Dự thảo sửa đổi nghị định 58: Hạn chế góp vốn khống
Thời gian qua, một số doanh nghiệp niêm yết phát hành cổ phiếu với tỷ lệ rất lớn và tăng vốn lên nhiều lần trong một thời gian ngắn. Điều đáng chú ý là, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ cổ đông hiện hữu góp tiền mua cổ phiếu phát hành thêm. Lượng cổ phần sau đó được một số ít nhà đầu mua lại toàn bộ với giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng, giá phát hành nhiều trường hợp cao hơn 10-20% thị giá.
Điều này khiến nhiều nhà đầu tư hoài nghi: Liệu việc góp vốn mua cổ phần có phải góp vốn khống hay không? Nghĩa là, các nhà đầu tư nói trên có thực sự chuyển tiền để mua cổ phiếu phát hành thêm.
Tại điều 1.7 của Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP, lần đầu tiên đưa ra quy định về việc nộp tiền mua cổ phiếu: "việc chuyển tiền đặt cọc và tiền mua cổ phiếu vào tài khoản phong tỏa phải do cá nhân, tổ chức đăng ký mua cổ phiếu thực hiện".
Tại hội thảo lấy ý kiến, góp ý của các thành viên thị trường về Dự thảo này được Ủy ban chứng khoán Nhà nước tổ chức chiều nay (25/3/2015), nội dung này được đại diện Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) đề cập tới.
Trong phần tham luận của ông Nguyễn Kim Long - Giám đốc Luật và Kiểm soát Nội bộ của SSI, đề nghị xem xét bỏ quy định trên hoặc quy định lại là "chuyển đi từ tài khoản đứng tên chính cá nhân, tổ chức đó".
Lý giải cho đề nghị thay đổi này, ông Long cho rằng, trừ một vài trường hợp đặc biệt, pháp luật không cấm sử dụng tiền vay, mượn để góp vốn, mua cổ phần, nên quy định yêu cầu chính cá nhân, tổ chức đăng ký mua cổ phiếu thực hiện chuyển tiền gây thêm khó khăn cho cá nhân, tổ chức mua cổ phiếu. Đồng thời, cá nhân, tổ chức có thể chuyển tiền từ một tài khoản được ủy quyền.
Giải đáp đề nghị của SSI, ông Bùi Hoàng Hải, Vụ phó Vụ phát hành Ủy ban chứng khoán Nhà nước - Cơ quan chủ quản soạn thảo, quy định này nhằm hạn chế việc góp vốn khống trong các đợt chào bán cổ phiếu đã xảy ra trên thực tế.
Ông Hải cũng bổ sung thêm, việc quy định này không phải để hạn chế trường hợp vay tiền để mua cổ phiếu bởi hiện quy định không cấm.
Nguồn DVO