Dự thảo Thông tư mới: Hạn chế hoạt động đầu tư của CTCK
Theo đó, ngoài các yêu cầu về cơ sở vật chất phục vụ hoạt động kinh doanh chứng khoán, giấy phép hành nghề, điểm nổi bật của dự thảo Thông tư lần này là quy định cụ thể việc hạn chế hoạt động đầu tư của CTCK cũng như đưa ra một số yêu cầu khắt khe hơn về điều kiện góp vốn của thành viên sáng lập.
Các ý kiến sẽ được gửi về cho UBCK trước ngày 12/5/2012. Trong vòng 1 năm kể từ Thông tư này có hiệu lực các CTCk phải thực hiện sửa đổi Điều lệ theo quy định và điều chỉnh các tỷ lệ đảm bảo tuân thủ quy định tại Thông tư này.
Tăng điều kiện về tỷ lệ vốn góp tối thiểu của các cổ đông sáng lập
Thông tư 27 quy định tối thiểu 20% vốn điều lệ thực góp, còn trong dự thảo Thông tư mới quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông sáng lập phải tối thiểu 65% vốn điều lệ, trong đó các tổ chức là ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức nước ngoài sở hữu tối thiểu 30% vốn điều lệ của công ty.
Về cơ cấu cổ đông
CTCK thành lập là CTCP hoặc công ty TNHH 2 thành viên phải có ít nhất 2 cổ đông sáng lập trong đó ít nhất một thành viên sáng lập là tổ chức là ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức nước ngoài tham gia góp vốn (tổ chức nước ngoài này cũng phải hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và đã có thời gian hoạt động tối thiểu 2 năm).
CTCK hoạt động tại Việt namkhông được góp vốn thành lập CTCK khác tại Việt Nam.
Cổ đông, thành viên sở hữu 10% trở lên vốn cổ phần của một CTCK và người liên quan không được góp vốn trên 5% cổ phần của CTCK khác.
Đình chỉ và thu hồi giấy phép hoạt động của CTCK
CTCK bị đình chỉ hoạt động trong trường hợp Hồ sơ đề nghị cấp, điều chỉnh Giấy phép thành lập và hoạt động có thông tin cố ý làm sai sự thật; sau khi hết thời hạn cảnh báo không khắc phục được và có lỗ gộp đạt mức 50% vốn điều lệ..
CTCK bị thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động ngoài các quy định tại điểm a,b,c khoản 2 Điều 70 Luật chứng khoán, còn bổ sung việc CTCK phá sản hoặc hết thời hạn hoạt động hoặc xin giải thể trước hạn.
CTCK phải duy trì vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 50% vốn pháp định (hiện vốn pháp định là vốn điều lệ tối thiểu để đc kinh doanh lĩnh vực đó, ví dụ CTCK thực hiện đầy đủ 4 loại nghiệp vụ là môi giới, tự doanh, tư vấn và bảo lãnh phát hành phải có vốn tối thiểu là 300 tỷ đồng).
Các CTCK phải báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng tại ngày 30/6 và ngày 31/12 hàng năm được soát xét bởi tổ chức kiểm toán được UBCK chấp thuận.
CTCK được mua lại không quá 10% số cổ phần phổ thông đã phát hành làm cổ phiếu quỹ.
Hạn chế vay và đi vay
Tổng nợ của CTCK không được vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu. Nợ không bao gồm tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng, quỹ khen thưởng phúc lợi, dự phòng trợ cấp mất việc làm, dự phòng bồi thường thiệt hại cho NĐT; Nợ ngắn hạn tối đa bằng tài sản ngắn hạn; CTCK chỉ được vay tiền từ các tổ chức tín dụng, trừ trường hợp phát hành trái phiếu hoặc vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn khẩn cấp của công ty.
CTCK không được cho vay dưới bất kỳ hình thức nào với cổ đông lớn, thành viên Ban kiểm soát, HĐQT, thành viên Ban Giám đốc, Kế toán trưởng…
Hạn chế đầu tư
CTCK không được mua, góp vốn mua BĐS trừ trường hợp sử dụng làm trụ sở chính, phòng giao dịch…
CTCK không được sử dụng quá 40% vốn chủ sở hữu để đầu tư mua cổ phần hoặc góp vốn vào các tổ chức khác.
CTCK không được trực tiếp hoặc gián tiếp đầu tư vào cổ phiếu của công ty sở hữu 50% vốn điều lệ của CTCK; không được đầu tư quá 20% số cổ phiếu lưu hành của một tổ chức niêm yết (hiện tại SSI đang có 3 công ty liên kết, nắm giữ trên 20% vốn của ABT, HVG và PAN); quá 15% tổng số cổ phiếu của một tổ chức không niêm yết; quá 5% vốn một công ty TNHH hoặc dự án kinh doanh..
Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng đưa ra quy định về các nghiệp vụ môi giới, tư vấn, bảo lãnh phát hành của các CTCK.
Chi tiết dự thảo Thông tư
Nguồn CafeF/Trí thức trẻ