Đừng để người Việt phải ăn gạo ngoại
Muốn làm được như vậy phải thay đổi tư duy sản xuất lúa gạo. Thanh Niên đã phỏng vấn TS Nguyễn Quốc Vọng (ảnh), làm việc tại Bộ Nông nghiệp bang New South Wales (Úc), xung quanh vấn đề trên.
Trở lại với lúa mùa, tại sao không?
* Từng học tập và làm việc nhiều năm tại những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới, ông có góp ý gì cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản VN?
- Trước khi trả lời câu hỏi này tôi muốn hỏi: Xây dựng thương hiệu để làm gì? Mục đích cuối cùng là bán được hàng với giá cao hơn. Một sản phẩm muốn bán được giá cao thì yêu cầu đầu tiên là chất lượng của nó phải tốt. Còn thương hiệu chỉ là yếu tố bổ sung tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.
* Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt. Nhiều người đặt câu hỏi liệu việc này sẽ thành công? Gạo VN có tăng được giá trị trên thị trường quốc tế?
- Tôi cho là không. Vì nhiều người Việt bây giờ đang ăn gạo ngoại: Campuchia, Thái Lan, Nhật, Đài Loan, Mỹ. Chúng ta xuất khẩu rất nhiều gạo nhưng người Việt lại “nhập” gạo về ăn. Hãy tự đặt mình vào vị trí của một người tiêu dùng để suy nghĩ: Ai sẽ chọn sản phẩm của bạn khi mà chính người làm ra nó lại không sử dụng nó. Điều này càng đặc biệt đúng đối với ngành hàng lương thực, thực phẩm.
* Vậy theo ông, làm sao để người Việt quay về với gạo Việt?
- Người Việt chỉ mới chuyển hướng ăn gạo Campuchia gần đây, tôi nghĩ số lượng thực tế chưa nhiều. Người ta chọn gạo Campuchia vì đơn giản là nó tốt hơn. Campuchia sản xuất gạo từ giống lúa mùa. Giống này thời gian sinh trưởng kéo dài đến 6 tháng, nên tích lũy chất dinh dưỡng đầy đủ và chỉ làm một vụ nên ít sâu bệnh, vì vậy cũng ít sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học hơn các giống lúa ngắn ngày. Nếu chúng ta muốn kéo họ quay về với gạo Việt thì cách đơn giản mà hiệu quả nhất là đưa cho họ một sản phẩm ít nhất là tương đương như vậy.
* Nhưng họ hướng đến chất lượng còn chúng ta chạy theo số lượng thì làm sao chúng ta có thể cạnh tranh?
- Bản thân hạt gạo VN có lịch sử phát triển cả ngàn năm, chúng ta không thiếu những giống thơm ngon chất lượng cao. Chỉ là trong mấy chục năm gần đây chúng ta mang nặng tâm lý về số lượng nên các giống lúa chất lượng cao bị mai một, thoái hóa dần. Nếu gạo ngắn ngày của chúng ta cho năng suất cao mà người dân không thèm ăn, xuất khẩu không được thì tại sao chúng ta không nghĩ đến chuyện quay trở lại sản xuất lúa mùa, phục tráng các giống cũ, lai tạo giống mới để phục vụ người dân VN.
Lúa mùa năng suất 12 tấn/ha
* Lý thuyết là vậy nhưng làm sao thực hiện được khi VN phải lo an ninh lương thực cho 90 triệu dân. Trong khi lúa mùa năng suất thấp, rồi tâm lý thích sản xuất giống ngắn ngày của nông dân...?
- Quả thật lo cái ăn cho 90 hay 100 triệu người là việc rất hệ trọng và cần phải cân nhắc thận trọng. Tuy nhiên, khi xã hội càng phát triển thì cơ cấu bữa ăn hằng ngày của người dân thay đổi rất nhanh. Theo đó, tỷ lệ tinh bột cụ thể là cơm (gạo) sẽ giảm và thịt, cá, rau cải sẽ tăng. Dân số có tăng thì nhu cầu thực phẩm còn lớn hơn lương thực nhiều.
* Vấn đề thứ hai, mỗi năm chúng ta xuất khẩu 6 - 7 triệu tấn gạo tương đương 10 triệu tấn lúa (chưa kể tiểu ngạch). Rõ ràng đây là lượng gạo dư thừa mà dân trong nước tiêu thụ không hết. Phần lớn gạo hiện nay xuất khẩu qua Trung Quốc rồi chúng ta lại nhập phân bón, thuốc trừ sâu của họ về để sản xuất lúa gạo. Lúa gạo làm ra lại bán cho Trung Quốc. Trong cái vòng luẩn quẩn đó bao nhiêu năm nay nông dân VN có thoát nghèo được không hay ngày càng khó khăn hơn?
- Vấn đề thứ ba, chúng ta thích sản xuất lúa ngắn ngày vì năng suất cao 6 - 7 tấn/ha trong khi lúa mùa chỉ có 3,5 - 4 tấn/ha. Tôi khẳng định, lúa mùa vẫn có thể cho năng suất cao. Ở Úc người ta đang làm lúa mùa cho năng suất trung bình lên đến 12 tấn/ha (năng suất quy gạo đến 10 tấn/ha), thậm chí có hộ còn đạt năng suất lúa 15 - 16 tấn/ha.
Năng suất lúa ở Úc cao như vậy vì họ chỉ làm một vụ trong năm, thời gian còn lại họ trồng hoa màu, ngũ cốc xen canh. Xuất khẩu rau quả của VN đang phát triển rất tốt. Tổng giao dịch thương mại trên thị trường này năm 2014 trên 200 tỉ USD và đến năm 2020 gần 320 tỉ USD. Nông dân VN có thể dùng thời gian còn lại để trồng hoa màu phục vụ cho chế biến xuất khẩu.
Nguồn Thanh niên