lượng kém thì sẽ cắt mẫu đem vào phòng thí nghiệm.

Nhưng tất cả vẫn phải theo tiêu chuẩn bao nhiêu ống mới cắt một mẫu, nghi ngờ ống nào thì cắt mẫu ống đó, chứ không thể thử mẫu toàn bộ.

Tức là chúng ta chỉ có thể kiểm tra xác suất, vì quy trình sản xuất thì công ty cung cấp sản phẩm đã khẳng định chất lượng, nhưng nếu không tin tưởng thì chúng ta có thể đưa đi xét nghiệm.

Còn ống nào cũng đem mẫu đi thử nghiệm thì làm sao còn ống để chúng ta sử dụng, nhà sản xuất họ phải cam kết quy trình đảm bảo nên chúng ta cứ theo tiêu chuẩn để làm".

Đường kính ống phụ thuộc vào đơn vị tư vấn thiết kế

Giải thích cho việc vì sao Vinaconex lại đưa ra gói thầu cung cấp loại ống gang dẻo và phụ kiện DN1800 (tức là loại ống 1m8) là dạng ống hiện nay ít nhà sản xuất có thể đáp ứng được do kích thước đường ống lớn, trong khi, các chuyên gia chỉ rõ, có thể sử dụng đường ống 1m6 mà không ảnh hưởng đến công suất cấp nước, công nghệ thấp hơn, chi phí rẻ hơn và nhiều nhà thầu có thể tham dự hơn, ông Dương phân tích:

"Cái này phụ thuộc công suất cấp nước, giai đoạn 1 chúng tôi làm 300.000m3/giây, giai đoạn 2 thêm 300.000m3 là 600.000m3/s, đơn vị tính toán phải xem cần dùng đường ống bao nhiêu mới đủ cấp nước theo quyết định của Thủ tướng.

Các đơn vị thiết kế có chuyên môn tính toán ra, không phải do chúng tôi tự chọn. Chúng tôi cũng muốn càng bé càng rẻ tiền, dễ mua hơn, nhưng phải tuân theo yêu cầu của đơn vị tư vấn thiết kế, theo hồ sơ thiết kế do Bộ Xây dựng thẩm định.

Chúng tôi cũng đã rút kinh nghiệm từ những sự cố của đường ống giai đoạn 1, nên đã phải thuê các đơn vị tư vấn có năng lực chuyên môn chứ không phải là chủ đầu tư muốn làm gì thì làm".

Vai trò của nhà đầu tư ngoại

Trong một thông tin có liên quan, theo phát hiện của báo chí, nhà máy nước sạch sông Đà (Hoà Bình) do Viwasupco quản lý vận hành hiện nay đã được một đối tác nước ngoài mua lại với gần một nửa cổ phần. Cụ thể, thương vụ được thực hiện từ tháng 11/2010, khi Tổng Cty Vinaconex hoàn tất việc chuyển nhượng 43,6% cổ phần của Cty CP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) cho đối tác Singapore.

Trước thông tin đối tác nước ngoài có ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà thầu của Trung Quốc, ông Thân Thế Hà - Phó tổng Giám đốc Công ty nước sạch Vinaconex cho biết: "Chúng tôi đã chuyển nhượng cổ phần cách đây 5 năm, công ty của Singapore đang chiếm 43,6% nên không thể phủ nhận họ là một thành viên quan trọng trong Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty nên cũng có quyền quyết định như các cổ đông khác.

Nhưng chúng ta cứ làm theo Luật doanh nghiệp, vì chúng ta có số cổ phần nhiều hơn, thì có quyền quyết định, chi phối. Tuy nhiên, không phải vấn đề nào cũng áp đặt được, họ cũng là một thành viên quan trọng, nên việc lựa chọn nhà cung cấp vật liệu cũng cần tính khách quan.

Cho nên chắc chắn không phải là họ chỉ định mà chúng ta phải làm theo, cũng như chúng ta không có quyền áp đặt, mà trên tinh thần công bằng, có sự giám sát lẫn nhau".

Mặt khác, theo ông Hà cho biết, cổ đông Singapore là Công ty cổ phần Acuatico, thành lập vào năm 2006 có trụ sở chính tại Singapore, phát triển chính về ngành nước, đầu tư rộng khắp các nước khu vực châu Á.

Trước đó, họ cũng đã thực hiện công trình cung cấp nước sạch tại tại Jakatar - Indonesia. Tại công trình này họ cũng đang sử dụng ống gang dẻo của Cty Xinxing.

Một điểm quan trọng khác được ông Hà nhấn mạnh, gói thầu này nhà thầu Trung Quốc chỉ cung cấp đường ống, còn triển khai hoàn toàn là nhà thầu trong nước làm.

"Việc lựa chọn nhà cung cấp phụ thuộc vào giá trị gói thầu được Bộ Xây dựng thẩm định, Bộ đưa ra giá đấu thầu 630 tỷ đồng, khi đấu thầu chúng tôi ghi giá trị rõ số tiền, để cho các nhà thầu xem xét có tham gia được hay không?.

Cho nên, giá của nhà thầu Trung Quốc giảm 11,8% không phải kỳ vọng của chúng tôi, mặc dù thấp hơn là tốt, nhưng với giá đó, ống của Nhật Bản đắt gấp 4 lần so với ống xuất xứ Trung Quốc, nhìn thế nên các nhà thầu Nhật Bản không tham gia, trị giá gói thầu khi thẩm định giá chỉ như vậy, đó cũng là yếu tố quan trọng", ông Hà giải thích thêm.

Nguồn Đất Việt