Thu hoạch dưa lưới ở Khu Nông nghiệp CNC của Pan Group. Ảnh: Pan Group
Dưa lưới Nhật 'Made in Vietnam'
Trong phiên đấu giá vào cuối tháng 5 tại Central Wholesale nằm trong trung tâm Sapporo, Hokkaido, Nhật vừa qua, một cặp dưa lưới Yubari đã được công ty thực phẩm và đồ uống ở Nagoya mua lại với giá hơn 1 tỉ đồng (5 triệu yen). Mức giá này ngang ngửa với một chiếc ô tô Camry!
Đây là những trái dưa được trồng khá kỹ lưỡng và nằm trong số 57 trái dưa lưới giống Yubari, một sản phẩm đang được ưa chuộng tại Nhật. Sức nóng của thị trường dưa lưới Nhật lan sang cả Việt Nam. Vài năm gần đây, giống dưa lưới của Nhật được nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp tại Việt Nam đầu tư trồng.
Sau khi lên Đà Lạt trồng thành công và phân phối sản phẩm rau sạch tại thị trường TP.HCM, chị Hồ Ngọc Trâm, sáng lập và CEO Công ty Dalat Ecofarm. Tình cờ cuối năm 2016, Sở Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng liên kết trồng dưa lưới công nghệ cao nhưng không có đầu ra và tìm đến cửa hàng rau sạch của chị Trâm như một kênh phân phối nhưng gặp trục trặc. Cơ duyên với dưa lưới khi chị Trâm lên Bình Phước ăn thử và bắt đầu tham gia trồng từ năm 2017 với chi phí đầu tư cho 1ha vào khoảng 4 tỉ đồng.
Trung bình một cây dưa lưới chỉ nuôi được 1 trái, trồng trong vòng 2 tháng là thu hoạch. Vì vậy, với diện tích trồng 2ha sẽ cho kết quả 6 tấn dưa với khoảng 6.000 trái. Mỗi trái trung bình từ 1-2 kg. Chị Trâm chia sẻ, nhiều hộ nông dân tại Bình Phước cũng bắt đầu trồng dưa lưới nên hiện tại diện tích loại trái này đã lên đến 20ha. Vì vậy, ngoài vườn tự trồng, chị Trâm còn mua thêm dưa từ các hộ nông dân tại Bình Phước để cung cấp cho thị trường.
Chị Trâm đang phân phối dưa lưới ra khắp thị trường, cả miền Bắc. Tại TP.HCM, chị bán lẻ tại siêu thị rau quả sạch Chợ Phố. Hiện chị có thêm 1ha vườn dưa lưới tại Long An và bận rộn để đầu tư thêm 1 vườn dưa lưới tại Củ Chi với diện tích 5ha vào cuối năm nay. “Nếu biết cách trồng và cân đối thị trường thì đây là một sản phẩm có giá trị kinh tế tốt” chị Trâm cho biết.
Cũng trồng dưa lưới như chị Trâm, nhưng ông Trần Phong Lan lại chọn đặt vườn dưa lưới 4ha của mình tại Tây Ninh. Ông Lan hiện là Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Nông nghiệp Hải Âu (Seagull ADC). Trước đó, ông Lan có thời gian ngắn thực tập trồng dưa trên diện tích 5.000m2 ở Cần Thơ, trước khi quyết định bỏ ra 30 tỉ đồng đầu tư trang trại dưa ở Tây Ninh. Và đến nay, sau 5 năm lăn lộn với nghề nông, trang trại này đã đem về cho ông 200 tấn dưa lưới mỗi năm, với các dòng sản phẩm gắn liền với nghề thủy thủ trước đây của ông như dưa lưới Biển Hoàng Gia có ruột màu cam, Biển Ngọc Bích có ruột màu xanh.
Trước mắt, dưa lưới của Hải Âu tiêu thụ ở thị trường nội địa như TP.HCM, Cần Thơ, Nghệ An... Ông Lan tiết lộ đã làm việc với nhiều đối tác Nhật, Hàn Quốc và hy vọng sẽ xuất khẩu được vào 2 thị trường này trong thời gian tới. Theo ông Lan, cũng nhờ áp dụng công nghệ mà một trái dưa lưới nhập khẩu từ Nhật nặng khoảng 2kg có giá trên dưới 1 triệu đồng. Còn cũng sản phẩm dưa như vậy, lấy giống từ Nhật, trồng ở Việt Nam, chất lượng ngang ngửa, nhưng giá bán chỉ vài trăm ngàn đồng/quả, mọi người đều có thể mua ăn.
