Thứ Năm | 18/08/2016 14:51

Đua mở phòng gym triệu đô

Các phòng tập cao cấp đòi hỏi con số bỏ ra gấp vài chục lần, nhưng bù lại lợi nhuận rất hấp dẫn.

Cách đây 10 năm, khi nhắc đến phòng gym, nhiều người sẽ liên tưởng đến các phòng tập chỉ có những khối tạ và người thích phát triển cơ bắp. Tuy nhiên, nhu cầu thể dục thể hình đã thay đổi. Nhiều người chọn đến gym như  một cách khả dĩ để vận động sau giờ làm việc. Cùng với đó, yêu cầu về chất lượng tại các phòng gym cũng khắt khe hơn, khiến ngành gym cao cấp hoạt động ngày càng phát đạt.

Là thành viên năm thứ 3 của một hệ thống thể dục thể hình và yoga lớn, anh Lê Việt Quý - nhà ở quận 10, TP HCM cho rằng, việc theo tập ở các trung tâm lớn, ngoài ưu điểm về trình độ của huấn luyện viên thì độ phủ rộng, môi trường hiện đại, sạch sẽ, trang thiết bị và bài tập phong phú… là những yếu tố đáng giá so với việc tiết kiệm bằng cách chọn các phòng tập nhỏ lẻ nhưng thiếu sự nâng cấp.

Tương tự, anh Ngô Mạnh Duy, nhân viên văn phòng có nhà ở quận 7 đã 3 lần chuyển hệ thống tập luyện. Tuy nhiên, lần nào anh cũng chuyển sang một thương hiệu khác thuộc cùng phân khúc.

“Phòng gym quanh chỗ tôi ở chỉ có 3-4 máy chạy, máy tạ mà giá cũng đã 400.000 đồng một tháng. Phòng rẻ hơn thì 200.000 đồng, nhưng chất lượng phải nói là hơi ghê. Tạ thì cũ, sét, phòng lúc nào cũng đầy mùi mồ hôi, không có xông hơi hay các bài tập mới, chỉ có tạ và tạ”, anh Duy chia sẻ lý do chấp nhận tốn một khoản tiền tương đối cao để đăng ký gói thành viên 2 năm tại một trung tâm trên đường Hoàng Diệu (quận 4, TP HCM) thay vì tập gần nhà.

Tại Việt Nam, mô hình thể dục thể hình theo hướng hiện đại và cao cấp chỉ mới phát triển khoảng 9 năm trở lại. Một số tên tuổi có thể nhắc đến như: California Fitness & Yoga (thuộc tập đoàn CMG, Mỹ) với phòng tập đầu tiên được khai trương vào 2007. Sau đó, năm 2010, thị trường xuất hiện thêm thương hiệu Getfit Gym & Yoga ở TP HCM và Elite ở Hà Nội. Đến 2012, một tên tuổi từ Đức cũng bắt đầu tham gia là Fit24. Gần đây nhất thì có Fithouse (TP.HCM)...

Theo tiết lộ của những người trong ngành thì chi phí để đầu tư một trung tâm gym fitness là khá “chát”. Nếu một phòng tập bình dân nhỏ lẻ chỉ cần mặt bằng khoảng 200-300m2 cùng với vốn đầu tư tầm 500 triệu đồng, thì mở một phòng tập cao cấp, chi phí cũng thuộc hàng triệu đôla. Cụ thể, một phòng tập diện tích 2.500m2 có thể ngốn không dưới 1,5 triệu USD (tức khoảng hơn 33 tỷ đồng). Tốn kém nhất là thiết bị với các loại máy tập nhập nhập khẩu có giá từ 8.000 đến 9.000 USD một máy. Có loại còn lên đến 11.000-15.000 USD, đó là chưa kể chi phí vận hành, lương thưởng cho nhân viên, tiền công giảng dạy của huấn luyện viên…

Tháng 1/2014, tập đoàn tài chính lớn nhất Nhật Bản Mizuho Asia Partners (thuộc Ngân Hàng Mizuho) đã đầu tư 15 triệu USD để sở hữu 10% cổ phần từ California Fitness & Yoga. Chỉ 18 tháng kể từ khi Mizuho đầu tư, tổng số trung tâm của hệ thống này đã tăng gấp đôi số lượng. Đến nay, thương hiệu này đang là "con gà đẻ trứng vàng" của CMG với 23 trung tâm tại 7 tỉnh thành.

“Chúng tôi đang có 18 thương hiệu khác nhau trong danh mục đầu tư, nhưng vẫn luôn coi trọng việc phát triển ngành thể dục thể hình ở tốc độ cấp số nhân để trở thành một tập đoàn theo mô hình Fitness Holdings” - Dane R. Fort - Giám đốc điều hành của CMG chia sẻ.

Không dừng lại đó, cách đây 5 năm, CMG bắt đầu đa dạng hóa các dịch vụ thể dục thể hình để không bỏ sót bất kỳ đối tượng nào. Ngoài các trung tâm California Fitness & Yoga (dành cho khách hàng 25-35 tuổi), CMG đang sở hữu 7 trung tâm khác, với các thương hiệu như: California Yoga Plus (chuyên về Yoga); California Centuryon (dành cho hội viên trung niên); UFC Gym (giảng dạy môn võ phối hợp), California Kids (thể dục thể thao cho trẻ em).

Các thương hiệu khác cũng đang có những động thái mở rộng. Elite Fitness vốn phát triển mạnh ở Hà Nội với 6 trung tâm thì nay đã có thêm 2 cơ sở tại TP HCM. Fit24 hiện cũng sở hữu 4 trung tâm. Chủ tịch của Getfit Gym & Yoga, ông Nguyễn Hữu Phúc xác nhận ý định mở thêm một vài trung tâm nữa từ nay đến 2020 sau 7 năm hoạt động với mức tăng trưởng bình quân 20-30% mỗi năm.

Cũng theo ông Phúc, mặc dù mô hình gym cao cấp hiện phát triển rất nhanh nhưng cũng đã có không ít nhà đầu tư thất bại, dù đủ khả năng về vốn. Nguyên nhân chính là thiếu kinh nghiệm.

Ngoài ra, việc xây dựng và duy trì độ ổn định đội ngũ nhân sự không phải dễ dàng. “Thị trường hiện nay đang không đáp ứng đủ về nhu cầu nhân sự, trong khi với mức độ phát triển hiện nay, các trung tâm rất dễ bị rút ruột nhân sự, vì trung tâm mới ra sau, thường trả lương cao hơn để hút nhân viên về”, vị này chia sẻ.

Nhiều thương hiệu quốc tế sẽ còn tiếp tục đến Việt Nam. Lý do là mật độ phòng tập còn thấp, nếu so với Singapore, Thái Lan hay Hong Kong (Trung Quốc). Tại những nơi này, có khi chỉ cần di chuyển chưa đến 1km là có 1 phòng tập. Trong khi đó, mỗi quận của TP HCM cũng chỉ mới có vài trung tâm hiện đại.

Theo số liệu của Hiệp hội Sức khỏe, Quần vợt và Các câu lạc bộ thể thao quốc tế (IHRSA), năm 2015, đang có hơn 180.000 câu lạc bộ thể dục thể hình hoạt động trên toàn cầu, thu hút 144,7 triệu thành viên, với doanh thu vào khoảng 84 tỷ đôla.

Nguồn VnExpress