Thứ Năm | 11/07/2013 13:30

Được mất của tỷ giá

Sau ngày NHNN điều chỉnh nới biên độ tỷ giá USD/VNĐ (28/6) cho đến nay, giới quan sát đã nhận thấy những mặt tích cực và tiêu cực từ chính sách này.
Điểm cộng cho chính sách điều chỉnh tỷ giá

Sự kiện điều chỉnh tỷ giá vào cuối tháng 6 vừa qua, được cho là hợp lý, bởi thị trường ngoại tệ thực ra đã nóng lên rất nhiều trước đó, nhất là trên thị trường “chợ đen”.

Cho đến tận hôm nay 11/7, dường như áp lực tỷ giá vẫn còn nguyên. Các ngân hàng vẫn tiếp tục niêm yết mức giá bán ra kịch trần là 21.246 đồng/USD, thấp hơn gần 400 đồng so với giá bán ra trên thị trường tự do 21.630-21.650 đồng/USD. Sau ngày điều chỉnh, thậm chí đã có thời điểm, giá USD bán ra trên thị trường tự do gần chạm ngưỡng 22.000 đồng/USD.

Tỷ giá bắt đầu trở nên căng thẳng đối với cả các ngân hàng. Trong tháng 5/2013, theo TS Lê Xuân Nghĩa, “NHNN đã phải bán ra ước 1 tỷ USD để can thiệp thị trường”, do sự dịch chuyển ngoại hối bấp bênh và do nhu cầu bù đắp trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại (NHTM).

Thêm vào đó, NHNN đã phối hợp cùng chính sách giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VNĐ và USD (từ ngày 27/6). Sự kết hợp điều chỉnh tỷ giá và lãi suất tiền gửi mang về kết quả: đồng USD trở nên “đắt đỏ” hơn, gửi tiền bằng USD cũng trở nên kém hấp dẫn so với VNĐ, khi trần lãi suất tiền gửi bằng USD đối với cá nhân giảm xuống còn 1,25%/năm, trong khi lãi suất tương tự áp dụng cho VNĐ kì hạn từ 1-6 tháng giảm còn 7%.

Sau 28/6, dường như mọi ánh mắt đều dồn vào tiền đồng, một dòng vốn trở nên rẻ hơn, qua đó có thể khuyến khích các nhà đầu tư “tiêu xài” nhiều hơn bằng đồng nội tệ.

Nới biên độ tỷ giá +/-1% thực chất là biện pháp phá giá tiền đồng ở biên độ thấp, nên một phần hiệu quả của chính sách sẽ chảy vào khu vực sản xuất hàng xuất khẩu, giúp cải thiện tình hình xuất khẩu của đất nước.

Còn đối với dòng vốn đầu tư ngoại, tăng tỷ giá chẳng khác nào một đòn đánh thuế vào dòng tiền nóng, khiến cho việc rút vốn ngoại trở nên tốn kém hơn. Thực tế, sau ngày 28/6, tốc độ và giá trị bán ròng trái phiếu của nước ngoài đã giảm. Do 1% tăng của tỷ giá lớn hơn so với lợi tức trái phiếu, nhà đầu tư nước ngoài cần phải nắm giữ trái phiếu dài hạn hơn (từ 6 tháng trở lên) mới mong tránh được rủi ro điều chỉnh tỷ giá.

Bên cạnh đó, có thể thấy thời điểm điều chỉnh tỷ giá cũng rất “toan tính”. Rơi vào những ngày cuối cùng của tháng 6. Sau ngày 30/6, các ngân hàng buộc phải tất toán xong trạng thái vàng của mình, chênh lệch giá vàng nội-ngoại giảm đi 1% cùng biến động tỷ giá.

Điểm trừ cho tỷ giá

Trong dấu cộng về cơ hội tăng trưởng xuất khẩu sau điều chỉnh tỷ giá, cần lưu ý rằng: trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã chiếm đến khoảng 65%, trong khi đó doanh nghiệp nội chỉ đóng góp 35%. Trong 65% đóng góp của mình, các doanh nghiệp nước ngoài cũng cần nhập khẩu không ít, chủ yếu là kinh kiện, thiết bị, máy móc. Thật không may, món lợi tỷ giá cho xuất khẩu còn tùy vào giá trị đơn hàng và kim ngạch nhập khẩu.

Điển hình là trường hợp của Sam Sung Việt Nam, để đạt giá trị xuất khẩu 12 tỷ trong năm 2012, doanh nghiệp này đã phải nhập khẩu 100% linh kiện từ Trung Quốc cho sản xuất sản phẩm điện thoại Galaxy.

