Khối nghiên cứu Ngân hàng HSBC hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam xuống 6,1% từ mức 6,6% trước đó. Ảnh: TL
Đứng dậy sau cú sốc
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,64%, thấp hơn so với mức dự báo 5,8% được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra. Tại báo cáo nhận định kinh tế vĩ mô Việt Nam, khối nghiên cứu Ngân hàng HSBC hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam xuống 6,1% từ mức 6,6% trước đó.
Lý giải cho điều này, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn HSBC Việt Nam cho rằng, một làn sóng COVID-19 mới đang tiếp tục càn quét các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Kể từ cuối tháng 4, Việt Nam phải đối mặt với đợt dịch bùng phát tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Số ca nhiễm tăng nhanh, đặc biệt ở các khu công nghiệp, gây nhiều trở ngại đến hoạt động sản xuất.
Vì vậy, theo Tiến sĩ Nguyên Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, “chắc chắn kết quả tăng trưởng nửa cuối năm sẽ xấu hơn kết quả 6 tháng đầu năm”. Động lực duy nhất mà chúng ta có được năm nay là sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo để xuất khẩu.
Với việc khu vực dịch vụ chiếm tới hơn 40% GDP trong nửa đầu năm, sự giảm sút của khu vực này sẽ tác động đáng kể đến tăng trưởng GDP trong nửa cuối năm 2021. “Dẫu đà phục hồi hiện hữu nhưng việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức 6,5% vẫn là thách thức rất lớn. Giai đoạn này cần chủ động chống chọi với những cú sốc kinh tế chứ không phải tránh chúng”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định. Theo đó, CIEM đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2021 lần lượt với các mức dự báo 5,9% và 6,2%.
Sau thời gian chạy đua với mục tiêu kép vừa giữ tăng trưởng vừa chống dịch bệnh, có lẽ các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận lại các mục tiêu sát thực tế hơn, khi nhiều địa phương đang căng mình khống chế COVID-19, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ tạm thời không cần nhìn vào những chỉ số ngắn hạn, mà cần có tầm nhìn xa hơn để đưa ra các phương án dài hạn hơn.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nhiều định chế tài chính lớn đã hạ dự báo tăng trưởng ở một số quốc gia khu vực ASEAN do diễn biến phức tạp của dịch bệnh với biến chủng mới. Trung Quốc, quốc gia phục hồi mạnh mẽ nhất trong nửa đầu năm 2021 trong khu vực châu Á, cũng cho thấy nhiều dấu hiệu chững lại trong khoảng vài ngày gần đây. Trái lại, một số đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu... lại có triển vọng tăng trưởng tích cực nhờ các chương trình tiêm chủng có độ phủ rộng.
“Nếu không nhanh chân, tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm hơn so với các nước trong khu vực và không nắm bắt được cơ hội từ sự phục hồi nhanh chóng của các đối tác lớn”, ông Võ Trí Thành cho biết.
Thực tế, theo CIEM, tốc độ tăng trưởng GDP tiềm năng suy giảm quý thứ 14 liên tiếp và thấp hơn đáng kể nếu so với mức tăng trưởng thực tế. Điều này cho thấy những nỗ lực để giải quyết “vấn đề mang tính cơ cấu” của nền kinh tế vẫn chậm được cải thiện kể từ năm 2014 tới nay. Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng tư duy về nâng cao mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh mới cần phải thay đổi. Do đó, phục hồi kinh tế phải gắn với cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách doanh nghiệp, cải cách đầu tư...
Việt Nam phải thúc đẩy một cuộc cải cách mới để sẵn sàng nền tảng phát triển cao và bền vững cho nền kinh tế trong 5-10 năm tới. |
Cùng với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, kinh tế tiếp tục chịu áp lực từ lạm phát và sự tăng giá nguyên nhiên liệu đầu vào. Tuy nhiên, dù nguồn lực hạn hẹp nhưng Việt Nam còn dư địa tốt để triển khai bởi dự trữ ngoại tệ ở mức cao, thâm hụt ngân sách và nợ công trong tầm kiểm soát... Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, nhiều nền kinh tế trên thế giới đã tận dụng cuộc khủng hoảng COVID-19 để thúc đẩy nhiều cải cách nhằm tạo cơ sở cải thiện bền vững, lâu dài môi trường kinh doanh thông qua công nghệ, vốn.
Vì vậy, Việt Nam phải thúc đẩy một cuộc cải cách mới để sẵn sàng nền tảng phát triển cao và bền vững cho nền kinh tế trong 5-10 năm tới. Nếu những cải cách thể chế và chuyển đổi số được thực hiện, Việt Nam không chỉ vượt qua khủng hoảng, tăng sức chống chịu của nền kinh tế, mà còn có thể bứt phá, thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế khác.