Đường đến doanh chủ của Hồ Đức Lam
Bằng việc thâu tóm gần 65% cổ phần công ty nhựa Rạng Đông, ông Hồ Đức Lam từ vai trò điều hành đã trở thành ông chủ của một doanh nghiệp có bề dày hoạt động lên đến 55 năm.
Khi các cổ đông đồng ý cho ông Lam, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Rạng Đông, sở hữu tối đa 65% số cổ phần mà không phải thực hiện chào mua công khai vào đầu năm nay, giới phân tích hiểu rằng đây là động thái bật đèn xanh cho ông trở thành người chủ thực sự của Công ty. Trước đó, dù nắm vai trò Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, nhưng với chỉ 24% cổ phần trong tay, ông Lam vẫn chưa thể là ông chủ thực sự của Nhựa Rạng Đông bởi nhiều cổ đông khác vẫn nắm cổ phần khá lớn.
Cụ thể, giữa năm 2014, cơ cấu cổ đông của Nhựa Rạng Đông đã có sự thay đổi lớn khi cổ đông lớn nhất là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) bán hết 60% vốn. Cùng lúc đó là sự xuất hiện 3 cổ đông cá nhân lớn là bà Nguyễn Thị Hương Giang, ông Nguyễn Hoàng Ngân và ông Huỳnh Minh Đoan. Tổng sở hữu của 3 cá nhân này vào lúc đó là gần 60% vốn.
Vừa qua, hai cổ đông lớn của Công ty là ông Huỳnh Minh Đoan và bà Nguyễn Thị Hương Giang đã lần lượt thoái hết toàn bộ 20,09% và 17,22% vốn. Cùng lúc, ông Hồ Đức Lam cũng đã mua vào số cổ phiếu này theo phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch, ông chính thức nắm giữ 64,74% vốn tại Nhựa Rạng Ðông.
Ðây là một sự thay đổi ngoạn mục. Bởi dù từng có không ít nhà điều hành đã chuyển vai từ làm thuê sang làm chủ doanh nghiệp, nhất là ở những doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, nhưng việc trở thành ông chủ “triệt để” như trường hợp của ông Hồ Đức Lam là khá hiếm.
Cũng từ vai trò điều hành rồi trở thành chủ doanh nghiệp sau quá trình cổ phần hóa, nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Mai Thanh cũng chỉ nắm chưa đầy 15% cổ phần của Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh REE. Tương tự, gia đình bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, cũng nắm chưa tới 20% cổ phần tại doanh nghiệp này.
Trở lại với ông chủ mới của Nhựa Rạng Ðông. Ngành nhựa bao bì là một lĩnh vực cạnh tranh cao ở Việt Nam. Hiện tại, số lượng các doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa Việt Nam đã lên đến hơn 1.000 công ty. Điều này có thể thấy được trong kết quả kinh doanh của Nhựa Rạng Đông. Năm 2014, Công ty đạt 1.083 tỉ đồng doanh thu. Còn lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 22,7 tỉ đồng.
Tuy có sự cạnh tranh, nhưng cơ hội cho doanh nghiệp ngành nhựa không phải không có. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, tiềm năng tăng trưởng của ngành này còn rất lớn với tốc độ khoảng 15%/năm.
Cũng theo báo cáo này, các sản phẩm bao bì nhựa vẫn bị lên án vì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và nhiều sản phẩm đã được nghiên cứu để có thể thay thế cho túi nhựa, bao gồm bao bì giấy, bao bì sinh học và bao bì tái sử dụng. Nhưng tất cả các sản phẩm này đều khó có thể thay thế được bao bì nhựa do chi phí sản xuất cao và không thuận tiện.
Bên cạnh thị trường trong nước, Chứng khoán Bảo Việt còn cho rằng các doanh nghiệp nhựa bao bì Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công thấp nên có cơ hội xuất khẩu rất lớn. Hiện kim ngạch xuất khẩu sản phẩm túi nhựa của Việt Nam liên tục tăng với tốc độ bình quân khoảng 20%/năm trong những năm gần đây. Trong quý I/2015, sản phẩm túi nhựa Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 131 triệu USD, chiếm 28% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Ngành có nhiều tiềm năng, nhưng vì sao Nhựa Rạng Đông vẫn lãi thấp? Thậm chí, công ty này còn báo lỗ lần đầu kể từ khi niêm yết (2009), khi bị lỗ hơn 3 tỉ đồng trong quý II/2014. Và vấn đề có lẽ nằm ở khâu quản trị khi quyền sở hữu Công ty bị phân tán bởi các nhóm cổ đông.
