Ảnh: weabroad.vn
Dừng lập thêm hãng hàng không mới đến năm 2022
Vào giữa tháng 5, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ, sau đó Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng "đồng ý về nguyên tắc" và yêu cầu bộ này chịu trách nhiệm về các kiến nghị của mình trong việc đảm bảo sự phát triển của ngành hàng không.
Trước đó, lý giải về đề xuất này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam năm nay ước đạt 42,7 triệu lượt khách, giảm 46% so với năm 2019 và bằng 50% dự báo trước đó. Trong đó, các hãng bay trong nước vận chuyển 32,6 triệu lượt khách, giảm hơn 40% so với năm ngoái vì đại dịch.
Theo kịch bản lạc quan nhất, Bộ nhận định các chỉ số của thị trường hàng không Việt Nam 2 năm nữa mới có thể phục hồi xấp xỉ năm 2019. Trước mắt, cơ quan này muốn tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước, quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho các hãng bay Việt Nam đang hoạt động.
Ảnh: Tạ Tôn. |
Còn dự án vận tải hàng không Cánh Diều (Kite Air), ông Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch Đầu tư - với chức năng là cơ quan thẩm định chủ trương đầu tư báo cáo Thủ tướng về chủ trương đầu tư dự án, căn cứ kiến nghị trên của Bộ Giao thông Vận tải. Như vậy, sớm nhất tới năm 2022, hãng này mới có thể có được phê duyệt chủ trương.
Hiện Việt Nam có 5 hãng hàng không gồm: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air, VASCO và Bamboo Airways.
Hãng Vietravel Airlines đã được Thủ tướng đồng ý chủ trương lập từ đầu tháng 4, Cục Hàng không đã đánh giá hồ sơ hợp lệ và kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải thực hiện các thủ tục tiếp theo để cấp phép.
Sau 5 tháng ngừng bay quốc tế, Chính phủ vừa đồng ý mở cửa một số đường bay cho Vietnam Airlines. Hãng này vừa có chuyến bay đưa 275 hành khách Trung Quốc về sân bay Nam Kinh.
Chuyến bay đón 275 khách Trung Quốc từ London, quá cảnh tại Hà Nội, sau đó bay tiếp đi Nam Kinh. Theo đại diện Vietnam Airlines, đây là chuyến bay chở khách đầu tiên của hàng không Việt Nam đến thị trường Trung Quốc sau khi dừng khai thác từ đầu tháng 2.
Trên chặng quay về Việt Nam, tàu bay này không chở khách. Toàn bộ tổ bay, tiếp viên đều phải cách ly theo quy định. Vietnam Airlines khẳng định, khi quá cảnh tại Hà Nội, hành khách ngồi yên trên máy bay, không xuống sân bay để đảm bảo an toàn y tế. Máy bay chỉ tiếp nhiên liệu, kiểm tra hệ thống kỹ thuật và cũng không đón thêm khách.
Cán bộ nhân viên của Vietnam Airlines tại chi nhánh Trung Quốc đã rất khó khăn để xin cấp phép chuyến bay này bởi rất ít chuyến bay quốc tế được khai thác lại ở thị trường Trung Quốc để đảm bảo phòng chống COVID-19. Đại diện Vietnam Airlines chia sẻ thêm, chuyến bay này mang lại doanh thu lớn cho hãng trong thời điểm khó khăn hiện tại. Đồng thời, đây cũng là bước quan trọng trong quá trình nối lại đường bay giữa hai nước.
Tuần trước, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã báo cáo Chính phủ về tình hình tổ chức các chuyến bay thương mại quốc tế. Cụ thể, Cục Hàng không sẽ làm việc với cơ quan hàng không Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Lào, Campuchia để lên kế hoạch vận chuyển.
Theo kiến nghị của Bộ, tần suất bay thương mại đến các nước, vùng lãnh thổ trên là một chuyến mỗi tuần cho mỗi bên. Hành khách nước ngoài nhập cảnh cần có visa hợp lệ và thực hiện cách ly theo quy định. Bên cạnh các chuyến bay giải cứu công dân do Bộ Ngoại giao tổ chức, khoảng 2.500-3.000 khách nước ngoài dự kiến nhập cảnh mỗi tuần trên các chuyến bay thương mại.