Thứ Sáu | 16/11/2012 21:08

Đức có thể cho hồi hương 150 tấn vàng gửi tại Mỹ

Các chính trị gia Đức tạo áp lực lên chính quyền nước này phải cho hồi hương số vàng dự trữ khổng lồ gửi tại Mỹ trong bối cảnh khủng hoảng nợ.
Các chính trị gia yêu cầu Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) phải kiểm kê và cân lại số vàng này mỗi năm. Tuy nhiên, số vàng gửi tại Mỹ vẫn chưa được kiểm kê lần nào trong suốt 3 thập kỷ qua.

Các chính trị gia Đức lập luận rằng, với viễn cảnh khủng hoảng nợ châu Âu ngày càng xấu đi như hiện nay, người dân Đức cảm thấy lo lắng cho tài sản của mình và muốn chắc chắn rằng số vàng dự trữ của họ được đảm bảo an toàn.

Nỗi lo của người Đức càng trầm trọng hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại New York từ chối cho phép các chính trị gia Đức xem số vàng này do vấn đề an ninh.

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất cho biết, Bundesbank đang xem xét cho hồi hương 150 tấn vàng gửi tại Mỹ để xoa dịu lo ngại của người dân. Số vàng này chỉ chiếm khoảng 10% tổng số vàng khổng lồ mà Đức gửi tại đây.

Đức sở hữu 3.396 tấn vàng, là quốc gia có dự trữ vàng lớn thứ hai thế giới sau Mỹ (8.133 tấn). Tuy nhiên, Đức không tự tích trữ số vàng này mà hầu hết gửi tại các kho vàng khổng lồ ở New York, London và Paris.

Ước tính, khoảng 66% dự trữ vàng của Đức được gửi tại Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ở New York, 21% gửi tại Ngân hàng trung ương Anh (BOE) và 8% gửi tại Ngân hàng trung ương Pháp.

Hầu hết số vàng dự trữ này được Đức xây dựng dưới thời hiệp định Bretton Woods có hiệu lực (từ cuối Chiến tranh Thế giới thứ II đến năm 1971). Dưới hiệp định này, thâm hụt và thặng dư thương mại của của các quốc gia được thanh toán bằng vàng, vì thế các quốc gia thường thặng dư thương mại lớn như Đức đã tích góp được lượng vàng khổng lồ.

Nhiều thập kỷ qua, khoảng 66% số vàng dự trữ khổng lồ của chính phủ Đức với trị giá khoảng 80 tỷ được lưu trữ trong một hầm sâu bên dưới tòa nhà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trên phố Liberty, New York.

Khủng hoảng nợ khu vực đồng euro gây ra các cuộc biểu tình giận dữ ở Hy Lạp, Tây Ban Nha và những nơi khác. Đức hiện chịu áp lực phải giải cứu các nước láng giềng phía nam của mình nhưng nhiều người dân Đức không ủng hộ việc này.

Nguồn Bullion Street/Khampha


Sự kiện