Đức Long Gia Lai: "Nặng nợ" đa ngành
Những ngày gần đây, sự kiện Tập đoàn Đức Long Gia Lai sở hữu công ty sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử Mass Noble có trụ sở tại Hồng Kông từ quý II/2015 đã thu hút nhiều sự chú ý. Bởi lẽ, đây không chỉ là một trong số ít thương vụ liên quan đến công ty trong nước mua doanh nghiệp nước ngoài. Đó còn là câu chuyện của một doanh nhân từng “bị cuốn hút bởi nguồn tài nguyên rừng dồi dào” khi bước chân đến Gia Lai và “quyết tâm xây dựng doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh gỗ, các sản phẩm từ gỗ”, nhưng nay lại chuyển sang lĩnh vực linh kiện điện tử.
Câu chuyện chuyển hướng kinh doanh này cũng đã từng được nhiều doanh nghiệp trong nước thực hiện, trong đó có “đồng hương” Hoàng Anh Gia Lai. Cũng đi lên nhờ gỗ rồi đến bất động sản, bầu Đức, ông chủ tập đoàn này, đã nhanh chân nhảy sang lĩnh vực nông nghiệp với cây mía, cao su, bò sữa, bò thịt... và đã đạt được những kết quả nhất định.
Nối gót Hoàng Anh Gia Lai, trong buổi ra quân đầu năm 2015, Chủ tịch Bùi Pháp của Đức Long Gia Lai từng khẳng định “sẽ kiên định tập trung 4 lĩnh vực trọng điểm nhất: cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, năng lượng và linh kiện điện tử. Đồng thời, Tập đoàn cũng sẽ thoái vốn ở các ngành nghề truyền thống để tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực mới.”
Kinh doanh gỗ: khép lại lịch sử
Trong các ngành nghề truyền thống bị thoái vốn, đáng kể nhất là lĩnh vực kinh doanh gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Theo đó, Tập đoàn chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Công ty Chế biến gỗ Đức Long Gia Lai (vốn điều lệ 35 tỉ đồng) cho Bamboo Capital và chính thức không còn là “mẹ” của công ty này kể từ quý II/2015.
Ngành khai thác và chế biến gỗ vốn là mảng chiếm tỉ trọng chủ yếu trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của Đức Long Gia Lai những năm mới phát triển. Thậm chí, khi đã trở thành tập đoàn đa ngành với nhiều lĩnh vực được bổ sung thêm như bất động sản, thủy điện, khai thác đá, dịch vụ bến xe... thì doanh thu từ gỗ và sản phẩm gỗ vẫn chiếm 35% trong 5 năm trở lại đây.
Đức Long Gia Lai là công ty lớn trong ngành chế biến gỗ, cung cấp cả hàng nội thất lẫn đồ gỗ ngoại thất với chất liệu khá đa dạng như gỗ rái ngựa, song mã, sếu đỏ, trám hồng, xoan, bạch đàn, tràm, dầu... Các sản phẩm của Công ty được phân phối trong và ngoài nước và có mặt ở cả những thị trường khó tính như châu Âu, Nhật, Mỹ...
Tuy nhiên, mọi việc có vẻ như không còn xuôi chèo mát mái với chàng thanh niên nghèo quê Bình Định khai phá vùng đất hứa Gia Lai ngày nào. Chính sách đóng cửa rừng của Chính phủ ngày càng thắt chặt là nguyên nhân chính khiến Đức Long Gia Lai gặp khó về nguồn nguyên liệu, theo báo cáo thường niên các năm gần đây.
Trong khi đó, các thị trường như châu Âu, Mỹ, Úc... lại tiếp tục thắt chặt kiểm soát nguồn gốc gỗ nhập khẩu khiến cho việc xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành trở nên khó khăn hơn. Thông tin từ Tập đoàn còn cho thấy “vị trí nhà máy sản xuất gỗ của Công ty tại Gia Lai rất xa cảng và thị trường phụ liệu, phụ kiện”, làm tăng thêm chi phí trong bối cảnh thị trường gỗ đang gay go.
Thực ra, tình hình của Đức Long Gia Lai vẫn khả quan hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành. Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), họ đã phải loại ra 78 hội viên vì nhiều lý do như không liên lạc được hoặc ngừng hoạt động, khó khăn nên không hoàn thành nghĩa vụ của thành viên... Rõ ràng, các doanh nghiệp ngành gỗ đang gặp vấn đề nghiêm trọng.
