Thứ Tư | 03/12/2014 08:35

Đức cam kết cho Việt Nam vay 100 triệu EUR củng cố lưới điện 110kV

Chính phủ Đức cũng cam kết dành cho Việt Nam tổng cộng 70,5 triệu EUR vốn vay và 8 triệu EUR vốn viện trợ thông qua hiệp định mới ký kết.

Ngày 2/12/2014, tại Hà Nội, được sự cho phép của Chính phủ hai nước, Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức đã Lễ ký kết chính thức Hiệp định hợp tác tài chính năm 2013-2014 giữa hai Chính phủ và Hiệp định vay cho Dự án Hiệu quả năng lượng khu vực thành thị.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung và Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển CHLB Đức, Ông Friedrich Kitschelt đã chủ trì buổi lễ.

Hiệp định hợp tác tài chính năm 2013-2014 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đức nhằm cụ thể hóa các cam kết tài chính của Chính phủ Đức tại các kỳ họp đàm phán, đồng thời tạo khung pháp lý để ký kết và thực hiện các hiệp định tài chính cụ thể cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay phát triển của Đức. Với Hiệp định này, Chính phủ Đức cam kết dành cho Việt Nam tổng cộng 70,5 triệu EUR vốn vay và 8 triệu EUR vốn viện trợ.

Theo Hiệp định vay cho Dự án Hiệu quả năng lượng khu vực thành thị, Chính phủ Đức thông qua KfW cam kết tài trợ cho Việt Nam 100 triệu EUR theo điều kiện vay phát triển, nhằm mục tiêu xây dựng và củng cố lưới điện 110kV; cải tạo, nâng cấp, mở rộng lưới điện trung và hạ áp nông thôn sau tiếp nhận; giảm tổn thất và nâng cao chất lượng điện năng và tiêu chuẩn an toàn điện tại hai địa bàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Trương Chí Trung khẳng định, với việc ký các Hiệp định trên, Chính phủ Đức tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ hợp tác tài chính phát triển với Chính phủ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, củng cố vị trí là nhà tài trợ song phương lớn thứ ba (sau Nhật Bản và Pháp) cho Việt Nam; KfW tiếp tục khẳng định vai trò là cơ quan quan trọng trong quan hệ hợp tác tài chính phát triển này.

Hiệp định hợp tác tài chính Đức 2013-2014:

Dự thảo Hiệp định hợp tác tài chính và về các hoạt động đặc biệt trong khuôn khổ ngân sách Quỹ Năng lượng và khí hậu 2013/2014 gồm 6 Điều.

Theo dự thảo Hiệp định hợp tác tài chính 2013/2014, phần vốn Chính phủ Đức cam kết dành cho Việt Nam bao gồm: Một khoản vốn vay đến 6,5 triệu Euro để tài trợ cho Chương trình cải cách đào tạo nghề; Một khoản vốn vay đến 13 triệu Euro để tài trợ cho Chương trình phát triển đô thị/nước thải; Một khoản vốn vay đến 6 triệu Euro để tài trợ cho Chương trình tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh; Một khoản vốn viện trợ không hoàn lại đến 8 triệu Euro để tài trợ cho Dự án Bảo vệ và quản lý bền vững hệ sinh thái rừng tại miền Trung Việt Nam;

Một khoản vay đến 45 triệu Euro để tài trợ Dự án Đường dây 500 kV Sơn La – Lai Châu và mở rộng trạm biến áp 500 kV Sơn La. Ngoài ra, Chính phủ Đức cũng chuyển một số vốn đã cam kết từ các năm 2006 đến năm 2012 sang một số các dự án khác hoặc hủy bỏ (đối với dự án Nhà máy Nhiệt định tuabin khí hỗn hợp Ô Môn IV) theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ.

Hiệp định vay KfW cho Dự án Hiệu quả năng lượng khu vực thành thị:

Dự thảo Hiệp định vay KfW cho Dự án Hiệu quả năng lượng khu vực thành thị gồm 13 Điều, 2 Phụ lục (Lịch dự kiến giải ngân, Mẫu ý kiến pháp lý), được thiết kế tương tự Hiệp định vay cho Dự án Đường dây 500 kV Sơn La – Lai Châu và mở rộng trạm biến áp 500 kV Sơn La đã được ký với KfW ngày 17/6/2014.

Các điều kiện tài chính của Hiệp định vay bao gồm: Đồng tiền vay là Euro; Tổng vốn vay 100 triệu Euro; Thời gian vay 12 năm bao gồm 3 năm ân hạn; Lãi suất vay phát triển là các mức lãi suất cố định, đều có cơ sở là chi phí huy động vốn của KfW trên thị trường, trừ đi một phần tương đương mức trợ cấp lãi suất từ Chính phủ Đức. Lãi suất sẽ được xác định và công bố vào ngày ký hiệp định vay.

Phí cam kết: 0,25%/năm trên số vốn chưa rút, bắt đầu tính sau 6 tháng kể từ ngày ký Hiệp định vay cho Dự án hoặc từ ngày giải ngân đầu tiên cho Dự án, tùy theo ngày nào đến trước (điều kiện này – trước đây là 3 tháng – vừa được phía Đức thống nhất theo đề nghị của phía Việt Nam căn cứ vào tiến độ chuẩn bị thực tế của Dự án và vào điều kiện thị trường tại thời điểm hiện tại); Phí quản lý: bằng 0,3% tổng số vốn vay, trả một lần; Lãi phạt chậm trả: lãi suất vay + 2%/ năm.

Nguồn DVO/MOF