Vừa qua, Hải Âu đã nhận được giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn JAS của Nhật sau 3 năm miệt mài trồng theo tiêu chuẩn organic. Để đạt được tiêu chuẩn này, Hải Âu đã gặp nhiều thiệt hại. Có những lúc gặp dịch sâu bệnh (nhện đỏ), đội ngũ phải thể nghiệm rất nhiều phương án chữa mà quyết không dùng hóa chất. Đợt thiệt hại nặng nhất năm 2018, bị dịch nấm cả 6 nhà màng, ước tính mất hàng chục tỉ đồng.
Nói về khó khăn, chị Trâm chia sẻ: “Thị trường dưa lưới khó làm, vì khó trồng, phải có kỹ thuật tốt và phải hiểu thị trường và có đầu ra thì mới trụ lâu”. Trồng dưa có 2 phương pháp, trồng đất hoặc giá thể. Nếu trồng đất, sau 1-2 năm phải mua sơ dừa nhưng sau 1-2 năm phải cải tạo đất, chuyển đổi cây trồng. Còn trồng giá thể thì chi phí đội lên cao hơn.
Tháng 5 vừa qua, lần đầu tiên dưa lưới bị ứ đọng do thừa cung. Giai đoạn 2016-2017, thị trường miền Bắc hiếm dưa lưới nhưng giờ đây nhiều hộ tự trồng dưa lưới, như tỉnh Hà Nam đang tự cung tự cấp được vài trăm hecta. Một số công ty lớn như Pan Group đã đầu tư trồng dưa lưới từ nhiều năm nay và đã đưa ra thị trường với giá khá cao. Từ khi dưa lưới được ưa chuộng, nhiều địa phương đã tăng diện tích đột biến. Từ huyện Hóc Môn cho đến Củ Chi, có thể dễ dàng thấy nhiều nhà màng được dựng lên để trồng dưa lưới. Trong đó, nhiều nhất là huyện Củ Chi, đang tăng vọt diện tích trồng ở các xã Thái Mỹ, Nhuận Đức, Tân Thông Hội…
Trước xu hướng này, tháng 5.2019, giá dưa lưới lần đầu tiên phải hạ 10.000 đồng/kg. Dù vậy, nhiều hộ nông dân vẫn chọn trồng dưa lưới cho mô hình sản xuất nhỏ với các điều kiện kỹ thuật ít chi phí hơn. Chẳng hạn, chị Bích Ngọc ở Củ Chi đang trồng thử nghiệm giống dưa lưới Thái với 2 nhà màng trên diện tích hơn 2ha.
Sau hơn 2 tháng trồng và chăm sóc, vụ dưa đầu tiên trung bình một nhà màng chị thu hoạch được 1 tấn dưa, mỗi quả dưa từ 1,2-1,8kg. Đến nay, trang trại dưa lưới của chị đã phát triển lên 14 nhà màng, với diện tích 320m2 mỗi nhà. Chị Ngọc chia sẻ, vốn đầu tư ban đầu cho mỗi nhà màng khoảng 90 triệu đồng, quy trình trồng và chăm sóc dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo chị Ngọc, với 65 ngày/vụ, dưa lưới trồng theo mô hình công nghệ cao có thể canh tác được 4-5 vụ/năm. Vốn đầu tư về hạt giống, gieo trồng, nhân công khoảng 15 triệu đồng/vụ/nhà màng. Sau 1 năm áp dụng mô hình, sản lượng dưa lưới thu hoạch đạt 1 tấn/nhà màng, giá bán tại vườn hiện từ 26.000-35.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, khấu hao thiết bị, 1 nhà màng cho lãi 30-35 triệu đồng/vụ, tính tổng số vụ gieo trồng trong năm thì lợi nhuận lên đến hơn 300 triệu đồng