Đừng mơ người Mỹ mua cá khô, mắm tôm… Việt
Nhiều mặt hàng Việt đã thâm nhập được một số thị trường như Hàn Quốc, Singapore, Pháp… nhờ “bà đỡ” là các hệ thống siêu thị. Đáng chú ý, mức tăng trưởng xuất khẩu qua kênh này khá cao.
Nước chấm, cá khô, dừa… xuất ngoại
Thông qua việc hợp tác với tập đoàn bán lẻ NTUC Fair Price (Singapore), năm vừa qua Saigon Co.op đã xuất khẩu trên 80 container các mặt hàng như thanh long, dừa tươi, cá ba sa phi lê và nhiều sản phẩm chế biến khác trị giá khoảng 1,3 triệu USD sang Singapore.
“Thời gian tới Saigon co.op sẽ tiếp tục tìm kiếm và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đưa nhiều mặt hàng hơn nữa qua thị trường này” - bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, thông tin.
Hiện nay có 24 DN Việt xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc qua kênh phân phối của hệ thống siêu thị Lotte Mart với trên 100 sản phẩm. Tiêu biểu như thanh long, sầu riêng, dừa, khô cá, khô mực, cà phê con sóc, cà phê G7… Tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng này trong năm vừa qua đạt 500.000 USD. Tỉ lệ hàng Việt bán tại hệ thống siêu thị Lotte Mart ở các nước hiện chiếm 7%-10%.
Đại diện Lotte Mart nhận xét hàng Việt ngày càng chất lượng, giá cả hợp lý nhưng lượng tiêu thụ tại Hàn Quốc còn khá khiêm tốn. Do đó hệ thống siêu thị này đang nỗ lực để người Hàn Quốc hiểu thêm về hàng Việt, chẳng hạn như tăng cường giới thiệu trái cây, thủy sản, bánh kẹo, snack, trà, nước chấm, gia vị, hàng thủ công mỹ nghệ.
Giám đốc đối ngoại hệ thống siêu thị Big C, ông Hồ Quốc Nguyên, cũng cho hay tăng trưởng xuất khẩu hàng Việt qua hệ thống siêu thị trong năm 2015 đạt 25 triệu USD với hơn 900 mặt hàng, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bán cái khách hàng đang cần
Ông Nguyễn Tri Phương Đông, chuyên gia thiết kế truyền thông, nhận định hầu hết DN Việt xuất hàng qua châu Âu, Mỹ thường chỉ bán ở các chợ nhỏ lẻ của người Việt, cùng lắm là ở chợ dành cho người châu Á. Lý giải nguyên nhân, ông Đông nói: “Hàng Việt khó tiếp cận được thị trường bản địa vì không hợp với khẩu vị của họ. Ví dụ, DN Việt xuất khẩu cá khô sang thị trường Mỹ thì chỉ bán được cho người Việt tại đây chứ người Mỹ thì không quan tâm”.
Ông Đông dẫn chứng ở Mỹ có trên hai triệu người Việt sống rải rác khắp nơi. Nhiều người trong số đó tiêu dùng thực phẩm từ quê nhà nhập qua để thỏa mãn khẩu vị nhưng thị trường không phát triển thêm được nhiều vì các thế hệ sau đều ăn đồ Tây. Thêm nữa, nhiều mặt hàng Việt thâm nhập vào các nước thông qua DN bản địa bằng con đường gia công, xuất khẩu qua “cái áo của người khác” nên ít sản phẩm có thương hiệu “made in Vietnam” .
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến nhìn nhận khi hàng Việt thông qua kênh siêu thị để ra nước ngoài, dù chủ yếu phục vụ cho người Việt thì đây cũng là bước đệm ban đầu để từng bước tiếp cận thị trường nước ngoài.
