Dừng ký hợp đồng mới gói 30.000 tỷ đồng
Ngày 28/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn hỏa tốc gửi 19 ngân hàng tham gia cho vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng về việc dừng ký hợp đồng tín dụng mới chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP.
Theo văn bản này, qua theo dõi của NHNN về tình hình cho vay hỗ trợ nhà ở, đến nay số tiền cam kết cho vay của các ngân hàng đối với khách hàng đã đạt trên 30.000 tỷ đồng. NHNN yêu cầu các ngân hàng dừng ký hợp đồng tín dụng mới kể từ ngày 31/3/2016 đối với toàn bộ đối tượng khách hàng của Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở. Đồng thời, tập trung giải ngân các hợp đồng tín dụng đã ký theo đúng quy định pháp luật. Như vậy, hiện chỉ còn 2 ngày nữa để khách hàng mới có thể được vay gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng.
Thời điểm dừng giải ngân tái cấp vốn của NHNN sẽ được thông báo tới các ngân hàng bằng văn bản trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và theo dõi tình hình giải ngân thực tế của Chương trình.
Quyết định của NHNN dựa trên quy định tại Điều 2 và 8 Thông tư số 11/TT-NHNN ngày 15/5/2013. Cụ thể, NHNN sẽ dừng tái cấp vốn khi giải ngân hết số tiền (khoảng 30.000 tỷ đồng) nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông này có hiệu lực (ngày 1/6/2013).
Được biết, ngày 22/3/2016, NHNN đã có Công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, nếu đến ngày 1/6/2016 chưa giải ngân hết số tiền 30.000 tỷ đồng, NHNN báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn giải ngân tái cấp vốn để các đối tượng cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình được tiếp tục giải ngân với lãi suất ưu đãi đến hết gói 30.000 tỷ đồng của toàn bộ Chương trình. Tuy nhiên, việc có được giải ngân với lãi suất ưu đãi sau ngày 1/6/2016 hay không vẫn phải chờ phản hồi từ Chính phủ và NHNN.
19 ngân hàng thương mại tham gia cho vay gói hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng gồm: Ngân hàng Nông nghiệp (Agribank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngoại thương (Vietcombank), Công Thương (VietinBank), Đại chúng (PVcomBank), Xuất nhập khẩu (Eximbank), Sài Gòn Hà Nội (SHB), Tiên Phong (TPBank), Sài Gòn (SCB), Nam Á, Đông Nam Á (SeaBank), Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Phương Đông (OCB), Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Việt Nam Thương Tín (VietBank), Quốc tế (VIB), Quốc dân (NCB), Bảo Việt (BaoVietBank) và Á Châu (ACB).
Được biết, đến ngày 10/3, các ngân hàng đã cam kết cho vay 30.122 tỷ đồng đối với 46.246 khách hàng và đã giải ngân theo tiến độ 21.321 tỷ đồng (hơn 70%).
Nhật Duy