Sơn Phạm
Đừng bắt chước Trung Quốc, hãy sáng tạo!
Gần 5 năm trước, Yekutiel Sherman đã rất hồ hởi khi ra mắt Stikbox trên trang Kickstarter. Để tạo được chiếc ốp lưng thông minh, có thể kéo dài ra thành gậy selfie, người đàn ông Israel này cần mẫn cả năm cho thiết kế sản phẩm và tạo một video quảng cáo đầy ấn tượng.
Nhưng chỉ sau một tuần công bố, Sherman thực sự choáng váng khi biết sản phẩm giống hệt thiết kế của anh được bán đầy trên trang AliExpress, với giá chỉ bằng 1/4-1/5 giá anh định bán.
3 thập niên hàng nhái
Sherman chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân của tình trạng sao chép tràn lan khắp Trung Quốc. Hơn 30 năm qua, kể từ sau khi Trung Quốc mở cửa (năm 1978), không quốc gia nào vượt được Trung Quốc về khả năng sao chép, sản xuất hàng nhái. Gần như những sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Nokia, Samsung, Apple... (công nghệ, đồ điện tử), Dolce & Gabbana, Louis Vuitton, Prada, Gucci, Hermes, Burberry, Chanel, Ikea... (thời trang), 7 Eleven (bán lẻ), Starbucks, Burger King, McDonald’s (thực phẩm), Honda (xe)... đều được Trung Quốc bắt chước y như thật hoặc chỉ thay đổi đôi chút.
Ngành công nghiệp hàng nhái Trung Quốc đã gây ra ác mộng cho các đơn vị chính hãng. Theo Business Software Alliance (BSA), chỉ trong năm 2005, các công ty phần mềm đã bị mất khoảng 3,9 tỉ USD tại Trung Quốc. Nhiều vụ kiện tụng đã xảy ra. Chẳng hạn, Apple từng kiện Amazon khi có đến 90% số sạc điện thoại cho iPhone được bày bán trên Amazon là hàng giả. Về phần Sherman, anh từng có ý định đưa vụ việc lên tòa án. Tuy nhiên, ngay cả khi chưa bắt đầu khởi kiện, chỉ riêng việc lần theo dấu vết các nhà máy sao chép sản phẩm đã khiến anh mất 20% thời gian. “Đôi khi bạn phải lần theo 2-3 công ty thương mại để tìm ra được ai đang sao chép và mất nhiều ngày chỉ để tìm ra vị trí của 1 nhà máy”. Tổ chức Zhu đúc kết rằng: “Chiến thắng 1 nhà máy trong vụ kiện không khó. Nhưng việc theo kiện mọi nhà máy và chiến thắng họ tốn kém nhiều thời gian và tiền bạc”.
Thực tế, với kinh nghiệm của một quốc gia từng là công xưởng sản xuất thế giới, lại xem sao chép, chia sẻ kiến thức sản xuất như một điều rất bình thường, chính quyền cũng chưa mạnh tay với các hành vi vi phạm, nên nhiều năm qua, hàng trăm cơ sở vì lợi nhuận đã không ngần ngại sao chép, làm nhái những sản phẩm mà họ dự đoán có thể tạo ra cơn sốt trên thị trường. Báo cáo của GIPC thuộc Phòng Thương mại Mỹ (USCC) chỉ ra, khoảng 86% số hàng nhái trên thế giới hiện có xuất xứ từ Trung Quốc. Mỗi năm, ngành công nghiệp hàng nhái đã đem về cho nước này hàng trăm tỉ USD, như năm 2016 là xấp xỉ 400 tỉ USD.
Gió đã đổi chiều
Tuy nhiên, với hơn 20 năm có mặt và ghi nhận sự chuyển động của thị trường nơi đây, trong cuốn sách của mình, chuyên gia Shaun Rein tin rằng, thời đại hàng nhái Trung Quốc sắp chấm dứt. Bằng chứng là lao động giá rẻ của Trung Quốc đã không còn rẻ. Các chi phí khác và thuế cũng không còn là lợi thế và đã vắt kiệt lợi nhuận biên, đẩy hàng ngàn công ty Trung Quốc vào chỗ phá sản hoặc thua lỗ. Còn các công ty sản xuất nước ngoài, như K’nex phải quyết định chuyển sản xuất về lại Mỹ. Một số doanh nghiệp nước ngoài khác tìm đường sang các quốc gia có chi phí nhân công rẻ hơn như Sri Lanka, Indonesia, Campuchia.
Trung Quốc cũng vừa đi qua chính sách một con, khiến lực lượng lao động mới không đủ bù đắp lớp người đến tuổi nghỉ hưu. Bản thân người trẻ Trung Quốc hiện khao khát làm giàu, từ chối tham gia vào các công việc nặng nhọc, sử dụng chân tay. Họ có xu hướng hưởng thụ nhiều hơn. Theo China Market Research Group (CMR), sau chặng đường tăng trưởng nóng, tầng lớp nhà giàu và trung lưu xuất hiện đông đảo, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia tiêu thụ hàng hiệu lớn thứ 2 thế giới. Trung Quốc cũng là nhóm du lịch chi tiêu nhiều nhất ở Mỹ, Pháp…
Tình trạng ô nhiễm môi trường và nạn hàng giả, hàng nhái khiến người tiêu dùng Trung Quốc chuyển hướng chú ý đến các sản phẩm chất lượng, uy tín, từ những quốc gia đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cao. Trung Quốc trở thành đối tác lớn thứ 2 của Mỹ, chỉ sau Canada và chiếm gần 30% các giao dịch thương mại với Liên minh châu Âu. Xu hướng này, từ 3-4 năm trước được ông Shaun Rein nhìn thấy và không ngừng kêu gọi “đã đến lúc phải bán hàng vào Trung Quốc”.
