Được và mất của ‘công dân ASEAN’
Hôm 31-12-2015, Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập khi bản tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN được ký kết bởi 10 lãnh đạo của các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có hiệu lực. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Angela Poh, nghiên cứu sinh tại ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore, nhận định việc thành lập Cộng đồng ASEAN lúc này rất có ý nghĩa.
Luật chơi chung trên các phương diện
Trong bài viết mới nhất về Cộng đồng ASEAN, TS Raman Letchumanan, Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, Singapore, cũng nhận định cho đến thời điểm hiện tại rất nhiều người vẫn còn mơ hồ về khái niệm và nội hàm của Cộng đồng ASEAN và những tác động đến người dân. Việc thiếu thông tin từ phía chính phủ các nước còn khiến nhiều người dân cho rằng Cộng đồng ASEAN sẽ giống Liên minh châu Âu (EU), thậm chí có người cho rằng Cộng đồng ASEAN và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là hai tên gọi của cùng một tổ chức.
Ngay trước khi Cộng đồng ASEAN ra đời hồi 31-12-2015, truyền thông dẫn lại các khảo sát về nhận thức của người dân về chủ thể này cho thấy số lượng cá nhân, doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ) hiểu đúng và hiểu đủ về Cộng đồng ASEAN là tương đối thấp. Điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở một số quốc gia khác trong ASEAN như Lào, Campuchia, Myanmar... Thế nên vẫn còn nhiều người không mặn mà với khái niệm “Cộng đồng ASEAN” vốn là một “chọn lựa đặc biệt”.
Trong một bài viết gần đây trước thềm thành lập Cộng đồng ASEAN, TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, nhận định rằng chúng ta đã quá quen với khái niệm “liên minh”, một liên kết chính thức hay bán chính thức về lĩnh vực chính trị-quân sự nhằm đối đầu với mối đe dọa bên ngoài. Chúng ta cũng nghe nhiều về khái niệm “thể chế” hoặc “tổ chức quốc tế”, hàm ý nói đến sự thắt chặt quan hệ bằng các cam kết mang tính ràng buộc pháp lý cùng các biện pháp chế tài. Trong khi đó “cộng đồng” thì có sự cởi mở hơn. Cộng đồng ASEAN sẽ dựa trên các lợi ích chia sẻ tạo đồng thuận để từ đó hướng tới sự thống nhất một luật chơi chung trên cả ba phương diện: an ninh-chính trị, kinh tế và cuối cùng là văn hóa-xã hội.
Bà Angela Poh nói: Trong khi nhiều nhà phân tích khẳng định cách làm việc mang hơi hướng truyền thống của ASEAN, trong đó trọng tâm là nguyên tắc đồng thuận, sẽ cản trở việc xây dựng cộng đồng. Tuy nhiên, theo bà việc hình thành Cộng đồng ASEAN hiện nay mang tính cam kết tầm nguyên thủ của các quốc gia trong việc gia tăng hợp tác kinh tế và an ninh, nâng cao trao đổi nguồn lực và quan trọng hơn là có thể nâng cao vị thế và uy tín của ASEAN về mặt địa-chính trị. Cụ thể, gia tăng năng lực cạnh tranh và ảnh hưởng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc ở nhiều vấn đề khác nhau.
Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp lẫn người dân
Trong Cộng đồng ASEAN, chính phủ các nước cùng DN, các tổ chức xã hội và người dân đang sinh sống, hoạt động và làm việc tại ASEAN đều hành động. Chính phủ các nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các chương trình hành động cụ thể để tạo môi trường, công cụ giải quyết những vấn đề cụ thể thuộc ba trụ cột của cộng đồng. DN, tổ chức xã hội và người dân sẽ tương tác lẫn nhau để chia sẻ lợi ích, đồng thời phản hồi, tham mưu, hỗ trợ nhà nước hoàn thiện chính sách.
Thử lấy ví dụ về trụ cột AEC với mục tiêu tạo ra thị trường chung về hàng hóa, dịch vụ, lao động,... cho hơn 600 triệu dân của 10 nước ASEAN. Chính phủ các nước sẽ thảo luận và tìm giải pháp thống nhất thị trường, loại bỏ dần các rào cản thuế quan, kích thích hàng hóa, dịch vụ, công nghệ mới, nguồn lao động di chuyển mạnh trong nội khối. AEC nằm trong tiến trình hội nhập khi xu hướng ra đời của các khu vực mậu dịch tự do ngày càng trở nên phổ biến, giúp các nước đa dạng thị trường, chia sẻ tài nguyên. DN có thể xuất khẩu sang nhiều quốc gia với giá cạnh tranh, tiếp thu công nghệ tiên tiến; người dân có thể mua hàng hóa tốt với giá rẻ hơn; NLĐ có cơ hội làm việc ở nhiều nơi với mức thu nhập được cải thiện đáng kể; nguồn vốn đầu tư đổ vào ASEAN sẽ tăng kích thích hoàn thiện hạ tầng.
