Dương Chí Dũng vẫn được nhận lương trong 2 năm ngồi tù
Dùng từ “vô duyên” để nói về việc quyết định buộc thôi việc đến thời điểm này mới được chính thức đưa ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng giải thích, Bộ GTVT đã vận dụng đúng nguyên tắc quy định của pháp luật “một người chưa bị coi là có tội khi toà chưa tuyên án, bản án chưa có hiệu lực pháp luật”. Tuy nhiên, ông Thăng cũng đánh giá, cách hiểu như vậy “hơi máy móc” vì không cần chờ kết quả xử lý hình sự vẫn có thể xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ vi phạm.
“Quyết định thành ra vô duyên vì giờ mới thi hành kỷ luật buộc thôi việc với một người đã thành án tử hình thì rất hình thức” – thẳng thắn nhận xét, Bộ trưởng GTVT diễn giải thêm, ông bất bình khi cấp dưới trình ký quyết định buộc thôi việc với cựu Cục trưởng Dương Chí Dũng vì thấy chuyện… quá vô lý.
Câu hỏi về vấn đề chế độ đối với Dương Chí Dũng trước khi có quyết định buộc thôi việc được chuyển đến Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ GTVT. Người đại diện của Vụ Tổ chức cán bộ xác nhận, việc trả lương cho cựu Cục trưởng Cục Hàng hải vẫn duy trì từ thời điểm Dương Chí Dũng bị bắt (ngày 5/9/2012) cho tới khi có bản án kết tội bị cáo có hiệu lực pháp luật. Dù quyết định buộc thôi việc xác định thời điểm có hiệu lực thi hành là từ 10/6 nhưng thời điểm TAND tối cao tuyên án phúc thẩm là coi như có đủ căn cứ khẳng định hành vi vi phạm pháp luật của Dương Chí Dũng.
Việc trả lương cho cựu Cục trưởng Cục Hàng hải vẫn duy trì trong 2 năm trước đó được giải thích là căn cứ theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 34 năm 2011 quy định, trong thời gian tạm giữ tạm giam để thực hiện công tác điều tra truy tố xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác để xét kỷ luật thì cán bộ được hưởng 50% lương theo ngạch, bậc cộng với phụ cấp lãnh đạo, phụ cấp thâm niên (nếu có).
Như vậy, tính toán sơ bộ, ít nhất mỗi tháng Dương Chí Dũng vẫn nhận được trên 5 triệu đồng tiền lương, trong suốt hơn 2 năm qua.
Ngoài ra, sau khi bị buộc thôi việc, chế độ bảo hiểm của cựu Cục trưởng Cục Hàng hải cũng vẫn được cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết theo quy định.
Trao đổi thêm về việc này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương – nguyên Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ - xác nhận, pháp luật hiện hành không có quy định rõ ràng về thời điểm xử lý kỷ luật, buộc thôi việc đối với cán bộ khi vi phạm pháp luật. Vì vậy, thường khi có bản án của tòa đã có hiệu lực của toà án, cơ quan quản lý cán bộ “dính chàm” mới thực hiện quyết định buộc thôi việc cho… chắc chắn.
Thực tế, đã có nhiều cơ quan vướng vào việc có cán bộ bị khởi tố, bắt bắt, điều tra, truy tố nhưng khi ra tòa xử lại không kết luận được tội, phải mất công khôi phục quyền lợi cho cán bộ sau đó nên để “chắc ăn”, đến nay, các cơ quan thường chờ khi có bản án cuối cùng của tòa mới thực hiện quyết định xử lý kỷ luật. (Ngay tại Bộ GTVT, trường hợp của cựu Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến trong vụ án PMU18 trước đây cũng đã xảy ra những vướng mắc tương tự - PV).
Tuy nhiên, với trường hợp của Dương Chí Dũng, ông Nguyễn Sỹ Cương cho là có thể tiến hành xử lý hành chính sớm hơn vì cựu Cục trưởng Cục Hàng hải đã trải qua cả quá trình từ lúc chạy trốn rồi bị bắt, bị điều tra… Theo đó, ngay sau khi có quyết định truy tố, ông Cương cho rằng thời điểm đó đã có thể thực hiện quyết định xử lý kỷ luật về hành chính.
“Đáng ra xử lý như thế sẽ hay hơn là chờ đến giờ, bị cáo bị bắt, đi tù đến 2 năm nay rồi, tòa tuyên tử hình đến lần thứ 2 rồi mới ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc” – ông Cương phân tích, vì việc xử lý chậm này nên việc trả lương cho Dương Chí Dũng trong khoảng thời gian trước khi có quyết định buộc thôi việc vẫn phải thực hiện như quy định.
Nguồn Dân trí