Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) ước tính tiêu thụ trà toàn cầu sẽ tăng 2,8% trong năm 2021 và 3,5% năm 2022. Ảnh: Qúy Hòa.

 
Tú Cẩm Thứ Sáu | 13/08/2021 14:00

Đưa danh trà Việt đi khắp thế giới

Xây dựng thương hiệu để trà Việt có thể cạnh tranh với các danh trà nổi tiếng từ Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ hay Sri Lanka.

Trái với sự sụt giảm của năm 2020, ngành trà Việt Nam năm 2021 tươi sáng hơn hẳn nhờ nhiều yếu tố thuận lợi, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhanh nhạy với thị trường.

Hướng về thị trường nội địa

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu trà ước đạt 58.000 tấn, trị giá 95 triệu USD, tăng 0,1% về lượng và tăng 5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu trà của Việt Nam tới thị trường Pakistan chiếm tỉ trọng cao nhất, tiếp theo là Đài Loan, Nga. Đáng chú ý, xuất khẩu trà sang thị trường Trung Quốc tăng 104,8% về lượng, tăng 87,7% về trị giá so với cùng kỳ. Xuất khẩu trà sang thị trường Iraq, Malaysia và Ấn Độ cũng tăng mạnh. Trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ trà tại các thị trường này tăng đáng kể, nhưng nguồn cung hạn chế do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) ước tính tiêu thụ trà toàn cầu sẽ tăng 2,8% trong năm 2021 và 3,5% năm 2022. Theo người trong ngành, nửa cuối năm 2021 dự báo xuất khẩu trà của Việt Nam tiếp tục khả quan. Nhu cầu toàn cầu đang cải thiện khi các nền kinh tế trên thế giới bước vào giai đoạn phục hồi nhờ việc triển khai mạnh mẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19. Bên cạnh đó, những hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA... tiếp tục tạo điều kiện để mặt hàng trà của Việt Nam tham gia vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi.

Tuy nhiên, một số người kinh doanh trà cho rằng để đạt giá trị cao, ngành trà cũng cần nỗ lực mở rộng thị phần nội địa. Giá trị xuất khẩu trà của Việt Nam hiện chỉ ở mức trung bình 1,6-2 USD/kg trong khi người thưởng thức trà trong nước có xu hướng chọn các sản phẩm có giá trị tầm 200.000 đồng/kg (tương đương 9 USD/kg) trở lên. Như vậy, chính người tiêu dùng trong nước sẽ có thể mang lại giá trị gia tăng cao hơn nhiều cho sản phẩm trà Việt Nam. 

 

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Trà Việt Nam, cũng cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất trà Ô Long, một dòng trà cao cấp, cần hướng tới phát triển thị trường nội địa để đảm bảo đa dạng đầu ra. Theo đó, doanh nghiệp phải tăng đầu tư cho marketing, quảng cáo, tiếp thị bán hàng.

Nâng giá trị cho trà

Hiện nay, sản xuất trà theo hướng hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20-40% so với sản xuất trà theo phương thức truyền thống. Tại Bảo Lộc, Công ty Cổ phần Long Đỉnh có 50 ha trà chất lượng cao được cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Mỗi năm, hơn 90% sản phẩm của Công ty được xuất sang thị trường Đài Loan dưới dạng nguyên liệu thô với giá bán không cao. Từ hơn một năm nay, sản lượng xuất khẩu trà thô của Long Đỉnh giảm khoảng 30% so với trước.

Công ty đang đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường, hướng vào sản phẩm cao cấp hơn thông qua việc sản xuất trà hữu cơ (True Organic) để tiêu thụ trong nước. Công ty đang sản xuất 10 ha có chứng nhận sản xuất True Organic của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, với giá thành cao, thời gian đầu công ty này phải chấp nhận lỗ để người tiêu dùng dần quen với sản phẩm hữu cơ.

Mới đây, thương hiệu trà VGreen đã đầu tư trên 30 tỉ đồng xây dựng vùng nguyên liệu 3 ha và Nhà máy sản xuất VKombucha tại huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Kombucha là loại trà lên men làm từ trà đen Thái Nguyên với 100% thành phần tự nhiên, sản xuất theo công thức Kombucha độc quyền của VGreen.

