Dự trữ lương thực toàn cầu giảm năm thứ 3 liên tiếp do hạn hán
Các vụ mùa tại Mỹ - nước xuất khẩu lớn nhất thế giới - hiện trong tình trạng tồi tệ nhất kể từ năm 1988. Trong khi đó, hạn hán cũng khiến sản lượng lương thực ở châu Âu và Ấn Độ thấp hơn 20% so với mức trung bình. Từ tháng 7, Hội đồng ngũ cốc quốc tế cũng dự báo sản lượng ngũ cốc thế giới có thể giảm tới 2% trong năm nay.
Tốc độ tàn phá của hạn hán khiến giá ngô và đậu tương lên mức kỷ lục hồi tháng trước, trong khi đó lúa mỳ cũng ở mức cao trong 4 năm qua. Đối với các nhà đầu tư, các loại cây lương thực chính là hàng hóa biến động nhiều nhất trong năm nay. Goldman Sachs, Macquarie Group và Credit Suisse đều nhận định xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Trong năm nay, trên Sàn giao dịch Chicago, giá lúa mỳ tăng 40% lên 9,1 USD/thùng, đậu tương tăng 31% lên 15,8 USD/thùng, ngô tăng 26% lên 8,16 USD. Ba loại ngũ cốc này cũng là những nguyên liệu tăng mạnh nhất trong chỉ số Standard & Poor's GSCI Spot của 24 loại nguyên liệu thô.
Giá các loại ngũ cố tăng cao đồng nghĩa giá lương thực thế giới có thể sẽ tăng 25% trong năm nay, Danske Bank hôm 16/7 cho biết. Liên Hợp Quốc ước tính hoạt động nhập khẩu các loại hàng hóa nông nghiệp, từ hoa quả, rau củ tới các sản phẩm sữa và ngũ cốc sẽ đạt 1 nghìn tỷ USD năm thứ 3 liên tiếp. Ngoài ra, giá thịt cũng sẽ tăng 13% do chi phí chăn nuôi tăng cao buộc người nông dân phải giảm quy mô.
Liên Hợp Quốc lo ngại chi phí lương thực tăng cao trong thời gian tới có thể tái diễn tình trạng tồi tệ cách đây gần hai năm, khi giá lương thực cao kỷ lục từng đẩy 44 triệu người vào cảnh đói nghèo, đồng thời khiến bạo lực bùng phát tại Bắc Phi và Trung Đông.
Dù tình trạng hạn hán tiếp tục lan rộng hiện tại, USDA vẫn hy vọng rằng sản lượng ngô trong nước sẽ đạt 329 triệu tấn trong năm nay. Trong khi đó, Canada - nước xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ 3 thế giới dự đoán sản lượng lúa mỳ sẽ tăng 4,1% trong năm nay. Giá lương thực tăng cao cũng khiến nhiều quốc gia Nam Mỹ đẩy mạnh sản lượng trông trọt. Argentina dự kiến sẽ thu hoạch được khoảng 31 triệu tấn ngô, trong khi đó Brazil cũng có thể vượt qua Mỹ để trở thành nước sản xuất đậu tương lớn nhất thế giới.
Nguồn Bloomberg/Khampha