Đức sẽ rút 674 tấn vàng dự trữ về nước
Đức nắm giữ gần 3.400 tấn vàng, là nước có dự trữ vàng lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Dự trữ vàng này trị giá 177 tỷ USD tính đến cuối tháng 12, Bundesbank cho biết. Đức đã phải di dời số vàng khổng lồ này sang gửi tại nước ngoài vào thời kỳ Chiến tranh lạnh để tránh mất mát trong trường hợp Tây Đức bị Xô Viết tấn công.
Ước tính, khoảng 66% dự trữ vàng của Đức được gửi tại Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ ở New York, 21% gửi tại Ngân hàng trung ương Anh (BOE) và 8% gửi tại Ngân hàng trung ương Pháp.
Tuy nhiên vào cuối năm ngoái, một chiến dịch mang tên "Bring Back our Gold" của nhóm công dân Đức kêu gọi đưa số vàng dự trữ khổng lồ của nước này hồi hương đã khiến Bundesbank phải xem xét vấn đề này. Người dân Đức cho rằng các con số được công bố là không đáng tin và cáo buộc các ngân hàng trung ương đã đem cho vay hoặc bán đi số vàng này.
Thông tin Đức muốn đưa vàng về nước có thể gây hoang mang. Bill Gross, giám đốc điều hành PIMCO phát biểu trên tài khoản Twitter của mình: "Đức muốn mang vàng gửi từ New York và Paris về Frankfurt. Các ngân hàng trung ương không tin tưởng lẫn nhau?"
Ric Spooner, giám đốc phân tích thị trường tại CMC Market trụ sở tại Sydney nói với CNBC: "Động thái của họ có thể hiện sự thiếu tin tưởng ở Fed hay không là một điểm gây tranh cãi, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng đây có thể là sự thật bởi tại Mỹ đang thực sự tiềm tàng một cuộc khủng hoảng nợ công, vì thế người Đức có thể an tâm hơn nếu mang tài sản của họ về nhà".
Tâm điểm lo ngại tại Mỹ hiện nay là việc nợ công nước này sẽ chạm trần vào cuối tháng 2. Và nước này đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ nếu quốc hội Mỹ không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ.
"Lý do Bundesbank cho hồi hương vàng dự trữ là để củng cố lòng tin của người dân Đức về sự vững chắc của ngân hàng này", chiến lược gia tiền tệ Sebastien Galy của Societe Generale cho biết. "Ngay lúc này, hệ thống tiền tệ toàn cầu đang có dấu hiệu bị phá vỡ, lòng tin đang đi xuống và toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu đang cơ bản trở thành hệ thống tài chính từng quốc gia, nơi chia ra khu vực đồng euro, khu vực đồng USD và khu vực đồng yên", ông cho biết.
Dominic Schnider, chủ tịch mảng nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại UBS Wealth Management cho biết: "Giữ vàng tại các trung tâm tài chính chủ chốt như New York, London, Paris là điều hợp lý và có thể tiếp cận dễ dàng hơn với ngoại tệ như USD. Mặt khác, việc in tiền là rất dễ dàng nên chúng ta không cần phải dùng vàng làm thế chấp nữa."
"Tuy nhiên, giữ vàng tại chính quốc không phải là một ý tưởng tồi trong bối cảnh bảng cân đối kế toán ngân hàng trung ương đang phình to lên", Schnider cho biết.
"Đối với thị trường vàng, sẽ không có gì thay đổi về tổng cung và tổng cầu. Bundesbank là chủ sở hữu của số vàng này bất kể nó được cất giữ ở đâu", chuyên gia Spooner cho biết.
Nguồn CNBC/Khampha