Đua nhau đại hạ giá, sức mua vẫn ảm đạm
Nhiều doanh nghiệp cho biết, so với các năm trước, sức mua của người dân trong dịp Tết Nguyên đán năm nay diễn ra khá yếu. Dạo quanh thị trường có thể thấy, hàng hóa khá đa dạng, hầu hết các cửa hàng đều treo biển “hạ giá”, “đại hạ giá”…nhưng mức tiêu thụ vẫn không cao.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường hàng hoá trong những ngày giáp tết phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đảm bảo nhu cầu mua sắm trong dịp cuối năm. Các mặt hàng gia dụng, quần áo, giày dép, thực phẩm, bánh mứt, nước giải khát các loại… đã được bày bán khá nhộn nhịp nhưng sức mua vẫn còn khá trầm lắng dù các doanh nghiệp tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng quà… để kích thích nhu cầu mua sắm của người dân.
Điều khác biệt trên thị trường Tết năm nay là hàng Việt Nam có số lượng áp đảo và được người tiêu dùng ưa chuộng dù giá một số mặt hàng có cao hơn năm trước.
Bộ Công Thương nhận định, thị trường trong tháng 1/2014 tuy nhộn nhịp hơn so với tháng 12/2013 nhưng so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán của các năm trước đây thì không khí mua sắm tết trên thị trường kém sôi động hơn và cũng dồn vào sát tết hơn.
Nguyên nhân, một phần do tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng tới thu nhập và chi tiêu của người dân và một phần do việc các doanh nghiệp trả lương, thưởng vào những ngày cuối cùng trong năm.
Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội trong tháng 1/2014 ước đạt 237,5 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng khoảngg 2,8% so với tháng trước và tăng 13,0% so với cùng kỳ.
Trong đó: ngành thương nghiệp ước đạt 181,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng lớn nhất là 76,3%; ngành khách sạn nhà hàng đạt 28,4 nghìn tỷ đồng, tăng 17,8%, chiếm tỷ trọng 12%; du lịch ước đạt 2,1 nghìn tỷ đồng, tăng 22,1%, chiếm tỷ trọng 0,9% dịch vụ đạt 25,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24,2%, chiếm tỷ trọng 10,8%.
Sức mua yêu khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 cũng chỉ tăng 0,69% so với tháng 12 năm 2013.
(Theo VnMedia)