Hay như ở cộng đồng văn hóa-xã hội, khả năng thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các nước sẽ trở nên khả dĩ hơn nhờ sự hợp tác, chia sẻ tài nguyên, đối chiếu chương trình giảng dạy, liên kết đào tạo,... Hệ thống mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) cho phép các trường đại học khu vực tăng cường hợp tác và tham chiếu chất lượng đào tạo để hướng đến sự hoàn thiện và tiến bộ. Nói nôm na, sinh viên có nhiều cơ hội học ở những trường đại học tốt, hoàn thiện chuyên môn, kỹ năng lẫn tiếng Anh.
Nhiều công dân ASEAN bị tổn thương
Việc thành lập Cộng đồng ASEAN hiện tại cũng gặp không ít cản trở. Thách thức đầu tiên xuất phát ở tầm quản lý. Trong bài viết về Cộng đồng ASEAN của mình, TS Trương Minh Huy Vũ ví von rằng xu hướng hội nhập ASEAN đang đi với vận tốc ô tô, trong khi việc tăng cường bộ máy điều hành ASEAN vẫn di chuyển bằng tốc độ của người đi bộ. Ban Thư ký ASEAN hiện vẫn còn rất khiêm tốn về nhân lực cũng như vật lực và điều này dường như vẫn là “hằng số” trong suốt 15 năm qua. Một cơ thể thiếu dinh dưỡng trong khi phải gồng gánh thêm nhiều trách nhiệm thì hiệu quả công việc sẽ kém. Ngoài ra, một số vấn đề liên quan đến an ninh, tranh chấp lãnh thổ, sự đa dạng về bản sắc, chênh lệch cao về kinh tế,... cũng khiến quá trình hình thành, vận hành và đi đến thống nhất trong cộng đồng trở nên khó khăn hơn.
Chưa dừng lại ở đó, bài toán hội nhập Cộng đồng ASEAN còn đặt ra những thách thức cụ thể với DN, NLĐ ASEAN. Hội nhập chỉ tốt cho những người nắm bắt thông tin và biết cách sử dụng nó. Người thiếu thông tin dẫn đến thiếu chuẩn bị sẽ trở thành những người dễ bị tổn thương. Ví dụ, những NLĐ không đạt chuẩn như trình độ chuyên môn, tiếng Anh, khả năng làm việc môi trường đa quốc gia,... sẽ bị loại khỏi cuộc chơi vì sự du nhập của làn sóng lao động ngoại. Việt Nam đang trong nhóm có số lượng NLĐ rơi vào nhóm dễ bị tổn thương rất cao khi AEC bước vào vận hành mạnh mẽ vì năng suất lao động, kỹ năng làm việc lẫn tiếng Anh đều kém. Tính trung bình, một NLĐ Singapore làm việc năng suất gấp 15 lần NLĐ Việt Nam. Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia cũng có năng suất lao động ít nhất là gấp hai, gấp ba, thậm chí gấp năm lần người Việt. Một câu chuyện thường gặp trong hội nhập là DN nội bị DN ngoại cạnh tranh và loại ra khỏi thị trường cũng sẽ lặp lại trong môi trường AEC.
Nói một cách dễ hiểu, Cộng đồng ASEAN ra đời mang đến nhiều cái lợi cho DN, NLĐ “đạt chuẩn” thì cũng có thể gây sát thương những đối tượng ì ạch, yếu sức và chậm tiếp cận. Trong môi trường mới này, không phải ngủ dậy, mở mắt thì trở thành “Công dân ASEAN” như thể nhận một món quà. Nội hàm công dân ASEAN không phải chỉ “người sống trong khu vực các nước Đông Nam Á” mà nó gắn liền “tiêu chuẩn mới” đòi hỏi những điều chỉnh từ cấp quản lý đến cấp cá nhân người dân.
Cơ hội sẽ đến với những người có nhiều thông tin và tri thức. Thế nên về mặt quản lý, chính phủ cần hành động để tất cả thông tin liên quan đến cơ chế hoạt động, chương trình hành động, kế hoạch phát triển,... của Cộng đồng ASEAN đến được tai của những người trong cuộc. Còn phía người dân, DN, NLĐ, việc chủ động tìm kiếm, thấu hiểu và lập kế hoạch hành động để chuẩn bị tốt trước các “tiêu chuẩn mới” mà Cộng đồng ASEAN đặt ra sẽ giúp họ mang về cơ hội việc làm tốt, hợp tác tốt, mở rộng DN, tăng năng suất sản xuất.
Bà ANGELA POH, nghiên cứu sinh tại ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore: Đừng so sánh Cộng đồng ASEAN với EU Chúng ta không nên so sánh Cộng đồng ASEAN và EU. Về cơ bản hai chủ thể này khác nhau ngay từ điểm khởi đầu. Dù khái niệm “cộng đồng” được cho là “vay mượn” từ EU nhưng Cộng đồng ASEAN không giống EU. ASEAN vẫn là một tổ chức liên chính phủ chứ không phải theo hướng “siêu quốc gia” như EU. Hai chủ thể này khác nhau rất nhiều về hệ thống chính trị, đường lối phát triển,... Và phải khẳng định Cộng đồng ASEAN không “theo chân” như EU đã và đang đi. |
Nguồn Pháp luật TP.HCM