Ngày 6/3/2014, tại phiên họp thứ 25 của UBTVQH (khóa XIII), các đại biểu đã sôi nổi góp ý cho Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), do Bộ Xây dựng soạn thảo. Đây là lĩnh vực được quan tâm cao, đồng thời cũng được “mổ xẻ” từng chi tiết trong câu văn của văn bản nhằm tránh những sự hiểu lầm hoặc áp dụng tùy tiện khi có hiệu lực thi hành.
Dự thảo luật chưa làm rõ tinh thần của Hiến pháp đã quy định là mọi người dân phải có nhà ở hợp pháp
30 nghìn tỷ không liên quan đến NSNN
Nội dung “Quỹ phát triển nhà ở” được quy định tại Điều 69 Dự thảo luật đã có nhiều sửa đổi sau khi tiếp thu, song nhiều đại biểu đề nghị hết sức thận trọng về vấn đề này bởi bày tỏ sự lo lắng: cứ mỗi khi có luật là lại đề nghị hình thành 1 quỹ trong khi đó nguồn lực nhà nước hết sức hạn chế.
“Liên quan đến việc này, tôi xin hỏi luôn Bộ trưởng là gói 30 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở đến đâu rồi. Tôi biết rằng hiện mới giải ngân hơn 8,6% thôi, như vậy là không hiệu quả. Tôi đề nghị trả lại cho Quốc hội, Chính phủ để bố trí làm việc khác…”, ông Ngô Văn Minh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đặt vấn đề.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia ngân hàng, cách đặt vấn đề này của ông Minh là có sự hiểu lầm về gói 30 nghìn tỷ đồng đang được thực hiện. Bởi Điều 1, Thông tư số 11/2013/TT-NHNN đã nêu rất rõ ràng: cho vay hỗ trợ nhà ở là từ nguồn tái cấp vốn của NHNN, NHTM nhà nước, NHTM cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ dành một lượng vốn tối thiểu 3% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm trước để cho vay các đối tượng được vay theo quy định.
Như vậy gói 30 nghìn tỷ là tiền của NHNN tái cấp vốn cho các NHTM Nhà nước để NHTM có nguồn vốn cho vay đối với người mua nhà hoặc DN làm nhà ở xã hội. Hết thời hạn, nguồn tiền này sẽ phải thu về NHNN. Thực chất đây là cho vay chứ không phải là “cho không”, là khoản vay của NHTM bình thường, không liên quan đến NSNN. NHNN thông qua cơ chế cho NHTM vay lại với hình thức tái cấp vốn. Khách hàng được hưởng ưu đãi về lãi suất và thời hạn vay. NHTM phải trả gốc và lãi cho NHNN. Vì vậy, không có lý do gì để gán đây là một loại quỹ.
Một cán bộ NHNN cũng cho biết, gói 30 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở là khoản vay thương mại của NHTM nhà nước vay NHNN theo hình thức tái cấp vốn. Ông cũng đồng tình với đại biểu Ngô Văn Minh là thực tế có rất nhiều luật được ban hành và mỗi luật lại đẻ ra 1 quỹ lấy kinh phí hoạt động từ tiền NSNN.
“Gói 30 nghìn tỷ” đúng ra phải chi từ tiền NSNN, nhưng do NSNN khó khăn nên NHNN mới thiết kế gói khác từ nguồn tiền của NHTM. Gói 30 nghìn tỷ giải ngân chậm bởi 2 lý do: Một là, nguồn cung nhà không có. Hai là, đây là tiền của NHTM nên rủi ro NHTM phải chịu, chính vì vậy việc cho vay phải đúng đối tượng, đủ tiêu chuẩn, điều kiện và phải căn cứ nguồn trả nợ. “Bản chất gói 30 nghìn tỷ là khoản vay thương mại, không liên quan đến ngân sách để trả lại Chính phủ hay Quốc hội”, vị cán bộ này nói.
Cơ chế nào để mọi người dân đều có nhà ở?
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, sau gần 8 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở, lĩnh vực này đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình thực thi các văn bản pháp luật về nhà ở.
Chính vì vậy, việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) cần có sự thay đổi căn bản dựa trên các quan điểm về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực phát triển nhà ở. Một mặt, tạo môi trường thuận lợi để phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân có thu nhập và có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường; mặt khác quan tâm phát triển nhà ở xã hội có sự hỗ trợ của Nhà nước để phục vụ các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người thu nhập thấp có khó khăn nhưng không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường.
Song, đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng, Dự thảo luật chưa làm rõ tinh thần của Hiến pháp đã quy định là mọi người dân phải có nhà ở hợp pháp. Chính vì vậy Luật này phải tạo được cơ chế chính sách để người dân có nhà ở, chỗ ở.
Quan điểm của Ban soạn thảo vẫn nghiêng về xu hướng là bao cấp về nhà ở, trong khi các chính sách cho phát triển nhà thương mại hiện nay đang bộc lộ rất nhiều bất cập. Trong lúc này, cần thể hiện rõ quan điểm Nhà nước là tạo điều kiện cho người dân có nhà ở bằng các chính sách như hỗ trợ phát triển nhà ở nông thôn, cho các đối tượng chính sách… còn nhà thương mại phải theo cơ chế thị trường. NĐT tham gia kinh doanh thì phải chấp nhận lãi lỗ. Nhà nước không nên can thiệp vào thị trường mà phải làm quy hoạch, kế hoạch, chính sách và quản lý theo chương trình này”, ông Minh kiến nghị.
Liên quan đến thời điểm chuyển sở hữu nhà ở (Điều 14), Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, đa số ý kiến đề nghị gộp 2 phương án nêu trong Tờ trình vào 1 phương án để quy định rõ hơn về thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với 4 trường hợp, cụ thể: (1) trường hợp mua bán giữa cá nhân với cá nhân và trường hợp thuê mua thì kể từ thời điểm bên mua, bên thuê mua thanh toán đủ tiền cho bên bán, bên cho thuê mua; (2) trường hợp tặng cho, đổi thì kể từ thời điểm nhận tặng cho, nhận đổi nhà ở; (3) trường hợp doanh nghiệp bán nhà ở cho khách hàng thì kể từ thời điểm bên mua nhận bàn giao; (4) trường hợp thừa kế thì kể từ thời điểm mở thừa kế theo quy định của pháp luật dân sự.
Không đồng tình với quan điểm này, đại diện Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, thời điểm chuyển quyền sở hữu là vấn đề hệ trọng vì liên quan trực tiếp đến quyền sở hữu của chủ sở hữu nhà. Luật Đất đai đã quy định, việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính và việc chuyển quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Một số đại biểu cũng đề nghị thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà phải đảm bảo thống nhất theo quy định về các quyền của công dân, tránh tình trạng giống như xe chính chủ. Nhà chưa chính chủ, mua bán trao tay làm lộn xộn thị trường. “Giao tiền cho ông xong tôi có quyền chuyển nhượng là không được. Phải thực hiện đúng nguyên tắc, phải đăng ký hoặc phải có giấy chứng nhận đàng hoàng mới được giao quyền”, một đại biểu nói.
Dương Công Chiến