Dược thảo quý Hoàn Ngọc tìm đường ra thế giới
Được biết đến là một loại cây dân gian để chữa trị vài bệnh thông dụng nhưng cái tên “Hoàn Ngọc” đã xuất hiện trên Tạp chí Y tế Thế giới của Đức Planta Medica giới thiệu đến 150 nước. Lúc đó, giới khoa học mới bắt đầu chú ý nhiều hơn đến một dược chất mới vừa được phát hiện và mang tên một người phụ nữ Việt Nam.
Cây Hoàn Ngọc được biết đến với nhiều tên gọi như Nhật Nguyệt, Nội Đồng, Lay Gàm và có tên khoa học là Pseuderanthemum, thuộc họ Ô rô, tên chính thức là Xuân Hoa. Vùng đất Tây Ninh là nơi có điều kiện về thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp nhất để loại cây này phát triển và có lượng dược chất tốt. Cây Hoàn Ngọc được 2 doanh nghiệp Trà Tâm Lan và Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh phát triển và khai thác.
Cách đây khoảng hơn 10 năm, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế về Nông nghiệp Fuchu (Nhật) đã phối hợp với Đại học Cần Thơ công bố kết quả nghiên cứu về cây Hoàn Ngọc. Theo đó, loại cây này có tác dụng hỗ trợ chữa trị đến 25 loại bệnh như gan nhiễm mỡ, u xơ, huyết áp, tiểu đường, nhiễm khuẩn và rối loạn chức năng...
Trong cuộc chiến chống bệnh tật, hầu hết các hướng điều trị vẫn tập trung vào Tây y và đa số người dân vẫn ít có ý thức phòng bệnh. Do đó, vai trò của các loại Đông, Nam, Bắc dược, trong đó có một số loại cây thuốc quý nói chung và Hoàn Ngọc nói riêng khá mờ nhạt. Đây cũng là lý do tại sao sản phẩm trà túi lọc được tinh chế từ cây Hoàn Ngọc chỉ được bán với giá vài chục ngàn đồng và thị trường còn khá nhỏ khi doanh nghiệp chưa đủ lực để phát triển cũng như mở rộng.
Trong khi Công ty Trà Tâm Lan đẩy mạnh phát triển thương hiệu, tập trung đưa sản phẩm trà ra thị trường, thì doanh nghiệp Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh chú trọng nghiên cứu phát triển các chế phẩm chất lượng cao từ cây Hoàn Ngọc. “Thực tế, kinh doanh trà này chỉ mang đến lợi nhuận rất thấp, phần lớn doanh thu vẫn đến từ kinh doanh dược phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, việc các doanh nghiệp tập trung phát triển sản phẩm này sẽ cùng nhau góp phần quảng bá được hình ảnh và tính năng tốt của cây Hoàn Ngọc để nhiều người có thể phòng và trị được bệnh với giá thấp”, bà Võ Thị Lấn, Giám đốc Công ty Trà Tâm Lan, chia sẻ.
Giá bán lẻ trà Hoàn Ngọc ở mức 50.000 đồng/hộp, Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh có thêm trà với thành phần được chiết xuất từ rễ cây 7 năm tuổi bán giá khoảng 80.000 đồng/hộp. Hiện Trà Tâm Lan trung bình mỗi tháng cung ứng khoảng 100.000 hộp trà cho thị trường nội địa và cũng xuất khẩu cho một số thị trường như Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật, Singapore và Malaysia. Tuy nhiên, theo bà Lấn, Công ty vẫn hướng đến thị trường nội địa là chủ yếu.
Cùng quan điểm, bà Bùi Kim Nga, Giám đốc Doanh nghiệp Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh, cũng cho biết, doanh nghiệp này tập trung chủ yếu cho thị trường nội địa, chưa đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. “Thực sự với giá bán như hiện tại, chúng tôi vẫn chưa có lời nhiều, nên chưa có điều kiện đẩy mạnh hoạt động truyền thông cũng như phát triển thương hiệu ở thị trường nước ngoài. Chúng tôi nợ ân nghĩa với loại cây đã cứu giúp người thân của mình nên trước mắt cũng chỉ mong muốn giúp đỡ bà con có được loại thuốc quý để phòng bệnh”, bà Nga cho biết. Vì thế, “thương hiệu trên ghế đá” (do người dân uống trà, hết bệnh rồi ghi trên ghế đá: “Cám ơn Trà Hoàn Ngọc Bảy Nga Tây Ninh”) vẫn đang tìm cách đẩy mạnh thị trường hơn nữa.
Cả 2 doanh nghiệp phát triển cây Hoàn Ngọc đang phải cân nhắc rất cẩn thận trong việc đầu tư và mở rộng diện tích trồng. Trà Tâm Lan hiện có vùng trang trại khoảng 100ha, phát triển vùng trồng đậu, hạt đậu khi thu hoạch sẽ được bán, vỏ đậu được sử dụng làm thức ăn cho đàn bò hơn 400 con, phân bò sẽ được dùng nuôi trùn quế, phân trùn quế sẽ dùng để bón cho 50ha vùng trồng cây Hoàn Ngọc và hàng chục hecta trồng lúa và cây khác.
“Trước đây, khi bắt đầu trồng cây Hoàn Ngọc, tôi phải mua phân trùn quế với giá 2.000 đồng/kg, mỗi tháng tốn hơn 1 tỉ đồng mua phân trùn. Hiện nay, cứ 6-7 tuần, tôi có thể thu hoạch được 70-80 tấn phân trùng. Nếu bán với giá 1.000 đồng/kg, tôi cũng có được nguồn thu nhập khá. Ngoài ra, mỗi năm, đàn bò cho tôi hơn 200 con, đồng thời Công ty cũng phát triển trại heo hơn 200 con vừa bán vừa làm nguồn thực phẩm cung cấp bữa ăn cho hơn 300 lao động. Đây là nguồn thu nhập chính tạo ra doanh thu để tôi phát triển hình ảnh Trà Tâm Lan”, bà Lấn chia sẻ với NCĐT về hướng đầu tư.