Mặt khác, để phù hợp thị hiếu và muốn có những sản phẩm riêng biệt, Trung Quốc đã thi hành nhiều quy định mới, nhằm chuyển dịch mô hình kinh tế Trung Quốc từ bắt chước Mỹ, châu Âu sang hướng sáng tạo, tập trung đầu tư vào giá trị. Alibaba, Tencent, Lenovo và nhiều công ty khác của Trung Quốc đã chi ra hàng tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Điển hình năm 2013, Huawei đã đầu tư 5 tỉ USD vào R&D so với con số 4,9 tỉ USD của Ericsson. Kết quả là Huawei đã chiếm được thị phần từ tay Ericsson và Cisco.
Việt Nam học được gì?
Trong mắt MacCormack, từng làm cho hãng đầu tư mạo hiểm Kleiner Perkins Caufield Byers tại Thung lũng Silicon và đã lập công ty riêng ở Trung Quốc thì việc Trung Quốc học theo các mô hình kinh doanh của những quốc gia khác và địa phương hóa chúng đã đem lại những cơ hội tuyệt vời. “Tại sao phải buộc mình leo lên những cành cao hơn trong khi phía dưới có đầy trái chín ngon ngọt ngay trước mắt?”, ông MacCormack lý giải. Điều tương tự đã xảy ra ở Nhật, Hàn Quốc giai đoạn 1960-1990. Thậm chí Mỹ cũng đã sao chép công nghệ châu Âu đến cuối thế kỷ XIX, trước khi có những đổi mới sáng tạo của riêng mình.
Nhưng ông Shaun Rein đánh giá, thời kỳ dễ chịu đó đã kết thúc. Cạnh tranh khốc liệt, môi trường vĩ mô khó khăn hơn và thay đổi xu hướng tiêu dùng đã buộc các công ty Trung Quốc phải chuyển dịch, đổi mới sáng tạo, tiến đến các chuỗi giá trị.
Điển hình cho đổi mới sáng tạo ở Trung Quốc là Tudou với ý tưởng chia sẻ video trực tuyến trước cả YouTube, là Xiaomi hội tụ phần cứng, phần mềm và các dịch vụ để trở thành một công ty phát triển trên nền tảng internet di động. Hay Alibaba tuy sao chép mô hình của Amazon, eBay nhưng qua thiết lập Taobao, cổng thanh toán Alipay, ra mắt Tmall mà đã khác biệt. Đối với WeChat của Tencent, từ chỗ dựa vào ứng dụng chat gọi của WhatsApp, đã sáng tạo hơn nhờ tích hợp thêm nhiều ứng dụng, thanh toán, mua bán hàng online hay cho phép tự động gợi ý kết bạn từ danh bạ, tạo không gian chia sẻ, tạo riêng tư, thân mật, an toàn...
“Một vài đối thủ từ Trung Quốc đã đạt mức độ sáng tạo ngang bằng với các công ty đa quốc gia”, 2/3 phản hồi từ khảo sát của Booz & Company, tiến hành năm 2013 đã nhận định như vậy.
Việt Nam với nhiều nét tương đồng Trung Quốc về lao động, thị trường, văn hóa tiêu dùng, cơ hội đầu tư, cạnh tranh... cũng đang đứng trước áp lực phải đổi mới sáng tạo. Nhưng trong khi Trung Quốc nhận được hậu thuẫn và thuận lợi nhờ từng đi qua giai đoạn kinh tế bắt chước, được Nhà nước bảo hộ hàng nội địa, ưu đãi vốn đầu tư thì Việt Nam vẫn đang loay hoay. Theo ông Shaun Rein, Việt Nam cần khoảng 15 năm cho những hoạt động đi tắt đón đầu, đẩy mạnh vào công nghệ di động, cạnh tranh về giá trước, bắt chước học hỏi mô hình của Mỹ. Sau đó, Việt Nam phải tự động hóa, cạnh tranh bằng đổi mới sáng tạo.
Nói như ông Hứa Tiểu Niên, Giáo sư Kinh tế tài chính tại Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc - châu Âu, tăng trưởng kinh tế không dựa vào nhu cầu thị trường mà dựa vào việc tạo ra giá trị. Muốn tạo ra sản phẩm giá trị độc đáo, các doanh nhân cần thoát khỏi cách tư duy cơ hội và thiết lập thế giới nội tâm của riêng mình. “Chỉ trong thế giới nội tâm, bạn mới có thể đổi mới và tạo ra giá trị. Lợi nhuận là kết quả tự nhiên của việc tạo ra giá trị”, ông Hứa Tiểu Niên nhấn mạnh.
Ngọc Thủy