Ảnh: MSN.
Dự trữ lương thực của quốc gia luôn đảm bảo đáp ứng trong tình huống khẩn cấp xảy ra
Trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19, thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ sau cuộc họp về đảm bảo an ninh lương thực và trên cơ sở đề xuất của Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng thông quan mặt hàng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, sau đó Bộ Công thương lại có văn bản xin tiếp tục cho xuất khẩu mặt hàng này.
Đánh giá về tình hình dự trữ lương thực của Việt Nam hiện nay, đại diện Vụ Quản lý hàng (Tổng cục DTNN) cho biết, năm 2019, Tổng cục đã triển khai hoàn thành 100% kế hoạch được giao, nhập mua 80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo. Số lương thực này được bảo quản theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thóc, gạo DTQG và được sử dụng để thực hiện cứu trợ, hỗ trợ cho các địa phương trong các dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt; hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa bão, hạn hán, mất mùa và các trường hợp bất khả kháng khác và thực hiện các nhiệm vụ khác của Chính phủ giao.
Năm 2019, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã nhập mua 80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo. Ảnh:Congluan. |
Cũng theo đại diện Vụ Quản lý hàng, để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Bộ Tài chính (Tổng cục dự trữ) đã chủ động xây dựng kế hoạch cũng như kịch bản về dữ trữ gạo quốc gia. Năm 2020, Tổng cục DTNN đã khẩn trương triển khai đầy đủ các thủ tục và giao cho các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực triển khai mua lương thực (thóc, gạo) nhập kho DTQG gồm 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc, đảm bảo đúng quy định.
Thóc, gạo nhập kho DTQG bảo đảm đáp ứng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. Thời gian dự kiến hoàn thành việc nhập kho 190.000 tấn gạo trước ngày 15/6/2020. Thời gian mua thóc thực hiện theo mùa vụ thu hoạch lúa năm 2020 của các địa phương.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Tài chính về bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, Tổng cục DTNN đã có ngay văn bản chỉ đạo các Cục DTNN KV khẩn trương triển khai mua, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu nhập lương thực năm 2020 để sẵn sàng ứng phó với các trường hợp khẩn cấp xảy ra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đánh giá về tác động của xuất khẩu gạo tới tình hình an ninh lương thực, cũng như kế hoạch dự trữ lương thực quốc gia, đại diện Vụ Quản lý hàng cho rằng: Vấn đề an ninh lương thực luôn phải được đặt lên hàng đầu, là ưu tiên số 1.
Hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương được giao nhiệm vụ chủ trì làm việc với các địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt để rà soát, kiểm tra, đánh giá về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo và thực hiện dự trữ lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo. Do đó, cần có sự tham mưu, điều hành hợp lý của Bộ Công thương giữa xuất khẩu gạo và nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như cho dự trữ lương thực (dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia).
Về nguyên lý, nếu xuất khẩu quá nhiều và không đúng thời điểm trong khi nguồn cung trong nước không đáp ứng kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước và thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia của Chính phủ. Khi cung không đáp ứng cầu thì giá cả lương thực trong nước có thể tăng lên và sẽ khó khăn cho người tiêu dùng.
* Bạn có thể theo dõi nội dung bài viết trên kênh YouTube của Nhịp Cầu Đầu Tư:
Nguồn Bộ Tài Chính