Tuy vậy, theo ông Chiến, DN Việt không nên đem những cái mình có sẵn (cá khô, mắm tôm,… - PV) bán ra nước ngoài, “bắt” người ta mua. “Đây là tư duy cũ của nhiều chục năm về trước. Kinh doanh ngày nay cần phải thấu hiểu và thậm chí thấu cảm nhu cầu khách hàng mục tiêu, thị trường mục tiêu. Hàng hóa dịch vụ phải đáp ứng nhu cầu kể cả những nhu cầu đặc thù, tinh tế của khách hàng. Có như vậy mới tạo ra sự khác biệt, giá trị và sức hút của hàng Việt khi vươn ra thế giới” - ông Chiến nhấn mạnh.
Nổi tiếng ở Việt Nam, ở nước ngoài vô danh
Ông Khuất Quang Anh, chuyên gia trong ngành bán lẻ, nói việc các siêu thị nỗ lực đưa hàng Việt ra thế giới rất đáng ghi nhận. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là thương hiệu hàng hóa Việt chưa được đa số khách hàng quốc tế biết đến chứ chưa nói là được ưa chuộng.
Ông Anh kể khi có dịp đi thăm một số hệ thống siêu thị tại Đức và đặt câu hỏi về cà phê Trung Nguyên thì rất nhiều người không biết và phát âm đúng tên gọi sản phẩm này. Tương tự, bia Sài Gòn nhiều người cũng không biết. Trong khi đây là những thương hiệu khá nổi tiếng ở Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong một lần đi thăm và khai trương “Tuần hàng Việt” tại Đức từng đặt vấn đề tạo điều kiện để hàng Việt được phân phối nhiều hơn trong một hệ thống siêu thị lớn tại đây. Thế nhưng một phó chủ tịch tập đoàn lớn chia sẻ rằng nếu chỉ đưa hàng Việt vào siêu thị ở nước ngoài thôi thì rất đơn giản, song sẽ khó bán vì khách hàng không có sự nhận biết về các loại hàng hóa này do không có thương hiệu.
“Tôi tin rằng các sản phẩm Việt khi xuất qua các nước Âu hay Mỹ đều nhắm tới phục vụ số đông là cộng đồng người Việt. Còn đối với khách hàng bản địa chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Mà để chinh phục được họ thì điều đầu tiên là phải có thương hiệu mạnh cùng với việc am hiểu văn hóa, nhu cầu, thói quen mua hàng… đối với từng thị trường. Do đó việc quảng bá hàng Việt tại các thị trường nước ngoài thông qua hệ thống siêu thị cần một chiến lược bài bản, lâu dài chứ không nên chỉ dừng lại ở việc tổ chức một vài chiến dịch quảng bá rồi thôi”.
Đối với các DN, chuyên gia Khuất Quang Anh khuyến nghị không thể sản xuất ra một mặt hàng vừa bán cho người Việt, lại vừa bán cho khách hàng Mỹ, Pháp, Ý. Lý do là mỗi đối tượng khách hàng có nhu cầu, sở thích, khẩu vị… riêng.
Bỏ trái dừa trong khung thép Hàng Thái, Philippines, Malaysia… chiếm ưu thế hơn so với hàng Việt trong việc thâm nhập thị trường các nước như châu Âu, Mỹ. Lý do là họ có nhiều cách làm hay. Ví dụ, khi xuất khẩu dừa tươi sang Mỹ, các DN Thái đựng trái dừa trong khung thép để khi sắp xếp, vận chuyển trái dừa không bị trầy xước, mẫu mã đẹp. Điều này cũng lý giải vì sao các loại rau, gia vị… Thái cũng chiếm ưu thế ở Mỹ và nhiều nước. Ông NGUYỄN TRI PHƯƠNG ĐÔNG Vừa qua một số siêu thị lớn tại TP.HCM đã tổ chức các hội chợ quảng bá, giới thiệu hàng Việt Nam tại thị trường Singapore, Hàn Quốc, châu Âu… Qua đó thu được những kết quả rất đáng khích lệ. Vì vậy Sở Công Thương TP.HCM và các DN cần có giải pháp tận dụng tốt kênh này để có thể xuất khẩu sản phẩm Việt ra thị trường thế giới. Ông LÊ VĂN KHOA, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM |
Nguồn Pháp luật TP.HCM