Từ những thông tin trên, có thể hiểu được vì sao Hoàng Anh Gia Lai và Đức Long Gia Lai đều quyết định lấn sân sang lĩnh vực khác. Thế nhưng, trong khi ông bầu bóng đá Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai chỉ tập trung nguồn lực vào nông nghiệp thì ông bầu bóng chuyền Bùi Pháp lại quyết tâm theo đuổi khá nhiều ngành nghề. Liệu giấc mơ tập đoàn đa ngành đứng đầu khu vực đến năm 2020 của người đàn ông mê bóng chuyền này có trở thành hiện thực?
Ông Bùi Pháp, Chủ tịch Đức Long Gia Lai |
Giấc mơ đa ngành
Trước áp lực kết quả kinh doanh nhiều năm không mấy khả quan, ông Bùi Pháp đã tiến hành tái cấu trúc Tập đoàn từ năm 2014. Theo đó, Tập đoàn định hướng tập trung 3 ngành mũi nhọn là nông nghiệp, năng lượng và hạ tầng. Ngành sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử vừa được bổ sung vào lĩnh vực chiến lược của Tập đoàn từ năm 2015.
Một năm sau tái cấu trúc, Đức Long Gia Lai đã đạt được những kết quả ban đầu trong ngành nông nghiệp, chủ yếu từ trồng bắp. Báo cáo thường niên 2014 cho thấy mảng nông nghiệp đã đem lại doanh thu hơn 60 tỉ đồng (chiếm 6% tổng doanh thu) nhưng góp hơn 42 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế (chiếm 80% tổng lợi nhuận).
Trả lời cho lý do tại sao đến với nông nghiệp, ông Bùi Pháp từng cho biết nông nghiệp là lĩnh vực được Nhà nước hỗ trợ nhiều; thị trường cây nông nghiệp ngắn ngày còn rất tiềm năng khi Việt Nam phải nhập khẩu 3 tỉ USD nguyên liệu bắp, đậu tương, bột cá... hằng năm. Không những vậy, Tập đoàn còn có lợi thế về quỹ đất rộng lớn, có kinh nghiệm trong việc trồng và chế biến cây nông nghiệp. Chi phí đầu tư thấp hơn cao su và thu hồi vốn nhanh hơn cũng là lý do Tập đoàn chọn thay đổi từ cây lâu năm sang cây ngắn ngày.
Ngoài trồng cây ngắn ngày, ông Bùi Pháp còn đặt tham vọng lấn sân sang chăn nuôi bò sữa và bò thịt. Dự kiến quy mô của dự án lên đến 80.000 con bò sữa, 45.000 con bò thịt với tổng vốn đầu tư 11.000 tỉ đồng. Bò sữa sẽ được nhập từ Úc, Mỹ và một phần mua trong nước, cụ thể là từ Vinamilk. Vinamilk cũng là đơn vị hỗ trợ tư vấn về chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi và vận hành dự án cho các trang trại của Đức Long Gia Lai, dự kiến đặt tại Đắk Nông, Đắk Lắk. Doanh nghiệp này cũng bao tiêu toàn bộ sản phẩm sữa của Đức Long Gia Lai. Ông Bùi Pháp từng cho biết sẽ triển khai nuôi 20.000 con bò thịt trong quý I/2015 và 40.000 bò sữa vào quý II/2015.
NCĐT đã liên hệ với Đức Long Gia Lai về tiến độ của dự án nhưng chưa nhận được hồi âm. Tuy nhiên, theo thông tin tìm hiểu, đến nay đàn bò của Đức Long Gia Lai vẫn chưa về trang trại. Như vậy, doanh thu và lợi nhuận trong năm 2015 từ mảng nông nghiệp có lẽ vẫn đến từ trồng cây ngắn ngày.
Ngoài nông nghiệp, ngành chiến lược mũi nhọn khác cũng sắp đem lại doanh thu cho Đức Long Gia Lai là xây dựng các dự án hạ tầng theo hình thức BOT hoặc BT. Công ty tham gia vào các dự án lớn tại khu vực Tây Nguyên, trên các tuyến đường nối các tỉnh này với TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Sau khi xây dựng xong, các công ty con của Tập đoàn sẽ được thu phí trong vài chục năm, giúp có doanh thu ổn định. Trong các báo cáo thường niên, Đức Long Gia Lai cũng đánh giá họ là doanh nghiệp hàng đầu trong mảng này. Nếu vậy, họ sẽ có lợi thế lớn trong các dự án hạ tầng tại Việt Nam, khi Nhà nước đang mở rộng xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, trên thực tế, Đức Long Gia Lai vẫn phải cạnh tranh với không ít doanh nghiệp nhà nước (vốn thường trúng thầu xây dựng hạ tầng) cũng như các ông lớn trong ngành như Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM, Công ty Xây dựng Tuấn Lộc... Trong khi đó, những phản ánh từ Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Nông mới đây cho thấy tập đoàn này là đơn vị thi công chậm tiến độ và chất lượng chưa đảm bảo nhất trong số các nhà thầu đang làm tại dự án nâng cấp quốc lộ 14 qua Đắk Nông. Sau khi được nhắc nhở, đích thân ông Bùi Pháp đã chỉ đạo thay nhà thầu phụ không đạt chuẩn và tăng cường thêm hệ thống máy móc nhằm theo kịp tiến độ chung.
