Dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể được cải thiện trong năm 2023. Ảnh: Quý Hòa.
Dự trữ ngoại hối Việt Nam có thể đạt 102 tỉ USD vào cuối 2023
Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc cân bằng ba mục tiêu chính là kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá và mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Trong 10 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã phải bán một lượng lớn dự trữ ngoại hối để ổn định tỉ giá (ước ~20% dự trữ ngoại hối). Điều này đã khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm xuống dưới mức khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khi về mức thấp hơn 3 tháng nhập khẩu.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã phải bán một lượng lớn dự trữ ngoại hối để ổn định tỉ giá (ước ~20% dự trữ ngoại hối). |
Trong năm 2023, Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng thặng dư thương mại đạt mức 12,0 tỉ USD, từ mức thặng dư thương mại dự kiến là 10,4 tỉ USD trong năm 2022. VNDirect cũng kỳ vọng tài khoản vãng lai chuyển sang thặng dư ở mức 0,4% GDP vào năm 2023 từ mức thâm hụt dự kiến là 1,3% GDP trong năm 2022. “Do đó, chúng tôi kỳ vọng dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 3,0 tháng nhập khẩu và đạt 102 tỉ USD vào cuối năm 2023 từ mức hiện tại là 89 tỉ USD”, VNDirect nhìn nhận.
Đối với mặt bằng lãi suất, công ty chứng khoán này cho rằng đà tăng của lãi suất tiền gửi có thể chậm lại trong nửa đầu năm 2023. Cụ thể, VNDirect cho rằng lãi suất tiền gửi tiếp tục chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm 2023 do (1) hạn chế thanh khoản trong bối cảnh khủng hoảng niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, (2) nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng tăng mạnh để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn cũng như đáp ứng nhu cầu vay tăng cao của nền kinh tế, và (3) tăng trưởng tiền gửi đã chậm hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm 2022, do đó các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để thu hút thêm tiền gửi.
Tuy nhiên, VNDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2023 nhờ (1) áp lực tỉ giá giảm cho phép Ngân hàng Nhà nước bơm thanh khoản vào hệ thống và ổn định mặt bằng lãi suất, (2) lạm phát trong nước được kiểm soát và đáp ứng mục tiêu của Chính phủ là giữ lạm phát trung bình năm 2023 dưới 4,5%, (3) Chính phủ xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ và củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Công ty chứng khoán này dự báo lãi suất huy động có thể tăng nhẹ 50 điểm cơ bản trong năm 2023, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trên 200 điểm cơ bản trong năm 2022. “Chúng tôi nhận thấy lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 8,0-8,5%/năm (bình quân) vào cuối năm 2023”, VNDirect nhận định.
Có thể bạn quan tâm