Dược Hậu Giang: Sức mua giảm - góc nhìn từ 1 doanh nghiệp Dược
Năm 2014 là một năm khó khăn đối với các doanh nghiệp hàng tiêu dùng khi sức mua của người dân giảm sút. Dược Hậu Giang (DHG) không đứng ngoài những khó khăn đó. Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi nhân dịp đầu năm với chúng tôi, bà Phạm Thị Việt Nga vẫn cho thấy những thuận lợi của năm vừa qua, cũng như kỳ vọng ở năm 2015 tốt đẹp hơn.
Hoàn thành kế hoạch
Liên lạc với doanh nhân Phạm Thị Việt Nga vào những ngày cuối năm quả không dễ dàng. Bà không muốn đưa ra bất kỳ thông tin nào về hoạt động kinh doanh của công ty khi năm 2014 chưa kết thúc. Tuy nhiên, vào những ngày đầu năm 2015, bà Nga cho biết, các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận đặt ra cho năm vừa qua đã chính thức hoàn thành.
Ngành dược phẩm cũng như bao nhiêu ngành hàng tiêu dùng khác đều phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong năm vừa qua. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, cạnh tranh gay gắt là do tiềm năng của ngành đang còn - bà Nga lạc quan. Các doanh nghiệp dược tuy không có tăng trưởng đột biến, nhưng đều hoạt động tương đối tốt, thậm chí có nhiều doanh nghiệp mới ra đời trong tình hình các doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động vẫn là vấn đề nhức nhối. Đó chính là những dấu hiệu cho thấy vẫn còn nhiều cơ hội cho ngành dược phát triển, vấn đề là cách đi của mỗi doanh nghiệp như thế nào mà thôi.
Sức mua giảm - nhìn từ đơn thuốc người tiêu dùng
Nhiều người nhắc đến hiện tượng sức mua giảm. Chỉ số lạm phát năm 2014 thấp nhất trong vòng 15 năm qua. Chỉ số là điều ai cũng có thể nhìn thấy. Tuy nhiên trong con mắt một doanh nhân ngành dược, hiện tượng sức mua giảm thể hiện hết sức tinh tế và thú vị.
Bà Nga cho biết, người tiêu dùng tỏ ra thận trọng hơn hẳn với việc chi tiêu trong năm vừa qua. Một ví dụ dễ nhận thấy, đó là người bệnh hiện nay mua ít thuốc bổ hơn trước kia - cách đây vài ba năm. Với một đơn thuốc chữa bệnh thông thường, tỷ lệ thuốc bổ hiện nay thấp - chứng tỏ việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng - đặc biệt là khu vực nông thôn.
"Người ta không cần biết một đơn thuốc trị đau đầu có bao nhiêu thuốc bổ, vitamin..., mà chỉ cần biết hiệu thuốc này bán 5 nghìn, hiệu thuốc kia 4 nghìn. Là đủ để người ta quyết định mua ở đâu", bà Nga nói.
Cơ hội có mặt trong các đơn thuốc thông thường của người bệnh - vì vậy trở nên khó khăn hơn trước rất nhiều.
Trước tình hình đó, Dược Hậu Giang đã và đang tiến hành lựa chọn lại danh mục sản phẩm - căn cứ vào nhu cầu khách hàng, để tối đa hóa lợi nhuận doanh nghiệp.
Thuốc đặc trị, lãnh địa riêng của doanh nghiệp ngoại
Cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại vẫn luôn là vấn đề nóng hổi trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, vẫn phải công nhận, thuốc đặc trị dành cho các bệnh nguy hiểm vẫn đang là lãnh địa riêng của doanh nghiệp ngoại. Doanh nghiệp Việt hiện nay chỉ sản xuất được các loại thuốc chữa bệnh thông thường, phù hợp với nhu cầu phổ thông của đại đa số người bệnh. Thuốc đặc trị vẫn luôn phải nhập - bà Nga trăn trở.
Về kế hoạch "mang chuông đi đánh xứ người" - Dược Hậu Giang thay vì thụ động nhận đơn đặt hàng từ nước ngoài và xuất khẩu sang, công ty đã và đang triển khai kế hoạch chào hàng, tạo lập thị trường ổn định tại các quốc gia khác. "Phải tích lũy đủ, có thị trường đủ lớn, chúng tôi mới tính đến chuyện sản xuất tại nước ngoài" - bà Nga chia sẻ.
Gỡ bỏ quy định trần quảng cáo
Bà Nga tỏ ra thận trọng khi nói về môi trường kinh doanh, về thị trường, về những thay đổi trong năm 2015. Tuy nhiên, nếu nói về thuận lợi trong năm 2015, điều rõ ràng nhất mà Dược Hậu Giang có thể nhìn thấy chính là việc gỡ bỏ quy định về trần quảng cáo - quy định đã "kìm kẹp" các doanh nghiệp trong suốt 15 năm qua.
Với hệ thống cửa hàng trải rộng trên phạm vi toàn quốc, nếu được gỡ bỏ quy định về trần quảng cáo, Dược Hậu Giang như "hổ được chắp thêm cánh" - CEO Dược Hậu Giang kỳ vọng.
Tuy nhiên, quyết định là một chuyện, việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều trăn trở. Dược Hậu Giang cũng như các doanh nghiệp hiện đang chờ đợi việc triển khai, đặc biệt là chờ thông tư hướng dẫn. Được biết, quy định bỏ trần chi phí quảng cáo bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2015.
Nguồn Infonet