Ảnh: doanhnhanviet.net.vn

 
Nguyễn Sơn Thứ Ba | 13/08/2019 14:00

Đưa vốn tư nhân vào truyền tải điện

Vốn của tư nhân là lời giải cho đầu tư cải tạo hệ thống điện lưới hiện hữu.

Hàng loạt dự án điện mặt trời với tổng công suất hàng ngàn megawatt bắt đầu vận hành tại thủ phủ năng lượng Bình Thuận - Ninh Thuận. Nhưng bên cạnh những tác động tích cực khi giải tỏa phần nào cơn khát năng lượng của một nền kinh tế, một vấn đề lớn lại lộ diện: hệ thống đường truyền tải điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện không đủ năng lực để hấp thụ lượng điện khủng bất ngờ xuất hiện chỉ trong thời gian ngắn.

Theo EVN, chỉ riêng 6 tháng năm 2019, có tới gần 90 nhà máy điện mặt trời hòa lưới. Công suất lắp đặt của các nhà máy điện mặt trời lên tới gần 4.500MW. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh khi dự kiến chỉ 850MW điện mặt trời hòa lưới vào năm 2020.

Nhưng nghịch lý là lưu lượng quá lớn khiến cho hệ thống điện lưới hiện tại không đủ sức hấp thụ. Theo ông Đặng Văn Thành, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, khả năng giải tỏa công suất của địa phương này chỉ đáp ứng khoảng 800MW, trong khi hiện nay có khoảng 1.180MW dự án điện gió, điện mặt trời đưa vào vận hành, khiến lưới điện 110kV quá tải. “Bên cạnh đó, hầu hết các danh mục lưới điện truyền tải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh đều dự kiến triển khai sau năm 2020. Việc giải phóng 2.000MW điện năng phát sinh này trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn do đầu tư hạ tầng truyền tải chưa đồng bộ”, ông Thành cho biết.

Dua von tu nhan vao truyen tai dien
 

Để tránh tình trạng quá tải và đảm bảo an toàn truyền tải, mới đây, EVN đã yêu cầu một số nhà máy điện gió và điện mặt trời phải thay nhau phát điện luân phiên, khiến công suất hoạt động chỉ khoảng 70-80% công suất thiết kế. Nhưng đó chỉ là phương án tình huống, còn về lâu dài là không khả khi. Lý do là các chủ đầu tư có thể chịu tổn thất nặng nề khi trước đó, họ đã nỗ lực dốc hàng trăm triệu USD để xây dựng các dự án điện mặt trời trước hạn chót 30.6.2019 nhằm nhận được chính sách ưu đãi về giá.

Yêu cầu các nhà máy điện phải hạn chế phát có thể gây thiệt hại cho chính EVN. Lý do là nền kinh tế vẫn đang thiếu điện, EVN vẫn phải nhập khẩu hàng ngàn megawatt điện từ Trung Quốc mỗi năm và giá điện mặt trời tuy có đắt (2.086 đồng/kWh) nhưng vẫn rẻ hơn giá của nhiệt điện dầu (3.000-5.000 đồng/kWh) mà EVN vận hành trong giờ cao điểm. Đầu tư hạ tầng truyền tải điện là khâu rất tốn kém trong chuỗi giá trị ngành điện, đặc biệt là chi phí giải tỏa mặt bằng, thậm chí có trường hợp các vị trí mốc cột nếu vướng đất rừng tự nhiên từ 1m2 trở lên phải xin ý kiến của Thủ tướng.

Hiện tất cả các dự án truyền tải điện đều được thực hiện bởi EVN. Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh, Quy hoạch điện VII đã đặt ra kế hoạch đầu tư lưới điện rất lớn trong các năm tới. Theo kế hoạch này, giai đoạn 2016-2020 tổng vốn đầu lưới điện là 214.000 tỉ đồng và giai đoạn 2021-2030 là 610.000 tỉ đồng. Tất nhiên, với số vốn đầu tư rất khủng này, một mình EVN khó lòng đáp ứng được áp lực về tài chính.

Dua von tu nhan vao truyen tai dien
 

Để tháo gỡ thách thức và dung hòa lợi ích giữa các bên, theo nguồn tin của NCĐT, EVN đang đề xuất một bước đi mang tính đột phá: cho phép tư nhân tham gia góp vốn để cải thiện hệ thống điện lưới hiện hữu.

Đó là một hướng đi không những giúp giải quyết thách thức về thực trạng quá tải của đường truyền tải điện mà còn mở ra một cơ hội kinh doanh đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp tư nhân bắt đầu tham gia sâu rộng hơn vào khâu phân phối điện năng (tiến tới có thể là bán lẻ trực tiếp cho người dùng cuối). “EVN ủng hộ chủ trương cho nhà đầu tư khác ngoài EVN đầu tư các công trình truyền tải nêu trên. EVN sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ và phối hợp với các nhà đầu tư trong quá trình triển khai đầu tư và quản lý vận hành sau khi hoàn thành”, lãnh đạo EVN chia sẻ.

Dua von tu nhan vao truyen tai dien
 

Theo nguồn tin của NCĐT, Bộ Công Thương đã ngỏ ý ủng hộ sáng kiến mở cửa cho tư nhân tham gia khâu truyền tải điện ngay từ bây giờ, trong đó đề xuất chủ trương đầu tư theo hình thức các chủ dự án điện mặt trời sẽ góp vốn để cùng đầu tư công trình lưới điện truyền tải từ các dự án. Đã có một số doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được lựa chọn thí điểm đầu tư trạm biến áp và hạ tầng truyền tải điện ở Ninh Thuận.

Để mở rộng cửa hơn nữa cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải điện, tiến thêm một bước tiến mới trong đề án tự do hóa ngành điện, Bộ Công Thương đang hoàn thiện cơ chế chính sách đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, trong đó có phương án xã hội hóa đầu tư, phối hợp EVN hướng dẫn nhà đầu tư  thực hiện xây dựng đoạn đấu nối, triển khai kịp thời nhằm giải tỏa hết công suất các dự án điện gió, điện mặt trời đang lũ lượt phát điện vào hệ thống.