Vườn ươm cây giống Hoàn Ngọc của doanh nghiệp Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh. Ảnh: Sơn Phạm |
Trong khi đó, ứng dụng vào nông nghiệp công nghệ cao được Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh triển khai mạnh. Hiện tại, nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh trà Hoàn Ngọc được tận dụng từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và một số lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tận dụng được nguồn thu từ vùng trồng nhãn và chôm chôm theo công nghệ cao, trồng xen canh với cây Hoàn Ngọc và một số loại vật nuôi khác cung ứng nguồn thực phẩm cho bếp ăn của công nhân. “Để có vốn đầu tư, tôi phải lấy ngắn nuôi dài từ việc trồng chôm chôm, nhãn, mì, cà phê, điều và chăn nuôi để có thể linh hoạt được nguồn vốn xây dựng công ty ở giai đoạn khởi đầu”, bà Nga chia sẻ.
Năm 2001, nhà máy sản xuất trà Hoàn Ngọc được đầu tư xây dựng, đến năm 2010, Bộ Công Thương và Chính phủ đã đầu tư 880 triệu đồng để bà Nga nghiên cứu khoa học phát triển giống dược liệu quý. Đến năm 2012, doanh nghiệp được nghiệm thu và đánh giá cao về độ tinh khiết và hàm lượng dược chất và được cấp 2,7 tỉ đồng vốn đối ứng. Đến nay, giá trị đầu tư nhà máy của Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh đã ở mức hơn 100 tỉ đồng. Đặc biệt, doanh nghiệp này cũng phát triển khu vực nuôi cấy đông trùng hạ thảo để cung ứng cho thị trường… Mỗi ngày, nhà máy có thể cung ứng được cho thị trường khoảng 1.000 hộp trà túi lọc.
“Để chinh phục được thị trường thế giới trong thời gian tới, chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng chúng tôi tin rằng dược chất quý của cây Hoàn Ngọc sẽ được thế giới biết đến nhiều hơn”, bà Nga cho biết.
Đề tài cấp nhà nước Nghiên cứu quy trình công nghệ tạo chế phẩm phòng chống khối u từ cây Hoàn Ngọc thuộc Chương trình Nghiên cứu khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2020 do bà Nga làm chủ đầu tư. Trong quá trình thực hiện đề tài, ngoài các hoạt chất được phát hiện như Lupeol, Lupenone, betulin, Axit Pomolic…, các nhà khoa học còn tìm thấy một hợp chất mới là Diepoxylingan và thú vị là tên gọi này được đặt “Palatinignan BNGATN”, trong đó “BNGATN” viết tắt từ “Bảy Nga Tây Ninh”.
Hợp chất này tạo nên hiệu ứng hiệp đồng, tăng khả năng hoạt động, tăng hoạt tính, giảm thời gian điều trị mà kết quả điều trị cao hơn so với từng đơn chất riêng lẻ. Sau khi thử hoạt độc tế bào, kết quả là Palatinignan BNGATN có hoạt tính gây độc tế bào cao đối với các dòng tế bào ung thư biểu mô KB, ung thư gan HepG2 và ung thư vú MCF7. Hiện nay, đề tài nghiên cứu khoa học và dự án sản xuất thử nghiệm đã thực hiện thành công. Doanh nghiệp Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh đã đưa ra thị trường 2 dạng sản phẩm là viên nang Tanu Green và Tanu Gold.
Theo ông Phạm Gia Điền, Giám đốc Trung tâm Công nghệ hóa dược và hóa sinh hữu cơ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, kết quả của đề tài nghiên cứu quy trình công nghệ tạo chế phẩm phòng chống khối u từ cây Hoàn Ngọc có giá trị khoa học và nhiều ý nghĩa. Bước đầu đã nghiên cứu thành công và tiếp theo là tạo ra những sản phẩm có giá trị phục vụ xã hội.
“Hiện tại, các hóa chất điều trị ung thư phải nhập khẩu hoàn toàn với giá rất đắt. Nước ta có nhiều loại cây chứa các hoạt chất hoặc các tiền chất chống ung thư như cây Thông đỏ, Dừa cạn, Trinh nữ hoàng cung… nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu và điều chế với quy mô nhỏ. Thuốc sản xuất trong nước mất cân đối về nhóm dược lý, chưa chú trọng đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu dược để phục vụ sản xuất thuốc nên hiện tại hơn 90% nguyên liệu cho sản xuất thuốc phải nhập khẩu. Hoàn Ngọc là một loại cây đặc biệt, có rất nhiều chất quý hỗ trợ điều trị bệnh. Nếu triển khai đúng hướng, chắc chắn cây Hoàn Ngọc sẽ vươn tầm giá trị cao hơn nữa…”, Tiến sĩ Phùng Hà, nguyên Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, nhận định về tiềm năng của cây Hoàn Ngọc.
Hiện cây Hoàn Ngọc là một trong 47 cây dược liệu đặc biệt ưu tiên phát triển do Bộ Y tế ban hành. Từ ngày bà Bảy Nga cần mẫn trồng từng cây Hoàn Ngọc để mở điểm uống trà miễn phí cho người dân phòng bệnh thì giống cây quý này đã có một bước phát triển rất dài trên thương trường. Đó cũng là niềm tin “thương hiệu trên ghế đá” sẽ trở thành một thương hiệu được nhiều thị trường trên thế giới biết đến.
Đức Tài