Đường đi của quỹ mở
Đầu tháng 12/2012, Thị trường chứng khoán (TTCK) đón nhận tin vui về việc 2 quỹ mở đầu tiên đã được phép chào bán chứng chỉ quỹ ra công chứng. Đó là Quỹ Bảo Thịnh VinaWealth (VFF) do Công ty cổ phần quản lý quỹ Vinawealth quản lý và Quỹ MBC Fixed Income do Công ty cổ phần Quản lý quỹ MB Capital quản lý.
Ông Đặng Vị Thanh, Giám đốc bán lẻ của Vinawealth chia sẻ, Quỹ Bảo Thịnh VinaWealth dự kiến sẽ họp báo chính thức và tổ chức roadshow vào những ngày đầu năm 2013 tới. Mục tiêu gọi vốn trước mắt cho quỹ là 50 tỷ đồng.
Đối với Quỹ MBC Fixed Income MB Capital dự kiến sẽ huy động ít nhất 50 tỷ đồng cho quỹ. Ngoài huy động từ các Nhà đầu tư trong nước, dự kiến 40% vốn của quỹ MBC Fixed Income sẽ được huy động từ Nhà đầu tư nước ngoài.
2 quỹ mở đầu tiên đều là quỹ trái phiếu. Ông Thanh cho biết, trong cơ cấu tài sản đầu tư, Quỹ Bảo Thịnh VinaWealth sẽ đầu tư 50-100% vào các loại trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính phủ bảo lãnh; đầu tư 0-5% vào các công cụ nợ khác nhau gồm trái phiếu doanh nghiệp, công cụ thị trường tiền tệ, giấy tờ có giá. Ngoài ra, quỹ có thể được phép đầu tư với tỷ lệ hạn chế vào trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu niêm yết, chứng khoán phái sinh, nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro danh mục,...
Đối với quỹ MBC Fixed Income, quỹ này định hướng đầu tư tập trung vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh thanh toán, tiền mặt và các tài sản tương đương tiền.
Theo ông Phạm Khánh Linh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (Vietfund-VFM), bước đầu tiên của quỹ mở trên thế giới bao giờ cũng đi từ hình thức quỹ trái phiếu. Vì quỹ trái phiếu giúp các công ty quản lý quỹ giải quyết được bài toán thanh khoản- một trong những bài toán khó nhất của hình thức quỹ mở. Ngoài ra, trong giai đoạn đầu, quỹ mở chưa được Nhà đầu tư nhận biết đầy đủ, thì sự xuất hiện của quỹ trái phiếu với tính an toàn cao, dễ được thị trường chấp nhận hơn.
Do nguồn tiền đổ vào các quỹ đầu tư trên thế giới chủ yếu đến từ tiền hưu trí nên dù quỹ mở đã trở nên quen thuộc, phổ biến ở nhiều quốc gia nhưng hình thức quỹ trái phiếu vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo.
Hướng đến đa dạng loại chứng khoán
Theo kế hoạch, Vietfund cũng đã hoàn thiện hồ sơ để đưa quỹ mở trái phiếu vào hoạt động. Các hình thức quỹ mở chuyên về cổ phiếu, quỹ mở đầu tư theo chỉ số cũng dự kiến sẽ được giới thiệu đến công chúng trong năm 2013, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư khác nhau.
Thực tế, Vietfund không tạo quỹ mới, mà phát triển quỹ mở trên cơ sở nền tảng sẵn có, đó là nâng cấp các quỹ đóng VFA, VF4,... lên quỹ mở về cổ phiếu. Riêng việc chuẩn bị cho quỹ mở đầu tư theo chỉ số đã được Vietfund tiến hành từ lâu.
Trước tiên, Vietfund sẽ giới thiệ đến nhà đầu tư sản phẩm quỹ mở chứng chỉ quỹ. Tuy nhiên, do điều kiện thị trường thay đổi và do những phát sinh trong thủ tục mà Vietfund chậm chân hơn so với 2 công ty quản lý kahcs là Vinawealth và MBCapital.
Khi quỹ mở ra đời và được nhìn nhận như một xu hướng tất yếu, thì lo ngại cho các nhà quản lý quỹ không chỉ là vấn đề thủ tục. Bloomberg từng chỉ ra 4 thách thức lớn nhất cho các công ty quản lý quỹ ở Việt Nam là : tính bất ổn của thị trường, thanh khoản, hệ thống hạ tầng và mức độ hiểu biết của giới đầu tư. Tuy nhiên, các nhà quản lý tin rằng, những thách thức này sẽ có hướng khắc phục khi nền kinh tế và TTCK khả quan.
Nguồn Đầu tư chứng khoán