Một nguyên tắc đơn giản trong thương mại quốc tế: để xuất khẩu cần phải nhập khẩu. Nhất là đối với mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của doanh nghiệp Việt Nam như dệt may và da giày. Tỷ lệ đầu tư vào máy móc, thiết bị, phụ tùng,… nhập khẩu của các sản phẩm này lên đến 70%-75% giá trị sản phẩm xuất khẩu. Cho nên, giá trị các sản phẩm đầu vào sản xuất trong nước chỉ chiếm 25%-30%, kể cả chi phí hậu cần, bao bì... Do vậy, điều chỉnh tỷ giá chỉ có tác dụng rất hạn chế để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng này.

Đồng nội tệ rẻ hơn chỉ có tác dụng thực sự đối với những ngành sản xuất hướng đến xuất khẩu có tỷ lệ nội địa hóa cao. Trong số đó, các ngành nông - lâm - hải sản có tỷ lệ nội địa hóa cao hơn, mới mong nhìn thấy thuận lợi thực sự.

Điểm trừ thứ 2, chính là việc xuất hiện hiện tượng 2 tỷ giá trong ngân hàng. Theo thông tin đăng tải trên VnExpress hôm 9/7, từ ngày NHNN tăng tỷ giá thêm 1% đến nay, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu cho biết rất khó mua đôla. Câu trả lời thường trực mỗi khi gõ cửa nhà băng là "khan hàng".

"Một số doanh nghiệp cùng ngành đang cần thanh toán đơn hàng nhập khẩu phải chấp nhận mua với giá vượt trần và mức này chả thấp hơn bao nhiêu so với chợ đen", giám đốc một công ty nhựa tại Tân Phú nói. Khoản chênh lệch phát sinh này, doanh nghiệp phải chấp nhận hợp thức hóa bằng cách tính vào các loại phí (phí chuyển tiền, phí phạt...) có khi lên tới vài trăm đồng mỗi USD.

Dù đây chỉ là sự kiện đơn lẻ, không phản ánh toàn cục hệ thống ngân hàng thương mại, nhưng cũng là lời nhắc nhở đối với cơ quan chức năng về việc tăng cường kiểm soát hoạt động lợi dụng chính sách, giả khan hàng, làm khó các doanh nghiệp đang cần ngoại tệ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM: “Nếu ngân hàng nào bị phát hiện vi phạm trong việc mua bán USD không đúng giá niêm yết, NHNN sẽ xử lý nghiêm theo Nghị định 95”.

Như vậy, cơ chế xử phạt không phải không có, nhưng cách làm thực tế mới là yếu tố quyết định trực tiếp đối với bất kì chính sách nào.

Tóm lại, không thể đòi hỏi một chính sách chỉ toàn điểm tốt, mà không đi kèm một vài hạn chế. Chưa kể, những hạn chế xuất phát từ chính khuyết điểm cốt tử của nền kinh tế bao lâu nay, rất khó để chỉ một chính sách có thể thay đổi tình hình. Về hiện tượng hai tỷ giá, với hoạt động thanh tra giám sát chặt chẽ, NHNN sẽ không quá khó khăn kiểm soát lại tình hình.

Kì vọng từ nay đến cuối năm, tỷ giá sẽ còn tăng thêm 1% nữa, do dự địa vẫn còn. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia trong báo cáo đánh giá tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm có dẫn báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, vẫn còn dư địa để có thể áp dụng tỷ giá linh hoạt hơn trong những tháng cuối năm. Cung chung kì vọng, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, dư địa điều chỉnh tỷ giá cho năm nay còn 1% nếu như NHNN duy trì cam kết cho phép tỷ giá giao động 3% tối đa trong năm nay.

Nếu kì vọng trên trở thành sự thật, thì dấu trừ đậm hơn sẽ dành cho lạm phát. Bởi dù phá giá tiền đồng ở mức độ thấp, cũng sẽ gây ra sức ép lên chỉ số giá tiêu dùng. Trong khuôn khổ bài viết, nếu đề cập đến kì vọng lạm phát sau điều chỉnh tăng lương, tăng giá xăng tới 2 lần trong tháng 6, tăng viện phí tại Hà Nội và một số tỉnh thành ,…e rằng hơi quá khổ.

Tuy nhiên, nhìn bảng giá bán xe của Toyota Việt Nam mới điều chỉnh (áp dụng từ ngày 1/8/2013) và lời giải thích của hãng xe này: "giá xe tăng theo sự thay đổi của tỷ giá USD/VND liên ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành từ 28/6/2013". Bỗng nhiên, nỗi lo về sự quay trở lại của lạm phát cũng bắt đầu nhen nhóm.

Dĩ nhiên, ô tô là không phải mặt hàng tiêu dùng thông thường, chiếm tỷ trọng quyền số cao trong giỏ tính toán giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam, nhưng một đồng tiền không thể rẻ mãi, câu hỏi còn rẻ được đến khi nào trước khi lãi suất và lạm phát cùng bò khỏi đáy?

Nguồn Dân Việt


Sự kiện