Có thể ông Lam đã thấy được điều đó. Do vậy, việc nắm cổ phần chi phối và tập trung sẽ giúp cho vị doanh nhân này nhanh chóng đưa ra các quyết định mà không phải phụ thuộc vào các cổ đông khác, hay phải chờ SCIC như trước đây.
Thực tế cho thấy, từ khi ông Lam sở hữu “triệt để” Nhựa Rạng Đông, doanh nghiệp này đã có sự thay đổi khả quan về kết quả kinh doanh cũng như chiến lược. Quý I/2015, Nhựa Rạng Đông đạt 13,5 tỉ đồng lợi nhuận, tăng tới 192% so với cùng kỳ. Ðến quý II/2015, Công ty đạt 15 tỉ đồng lợi nhuận, tăng đến gần 500% so với cùng kỳ (lỗ 3 tỉ đồng).
Trong tham vọng thâm nhập vào thị trường miền Bắc, đầu năm 2015, Nhà máy Tiên Sơn tại Khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh) do Nhựa Rạng Ðông đầu tư 45 tỉ đồng cũng đã được đưa vào hoạt động. Theo Công ty, với các sản phẩm nhựa phục vụ cho ngành công - nông nghiệp, thực phẩm, nhà máy này sẽ hỗ trợ đáp ứng nhanh hàng hóa cho khách hàng miền Bắc, đặc biệt là các khách hàng là công ty đa quốc gia đang hoạt động tại đây.
Cùng với việc mở rộng thị trường trong nước, xuất khẩu cũng là con đường mà ông chủ mới của Nhựa Rạng Đông xác định sẽ đẩy mạnh. Theo kế hoạch, Công ty cố gắng đạt 107,9 tỉ đồng giá trị xuất khẩu trong năm 2015, tăng 61,7% so với năm trước. Nghĩa là mảng xuất khẩu từ chỗ chiếm chưa tới 7% doanh thu, dự kiến sẽ tăng lên khoảng 9% doanh thu.
Bên cạnh tiềm năng của ngành nhựa, nếu nhìn vào lịch sử và sự gắn bó của ông Lam với Nhựa Rạng Đông, việc vị này muốn sở hữu triệt và trở thành ông chủ của Công ty cũng có thể xem là “hợp tình”.
Doanh thu và Lợi nhuận của Nhựa Rạng Đông từ 2010-2014 |
Ông Hồ Đức Lam gia nhập Nhựa Rạng Đông trong vai một kỹ sư ngành kỹ thuật điện vào năm 1985. Lúc đó ông mới 23 tuổi. Sau 3 năm, ông Lam trở thành Trưởng phòng Kỹ thuật vật tư. Đến năm 2006, ông chính thức trở thành Tổng Giám đốc.
Nhựa Rạng Đông là một thương hiệu lớn từ trước giải phóng và được Hồ Đức Lam ví như một con voi đang ngủ quên trên quá khứ. Khi nền kinh tế thị trường ập đến và tất cả đều thức tỉnh thì chú voi này vẫn bước chậm chạp.
Cuộc cách mạng đánh thức chú voi ấy được Hồ Đức Lam thực hiện khi Nhựa Rạng Đông chuyển sang cổ phần hóa năm 2005, dù đó là sự cổ phần hóa chưa trọn vẹn do Nhà nước vẫn còn nắm tới 60% vốn.
“Thực sự là một cuộc chuyển đổi đầy khó khăn. Đó là lúc tôi không dám về nhà sau giờ làm. Tôi không sợ bị trả thù, mà sợ về nhà sẽ phải rất khó xử trước cảnh nhân viên dắt vợ và con đến xin ở lại làm việc”, ông Lam chia sẻ với người viết trong một lần trò chuyện.
Ông Lam kể rằng với cuộc cách mạng ấy, gần 200 nhân viên của Nhựa Rạng Đông đã được tinh giảm. Dù chưa có được câu trả lời chính thức về chiến lược mới của Công ty sau khi ông Lam nắm cổ phần chi phối, nhưng có thể xem rằng đây là cuộc cách mạng thứ hai mà ông thực hiện ở Nhựa Rạng Ðông. Cuộc cách mạng lần này, ông Lam sẽ không còn đơn độc. Con trai lớn của ông là Hồ Đức Dũng hiện cũng đang là thành viên ban quản trị ở Nhựa Rạng Đông.
Nguyễn Hùng