Dịch COVID-19 tạm thời làm gián đoạn hành trình TimTay đến với thị trường Anh, đồng thời buộc thương hiệu co lại ở thị trường trong nước.
Đưa thời trang bền vững ra thế giới
Hướng đến thiết kế không vải thừa, khuyến khích phát triển dệt nhuộm thủ công từ cộng đồng bản địa, mang những tiếng nói thiểu số vào thời trang... là hướng đi mới của thời trang bền vững được các nhà thiết kế Việt Nam theo đuổi.
Không dừng lại trong phạm vi Việt Nam, họ mang tiếng nói này hòa nhịp vào dòng chảy của thời trang bền vững quốc tế, tạo nên những dấu ấn đầy tự hào, không phải ở các show diễn rầm rộ trên mặt báo mà là ở cách người tiêu dùng đón nhận họ và lan tỏa tinh thần bền vững, trách nhiệm với môi trường, với xã hội.
TimTay và câu chuyện “ăn chắc mặc bền”
Năm 2014, khi khái niệm thời trang bền vững vẫn khá xa lạ tại Việt Nam và chưa phổ biến trên mặt báo quốc tế, TimTay của 2 chị em Tú Đinh - Hoàng Anh ra đời. Tú học kiến trúc, nhưng mê thời trang rồi mày mò học thêm để làm chủ từng mẫu rập, loại vải. Hoàng Anh học âm nhạc, thời điểm đó đã phát hành vài album, được giới phê bình đánh giá cao. Nhưng cô từ bỏ tất cả để hỗ trợ và ủng hộ chị gái. “Tình yêu ban đầu chỉ xuất phát từ việc chúng tôi muốn may cho mình mặc, những sản phẩm đúng với tinh thần ngày xưa của ông bà là “ăn chắc mặc bền”, thay vì thải ra môi trường quá nhiều”, Hoàng Anh, CEO TimTay, nói.
Với số vốn ban đầu chỉ đủ may 5 bộ quần áo, TimTay ở thời điểm hiện tại là một trong những cái tên hàng đầu của local brand Việt Nam về thiết kế bền vững, từ việc làm chủ chất liệu cho đến định hướng phát triển Zero Waste (thiết kế không vải thừa). Linen, chất liệu chủ chốt của TimTay, thô mộc nhưng không nhăn nhúm, có độ bền màu và sợi bền cao, được nhuộm từ nguồn gốc thực vật, mang lại trải nghiệm đáng giá và khác biệt khi khoác lên người.
“Đó là một hành trình rất dài, chúng tôi làm đi làm lại, hư hao có, không làm hài lòng khách hàng cũng có. Trả giá rất nhiều. Nhưng tất cả bài học đó cho chúng tôi động lực để luôn tỉnh táo và tiến về phía trước”, CEO TimTay cho biết.
Với tinh thần “ăn chắc mặc bền”, “tiết kiệm nhất có thể”, những thiết kế đầu tiên của TimTay đến nay vẫn giữ được độ bền nhất định về chất liệu, đường may. Hiện tại, mỗi bộ sưu tập trước khi cắt may đều được TimTay tính toán đường nét, phom dáng cẩn thận nhằm đảm bảo 3 tiêu chí: không vải thừa, hợp thời trang và thoải mái cho người mặc. Thương hiệu còn tận dụng thiết kế từ bộ sưu tập trước, tháo rập cũ, đổi phom để tạo ra thiết kế mới. Để giảm thiểu hàng sản xuất dư thừa, mỗi thiết kế được tạo ra với số lượng có hạn từ 5-10 nhằm thăm dò nhu cầu khách hàng. Thiết kế nào được khách hàng đón nhận mới sản xuất tiếp. Tất nhiên, những sản phẩm này cũng sẽ có sự thay đổi ít nhiều về họa tiết, chi tiết trên thân áo/váy, tạo ra các thiết kế giới hạn và khác biệt.
Dịch COVID-19 tạm thời làm gián đoạn hành trình TimTay đến với thị trường Anh, đồng thời buộc thương hiệu co lại ở thị trường trong nước. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của Hoàng Anh, đó là một quãng nghỉ để xây dựng thói quen bán hàng qua thương mại điện tử từ website và mở rộng biên độ của sản phẩm bằng cách hợp tác với các nghệ sĩ sáng tạo khác như xu hướng chung của thế giới hiện nay.
Tom Trandt vì một Việt Nam đương đại, bền vững
Tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế thời trang trường Parsons School of Design - New York, nhà thiết kế Tom Trandt (Trần Minh Đạo) đặt dấu ấn sự nghiệp bằng thương hiệu thời trang mang cái tên ngộ nghĩnh: Môi Điên. Trong thị trường local brand dần bão hòa, Môi Điên nổi lên với định vị chuyển tải những cảm hứng từ câu chuyện di sản, văn hóa đương đại của Việt Nam thông qua ngôn ngữ thiết kế và hướng đến giải pháp bền vững cho thời trang.
