Ảnh: TL.
Dư tiền mặt, lãi suất thấp, Vĩnh Hoàn đem gần 190 tỉ đồng đầu tư cổ phiếu
Vĩnh Hoàn kinh doanh "kém sắc"
Trong bối cảnh COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã khiến Chính phủ các nước thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch. Điều này đã tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) vừa công bố Báo cáo tài chính quý II/2020 với kết quả kinh doanh kém sắc. Cụ thể, trong quý II/2020 Vĩnh Hoàn đạt gần 1.630,1 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 19,5% so với quý II/2019. Lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt hơn 215,4 tỉ đồng, giảm 48,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu không tính khoản thu nhập bất thường 104 tỉ đồng nhờ bán cổ phần tại Vạn Đức Tiền Giang trong quý II/2019, lợi nhuận sau thuế trong quý II/2020 của Vĩnh Hoàn giảm 33,3% so với cùng kỳ.
So với quý trước, doanh thu của Vĩnh Hoàn đi ngang còn lợi nhuận ròng tăng trưởng mạnh 41,6% nhờ tỉ suất lợi nhuận mở rộng.
Doanh thu thuần nửa đầu năm 2020 của Vĩnh Hoàn là 3.266 tỉ đồng (giảm 14,4% so với cùng kỳ) trong khi đó lợi nhuận sau thuế đạt gần 367,6 tỉ đồng, giảm hơn 49% so với cùng kỳ 2019. Nguyên nhân được Vĩnh Hoàn chỉ ra là do giá bán giảm và còn ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19.
Tính riêng trong tháng 6, tổng doanh thu xuất khẩu giảm 36% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, đáng chú ý là thị trường Mỹ với mức doanh thu giảm tới 64%, doanh thu từ thị trường Trung Quốc, giảm 46%. Trong khi đó, thị trường châu Âu lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu, đạt hơn 134 tỉ đồng, tăng 107% so với tháng 6.2019.
Trong tháng 6, doanh thu xuất khẩu của Vĩnh Hoàn giảm mạnh ở thị trường Mỹ và Trung Quốc. Nguồn: VHC. |
Một điểm sáng trong bức tranh kinh doanh của Vĩnh Hoàn ở quý II/2020 đến từ tỉ suất lợi nhuận gộp của Công ty. Quý II/2020, tỉ suất lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn ở mức 19,6%, thấp hơn so với 21,6% trong quý II/2019. Tuy nhiên, đây là sự hồi phục rất mạnh từ 13,1% trong quý I/2020.
Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) dự báo doanh thu và lợi nhuận của Vĩnh Hoàn trong năm 2020 ở mức lần lượt 8.143 tỉ đồng, tăng 3,5% so với năm 2019 và lợi nhuận ròng ở mức 939 tỉ đồng giảm 20,4% so với năm trước.
Mạnh tay mua cổ phiếu
Khi nhiều doanh nghiệp khát vốn, phải phát hành trái phiếu huy động vốn (đi vay) hoạt động kinh doanh, thì một số doanh nghiệp lại dư ra một khoản tiền lớn. Vĩnh Hoàn là một trong những đại gia tiền mặt trên sàn chứng khoán Việt Nam. Trong giai đoạn trước từ năm 2016-2018, tỉ lệ tiền/tổng tài sản của Vĩnh Hoàn luôn quanh quẩn ở mức 10%.
Tuy nhiên kể từ năm 2019 trở đi, lượng tiền mặt của Công ty đã tăng đột biến nhờ việc hoàn tất thoái vốn tại Vạn Đức Tiền Giang, thể hiện trong khoản thu hồi đầu tư vốn góp, vào đơn vị khác lên tới 409 tỉ đồng, trong báo cáo dòng tiền của Vĩnh Hoàn trong nửa đầu năm 2019.
Số liệu tại thời điểm cuối quý II/2020 (30.6), lượng tiền (tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng) của Vĩnh Hoàn lên tới 1.535,36 tỉ đồng, chiếm 22,78% trong tổng tài sản của Công ty. Trong đó, Vĩnh Hoàn đã đem gửi Ngân hàng hơn 1.391 tỉ đồng với các kỳ hạn trên 3 tháng đến dưới 1 năm và nhận lãi suất cố định bằng VND.
Từ khi dịch COVID-19 xảy ra tại Việt Nam, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hồi phục sản xuất kinh doanh. Trong số đó, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái giảm lãi suất điều hành để góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, Vĩnh Hoàn đã đem gần 190 tỉ đồng đầu tư vào cổ phiếu. Trong đó, cổ phiếu của Thế Giới Di Động (HOSE: MWG); Công ty Cổ phần FPT (HOSE: FPT) và Thép Hòa Phát (HOSE: HPG) chiếm phần lớn danh mục đầu tư của Vĩnh Hoàn. Tổng giá trị vốn gốc của 3 cổ phiếu này là hơn 139,4 tỉ đồng. Cuối quý II/2020, Vĩnh Hoàn đang trích lập dự phòng hơn 4,9 tỉ đồng cho cổ phiếu MWG. Có thể nói, khoản mục đầu tư chứng khoán được xem là bước đi mới của Vĩnh Hoàn so với năm 2019.
Danh mục đầu tư cổ phiếu của Vĩnh Hoàn hồi cuối quý II/2020. Nguồn: VHC. |
Nhìn nhận về thị trường chứng khoán, sau giai đoạn khó khăn vì COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ, cùng chiều tăng chứng khoán thế giới với nhiều mã có sự phục hồi ấn tượng từ 30-50% so với vùng đáy năm 2020 được xác lập hồi tháng 3.2020.
Tuy nhiên, đợt tái nhiễm cộng đồng lần thứ 2 của COVID-19 đã kéo VN-Index có những đợt giảm mạnh tiếp tục. Công ty Chứng khoán Mirae Asset kỳ vọng, dòng tiền sẽ phân hóa và tập trung vào nhóm cổ phiếu có câu chuyện thật sự tích cực, vẫn duy trì được câu chuyện tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận khả quan năm 2020 hoặc có nền tảng cơ bản tốt, kỳ vọng sẽ tiếp tục hồi phục tích cực, thu hút dòng tiền đầu tư nửa cuối năm 2020.
* Có thể bạn quan tâm
►Dòng tiền sẽ phân hóa và tập trung vào nhóm cổ phiếu có câu chuyện tích cực