Thanhnien.vn

 
Hải Vân Thứ Hai | 07/05/2018 09:43

Được mùa quả vải lại lo không bán được hàng

Xu hướng "giải cứu nông sản" chưa giảm, Việt Nam cần tiếp tục cải cách chuỗi giá trị nông nghiệp mạnh mẽ hơn.

Chỉ một vài tuần nữa tới kỳ thu hoạch vải thiều năm 2018. Các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, những địa phương có diện tích chuyên canh vải thiều lớn nhất nước, đang nỗ lực triển khai các giải pháp tiêu thụ quả vải trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt quản lý về truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Tỉnh Quảng Tây của nước này, từ ngày 1.4.2018, cũng áp dụng thêm các quy định về chất lượng, tem nhãn và truy xuất nguồn gốc đối với các hạt hàng nông sản nhập khẩu.

Nỗ lực là chưa đủ

Vải thiều, một trong 52 sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Giang, dự báo năm 2018 tiếp tục được mùa lớn. Năm 2017, doanh thu từ vải thiều của Bắc Giang mức kỷ lục, với 5.300 tỷ đồng, thay vì mức 4.000 tỷ đồng hàng năm.

Thế nhưng, tiêu thụ vải năm nay dự báo sẽ khó khăn hơn. Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang, ông Dương Văn Thái, lo ngại những quy định mới của Trung Quốc, nếu doanh nghiệp và người sản xuất không đáp ứng được, sẽ ảnh hướng rất lớn đến tiêu thụ quả vải năm 2018.

Phó Chủ tịch tỉnh này cũng cho biết, Bắc Giang sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại thị Bằng Tường, Trung Quốc, vào ngày 23-24/5 tới. Cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức diễn đàn về vải thiều hay tuần lễ vải thiều sẽ được tổ chức ở trong nước.

Nhằm hỗ trợ tiêu thụ vải thiều thuận lợi, UBND Tỉnh Bắc Giang mới đây đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đề nghị với cơ quan chức năng của Chính phủ Trung Quốc sớm phê chuẩn dịch vụ Visa tại chỗ của của khẩu Hữu Nghị và mô hình thông quan “Hai quốc gia một kiểm tra”.

Những nỗ lực của các tỉnh có diện tích chuyên canh quả vải lớn nhất nước là cần nhưng chưa đủ để quả vải có thể xuất khẩu ổn định vào thị trường gần 1,4 tỷ người tiêu dùng này.

Đã nhiều năm Bắc Giang xuất khẩu quả vải sang Trung Quốc, nhưng ông Thái thừa nhận, các doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu vải thiều chủ yếu thực hiện theo phương pháp truyền thống, mua bán tiểu ngạch, chưa coi trọng hình thức kinh doanh ngoại thương thông qua hợp đồng kinh tế để thực hiện giám sát ngay từ khâu thu hoạch, đóng gói.

Trên thực tế, quả vải có tính thời vụ cao, thời gian thu hoạch ngắn, khó khăn nhất là khâu sơ chế, đóng gói và bảo quản. Việc doanh nghiệp bảo quản quả vải trong hùng xốp ướp lạnh, gây khó khăn cho quá trình vận chuyển sang các thị trường xa, giá thành vận chuyển cao, giảm tính cạnh tranh.

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu truyền thống nông sản, trong đó có quả vải của Việt Nam. Trung Quốc năm 2017 chiếm trên 70% tổng sản lượng xuất khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, cửa khẩu Lào Cai, một lượng nhỏ qua cửa khẩu Thanh Thủy - Hà Giang.

Theo quan sát của ông Nguyễn Long Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, địa bàn xuất khẩu chính ngạch, sự kết nối thông tin giữa thương nhân hai nước chưa được thực hiện tốt. Đặc biệt, các thương nhân Việt Nam nắm thông tin về thị trường nông sản Trung Quốc còn rất hạn chế.

Duoc mua qua vai lai lo khong ban duoc hang

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cũng cho rằng, sản xuất nông nghiệp còn mang tính tự phát cho nên thường xuyên xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu, chất lượng hàng hóa, chung chuyển hàng hóa trong nước giảm giá trị xuất khẩu.

Thêm đầu ra cho quả vải, việc tiếp cận các thị trường mới được đặt ra đã nhiều năm, nhưng đưa được loại quả này vào các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản, Dubai là rất khó khăn, bởi những hàng rào kỹ thuật, quy định ngặt nghèo về an toàn thực phẩm, chiếu xạ, kiểm dịch, tem nhãn truy xuất nguồn gốc.

Bộ Nông nghiệp Úc năm 2015 chính thức cho phép nhập khẩu trái vải Việt Nam vào thị trường Australia sau 12 năm đàm phán khó khăn. Tuy nhiên, 40 tấn vải thiều đưa sang Úc lần đầu tiên đã không giữ được chất lượng, màu sắc và giá thành ở mức thấp, dù đã được làm sạch, giữ lạnh, vận chuyển bằng đường hàng không sang Úc.

Trong báo cáo gần đây với Chính phủ, Phó chủ tịch Bắc Giang khẳng định xuất khẩu quả vải của tỉnh này chiếm 40% tổng sản lượng năm 2017. Vải thiều Bắc Giang đã được bán tại Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản có giá bán cao gấp từ 3-5 lần, từ 120. 000 đồng đến 300. 000 đồng/kg, nhưng vị này không đề cấp đến con số xuất khẩu cụ thể.

Cần một nền thể chế quản trị nông nghiệp mới

Hiện tượng “giải cứu nông sản” đã trở nên quen thuộc, từ năm này qua năm khác và có xu hướng chưa giảm đi, quả vải chỉ là một ví dụ.

TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, các hạn chế chính trong chuỗi giá trị nông sản Việt Nam nằm ở khâu sản xuất, chuỗi giá thành còn cao trong khi việc sử dụng đầu vào, thuốc bảo vệ thực vật và giống còn bất cập.

Sản phẩm thực sự đảm bảo an toàn vẫn còn tương đối thấp. Đối với sau thu hoạch, phí giao dịch cao và tổn thất sau thu hoạch cũng cao, trong khi khâu chế biên công nghệ được đánh giá là công nghệ tương đối thấp và giá trị gia tăng thấp.

Những hạn chế này dẫn đến tỷ lệ xuất khẩu được giá cao hiện nay còn ít, vấn đề an toàn thực phẩm ít đặc biệt và thiếu các thương hiệu. Thương hiệu nông sản quá khiêm tốn so với lượng nông sản nước ta xuất khẩu, trong khi chuỗi giá trị nông sản rất khó khăn trong việc nâng cấp công nghệ mới và hiện đại do chưa tiếp cận với thị trường chất lượng cao.

Vì vậy, để thay đổi thực trạng, TS. Đào Thế Anh nói rằng nước ta “cần một nền thể chế quản trị  nông nghiệp mới để có chuỗi giá trị tốt hơn”. Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho đây là “điều kiện tiên quyết”.