Dường như Đức Long Gia Lai quá ôm đồm với giấc mơ đa ngành, khiến cho nguồn lực bị phân tán. Tập đoàn sử dụng đến 85% nguồn vốn từ ngân hàng cho các dự án hạ tầng và đang phải huy động thêm vốn (tăng vốn gấp đôi trong năm 2014, dự kiến tăng tiếp thêm 2,4 lần lên hơn 3.500 tỉ đồng) để phục vụ cho dự án như nông nghiệp và cơ cấu nợ... Nhưng đồng thời, Tập đoàn vẫn muốn trở thành doanh nghiệp hàng đầu về năng lượng (gồm thủy điện và năng lượng sạch), một lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn.
Về năng lượng sạch, Đức Long Gia Lai ký kết dự án 150 triệu USD với tập đoàn hàng đầu về điện gió Merica của Đức và dự kiến triển khai trong năm 2015 này. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thông tin gì mới. Đó là chưa kể điện gió có chi phí đầu tư lớn, trong khi giá bán thấp và phụ thuộc hoàn toàn vào cơ chế mua điện độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nên rất khó có lợi nhuận cao. Các dự án điện gió hiện tại phần lớn nhận được tài trợ từ nước ngoài, trong đó dự án điện gió ở Bạc Liêu do Mỹ tài trợ hoàn toàn.
Trong khi đó, thủy điện là một thất bại lớn với Đức Long Gia Lai trong những năm qua. Tập đoàn từng công bố là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn như Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, Thủy điện Sông Sen, Thủy điện Mỹ Lý (Nghệ An)... và cả những dự án nhỏ hơn như Krongpa, Dakspay (Gia Lai)... nhưng tất cả đều bị hủy hoặc đang tạm dừng. Đáng chú ý nhất là 2 dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, dự án thủy điện Dakspay đã bị loại trừ do được cho là ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái (vì nằm ngay cạnh vườn quốc gia và khu rừng nguyên sinh).
Trong khi Đồng Nai phản đối dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A từ đầu thì dự án Dakspay đã từng được cho đầu tư nhưng vì chủ thầu chậm thi công nên thu hồi. Mãi đến 3 năm sau lãnh đạo Gia Lai mới nhận ra nếu dự án này được thi công với công suất 3MW, sẽ mất vài chục ha rừng quý hiếm!
Thuyết minh báo cáo tài chính của Đức Long Gia Lai cho thấy doanh nghiệp này chỉ thu được vài tỉ đồng từ điện và mới có dự án Tà Nu (Lâm Đồng) hoạt động. Thế nhưng, Đức Long Gia Lai vẫn tiếp tục coi năng lượng, trong đó có thủy điện, là một lĩnh vực mũi nhọn.
Câu chuyện đa ngành của Đức Long Gia Lai không chỉ dừng lại ở trên, mà còn tiếp tục lấn sân sang linh kiện điện tử, được cho là lĩnh vực “khó nuốt”. Sau khi phát hành thêm để hoán đổi cổ phiếu (không phải dùng tiền mặt), Tập đoàn đã sở hữu gần 98% cổ phần tại Mass Noble. Đây là công ty có nhà máy đặt tại Trung Quốc, chuyên sản xuất, gia công các sản phẩm như các loại đèn LED cao cấp dùng cho nội thất, ôtô, đường phố, màn hình LCD...
Dù Mass Noble dự kiến sẽ đem lại khoảng 1.200 tỉ đồng, chiếm gần 50% tổng doanh thu của Tập đoàn trong năm 2015, nhưng việc bước chân vào quá nhiều lĩnh vực mới khiến cho nhiều người lo ngại Đức Long Gia Lai sẽ không thể biến giấc mơ thành hiện thực. Nếu vậy, việc tăng thêm hơn 2.000 tỉ đồng (đã được thông qua tại Đại hội cổ đông 2015) để bổ sung vốn cho các dự án liệu có quá rủi ro với những người góp vốn?
Hoàng Điền