“Tôi muốn khi nhắc đến Việt Nam, người nước ngoài không chỉ nhớ áo dài, hoa sen. Tôi mong được kể một câu chuyện mới hơn, hiện đại hơn bằng cách đào sâu, khai thác những ý tưởng như sự tái sinh, tinh thần chiến đấu...”, Tom Trandt cho biết. Trong thiết kế của Môi Điên, dễ nhận thấy váy áo nâu sồng gắn liền với rơm rạ, bùn lầy được khoác những hình dạng mới; khăn rằn, quân phục được biến tấu và cách điệu. Ở đó, người yêu thời trang còn được chứng kiến cuộc hôn phối dễ chịu giữa những nền văn hóa khác nhau, tạo nên các thiết kế có “một không hai”. Sau hơn 4 năm, Môi Điên đã nâng số sản phẩm làm từ rác sản xuất (được lấy từ 2 nguồn chính: rác sản xuất từ bộ sưu tập trước và rác sản xuất được cung cấp bởi các thương hiệu khác) trung bình từ 3 sản phẩm/bộ sưu tập lên 13 sản phẩm và hướng đến thử nghiệm những sản phẩm được làm từ vải khúc thay vì dệt vải mới.
Tom Trandt còn quan tâm đến giá thành sản phẩm khi đặt lên bàn cân chất lượng. Mỗi sản phẩm của Môi Điên có giá từ 600.000 đồng đến 2 triệu đồng và không có mẫu thiết kế nào vượt quá 10 sản phẩm.
Chính dấu ấn đặc biệt này, năm 2018, Tom Trandt được chọn là đại diện duy nhất của Việt Nam trong số 16 nhà thiết kế trên toàn thế giới tham gia Triển lãm Thời trang Quốc tế (IFS) 2019 tại London. Năm 2020, Tom Trandt cũng được Tạp chí Forbes vinh danh ở hạng mục 30 Under 30 vì những đóng góp cho ngành thời trang. Trước đó, vào năm 2019, Tom Trandt đã bắt tay với Converse, ông lớn trong ngành thời trang streetwear, hiện thực hóa thông điệp Create Together For Tomorrow, nhằm khuyến khích giới trẻ quan tâm đến môi trường sống từ những hành động cụ thể trong đời sống như lựa chọn trang phục để mặc.
Vũ Thảo đưa vải nhuộm truyền thống Việt Nam ra thế giới
Kilomet 109 do nhà thiết kế Vũ Thảo sáng lập vào năm 2012 theo định hướng thời trang cao cấp dành cho cả nam và nữ, với chất liệu thân thiện với môi trường. Con số 109 không chỉ là khoảng cách từ Hà Nội đến Thái Bình, quê hương của Vũ Thảo mà còn mang ẩn ý của một hành trình bền bỉ với thời trang bền vững.
Trước khi Kilomet 109 ra đời, Vũ Thảo từng làm việc cho các công ty thời trang nước ngoài tại Hà Nội như Victoria Roe (Anh), A.D.Deertz. Kinh nghiệm từ công việc này phần nào ảnh hưởng đến tư duy thiết kế của Kilomet 109: lấy cảm hứng từ truyền thống nhưng phải hiện đại để thích nghi.
Trên hành trình thời trang bền vững, Vũ Thảo lại chọn con đường khó đi nhất. Thay vì phó mặc toàn bộ cho các làng dệt vải địa phương và trả tiền vật liệu thô, Vũ Thảo xắn tay vào làm cùng họ, tác động mỗi ngày nhằm thay đổi tư duy làng nghề bảo thủ. Kết quả, Thảo đã tạo dựng được quy trình sản xuất khép kín cho thương hiệu, từ việc cân nhắc vụ mùa trồng bao nhiêu cây chàm, cây bông, gai dầu, chăn tằm ươm tơ, giã sợi dệt vải cho đến chỉnh màu, thử thuốc nhuộm mới từ nguyên liệu thiên nhiên như lá trà xanh, vỏ cây, hoa cỏ, lá cây...
Kilomet 109 dưới sự quản lý của Vũ Thảo không chỉ bám sát tiêu chí bền vững trong từng khâu mà còn là cam kết mạnh mẽ của Vũ Thảo với trách nhiệm xã hội, thông qua hỗ trợ, phát triển và tính thương mại bền vững đối với nguồn lao động là những người phụ nữ dân tộc thiểu số, thúc đẩy ngành dệt, nhuộm truyền thống của địa phương. Tất cả những công đoạn làm nên sản phẩm của Vũ Thảo gồm nhuộm, dệt, in hoa Batik và cán láng đều do khoảng 30 phụ nữ rải rác ở các cộng đồng khác nhau tại miền Bắc của Việt Nam thực hiện. Bên cạnh đó, thay vì dừng lại ở việc lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống của người dân tộc như một số thương hiệu đang theo đuổi, Vũ Thảo đưa vào đó những sáng kiến mới trong kỹ thuật nhuộm để tạo ra nhiều bảng màu hơn từ tự nhiên, sản phẩm có phom dáng hiện đại, thời trang hơn, phù hợp với đời sống hiện đại.
Các thiết kế của Vũ Thảo còn hướng đến tinh thần Zero Waste, thiết kế thông minh có thể điều chỉnh kiểu dáng, kích cỡ, nhằm mang đến niềm vui khi mặc một thiết kế lên người và tối giản nhất có thể nhu cầu sở hữu quá nhiều trang phục của người dùng. Chính lòng nhiệt tâm và sự kiên định của Vũ Thảo, nên dù không quảng bá rầm rộ nhưng sản phẩm của Kilomet 109 đã được đông đảo khách hàng châu Á, châu Âu và cả châu Mỹ đón nhận.