 

Cũng tại Thái Nguyên, nhằm đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc, góp phần nâng cao thương hiệu, hướng tới xuất khẩu bền vững, website Trà tích hợp truy xuất nguồn gốc tại địa chỉ thainguyentea.gov.vn đã đi vào hoạt động từ năm 2018. Đến nay, ở các vùng trà trên địa bàn toàn tỉnh Thái Nguyên đã có trên 50 đơn vị, doanh nghiệp tham gia hệ thống với hơn 1.000 sản phẩm bán trực tuyến, thanh toán theo hình thức COD và được hỗ trợ cấp mã QR Code miễn phí cho các sản phẩm.

Năm 2020, ngành trà Việt có một thành tích gây ấn tượng: Giải Bạc châu Á - Thái Bình Dương (không có giải Vàng) tổ chức tại Trung Quốc cho sản phẩm Bạch Trà Thiên của thương hiệu trà Shanam. Đây là một giải thưởng quan trọng và có uy tín với ban giám khảo toàn là những “ông lớn” về trà của thế giới.

Ngay sau đó, trà xanh Shanam được tổ chức Tea Epicure của Mỹ xếp vào top 1 dòng trà xanh thế giới với số điểm 94/100 điểm. Đây là một tổ chức độc lập của Mỹ giới thiệu cho người tiêu dùng và yêu trà các nhà sản xuất trà uy tín của thế giới bằng cách đánh giá chất lượng khách quan các loại trà với thang điểm từ 50-100 điểm. Điều đáng tiếc là những thương hiệu Việt có khả năng tiếp cận thị trường quốc tế như vậy chưa có nhiều. 

Gần đây, Nga là thị trường được nhiều doanh nghiệp quan tâm do nhu cầu nhập khẩu trà ở nước này cao hàng đầu thế giới. Với lợi thế từ Hiệp định Việt Nam - EAEU, trà Việt Nam hiện có cơ hội xuất khẩu vào thị trường này và có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh chính là Indonesia, Ấn Độ, Sri Lanka, do các nước này chưa có đàm phán với Liên minh Hải quan.

Ảnh: TL.
Trước đây, hầu hết trà Việt đều xuất đi Nga dưới dạng nguyên liệu thô nên chỉ chiếm khoảng 5-20% giá trị sản phẩm cuối cùng. Ảnh: TL.

Trước đây, hầu hết trà Việt đều xuất đi Nga dưới dạng nguyên liệu thô nên chỉ chiếm khoảng 5-20% giá trị sản phẩm cuối cùng. Hiện nay đã xuất hiện một số doanh nghiệp Việt tự chế biến, đóng gói, sản xuất trà và xuất khẩu sang Nga bằng thương hiệu của mình như Viettra, Hương Việt, Chính Sơn... Theo các doanh nghiệp này, tiềm năng ở thị trường trà nước Nga rất lớn, miễn là doanh nghiệp Việt quản trị tốt rủi ro và sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh.

Ông Ramaz Chanturiya, Chủ tịch Hiệp hội Trà nước Nga, cho biết, Việt Nam đứng thứ 4 trong số các nước xuất khẩu trà sang thị trường Nga. Tuy nhiên giá trị trà Việt Nam xuất khẩu sang Nga còn thấp, nguyên nhân chính là trà Việt chưa có hình ảnh đặc biệt tại thị trường này. Tương tự, cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Maroc - một thị trường tiêu thụ trà lớn cho biết người Maroc rất chú trọng đến hình thức của trà. Theo đánh giá của khách hàng Maroc, trà Việt Nam có chất lượng tốt nhưng chưa cạnh tranh về giá cả và hình thức trình bày sản phẩm, nhất là nếu so sánh với trà Trung Quốc. 

Để phát triển thương hiệu trà Việt Nam tại thị trường Nga, ông Ramaz đã đưa ra những giải pháp như Việt Nam nên có những thay đổi về hình ảnh thương hiệu trà, phải xây dựng thương hiệu khác và đi trước những thương hiệu trà đã nổi tiếng trên thế giới. Đồng thời cần có sự quan tâm đầu tư chiến lược lâu dài như hỗ trợ xây dựng các nông trang, công ty lớn để thúc đẩy ngành trà phát triển. Mặt khác, Việt Nam nên du nhập mạnh công nghệ và chú ý phát triển thương hiệu trà ở các thị trường đặc biệt như Nhật hay các nước Tây Âu.