Thứ Ba | 21/05/2013 07:50

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp bản mới nhất: Một số nội dung trở lại như dự thảo lần đầu

Nhiều nội dung trong dự thảo mới cơ bản giữ nguyên như dự thảo đưa ra lấy ý kiến nhân dân tháng 1/2013.
Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) đã hoàn tất bản báo cáo (dày 150 trang) giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân đóng góp cho Dự thảo HP (bản công bố lấy ý kiến nhân dân, tháng 1-2013). Kèm theo báo cáo chi tiết này là báo cáo tóm tắt, dự thảo tờ trình và bản Dự thảo sửa đổi HP (bản mới, tháng 5/2013). Tất cả tài liệu trên đã được gửi tới đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và công bố trước QH trong ngày họp đầu tiên kỳ họp thứ 5, ngày 20-5.

Dự thảo mới này là bản được hoàn thiện trên cơ sở báo cáo Bộ Chính trị và sau đó là thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7 (từ ngày 2 đến 11/5). So với dự thảo tiếp thu ý kiến nhân dân trước đó (tháng 4/2013, có tới 28 nội dung quan trọng được thể hiện bằng hai phương án để thảo luận, Pháp Luật TP.HCM đã giới thiệu) thì trong dự thảo mới nhất chỉ còn sáu nội dung được thể hiện bằng nhiều phương án.

Vẫn giữ đuôi "theo quy định của pháp luật"
Dự thảo mới không còn nêu phương án trở lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; giữ nguyên nền tảng liên minh giai cấp (Điều 2); không còn phương án diễn đạt gọn Điều 4; Lời nói đầu, dự thảo mới không ghi nhận "chủ quyền nhân dân" mà thay bằng "quyền làm chủ" - khi nói về mối quan hệ giữa nhân dân và HP.

Qua đợt lấy ý kiến nhân dân (từ tháng 1 đến tháng 3-2013) cho thấy có nhiều nội dung còn ý kiến khác nhau như: Chính phủ có phải là cơ quan "chấp hành" của QH; có nên để cho Ủy ban Thường vụ QH quyền giải thích HP, luật hay giao cho tòa án và Hội đồng HP; có nên hiến định quyền ban hành án lệ cho TAND Tối cao; làm thế nào để nhân dân quyết định về HP thông qua quyền phúc quyết... Tuy nhiên, dự thảo mới đều giữ nguyên như dự thảo tháng 1/2013.

Trước nhiều ý kiến góp ý việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền cơ bản của công dân phải theo luật và chỉ có thể bị hạn chế bởi luật, dự thảo mới dự liệu một số quyền này vẫn có thể bị hạn chế bởi văn bản dưới luật giống như cách quy định ở HP hiện hành (mọi người - công dân có quyền […] theo quy định của pháp luật). Quyền kết hôn vẫn chỉ là của nam, nữ chứ không phải cho "mọi người đủ tuổi do luật định" theo cách mở ra cơ hội thảo luận quyền của người đồng tính, chuyển giới, song tính như dự thảo tháng 4/2013.

Tăng quyền Chủ tịch nước

Trở lại những nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo mới, đáng chú ý là Điều 54 về chế độ kinh tế được thể hiện theo ba phương án. Trong đó hai phương án tiếp tục khẳng định "kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo", một phương án diễn đạt theo cách không hiến định nội dung này.

Tương tự, Chương IX về chính quyền địa phương cũng được diễn đạt theo hai phương án với quan điểm rất khác nhau: (1) Diễn đạt ngắn gọn bằng hai điều, quy định ba cấp đơn vị hành chính lãnh thổ (tỉnh, huyện, xã và tương đương) và để lại cho luật quy định về việc thành lập, tổ chức, bộ máy cũng như chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương để rộng đường cho các cuộc thí điểm đang triển khai. (2) Giữ nguyên như HP hiện hành.

Bên cạnh đó, có những nội dung được chỉnh sửa so với dự thảo tháng 1-2013. Chẳng hạn, Điều 70 về nghĩa vụ lực lượng vũ trang, vị trí của chủ thể Đảng được điều chỉnh đứng sau Tổ quốc. Đáng chú ý, Điều 75 bổ sung quy định: Chủ tịch nước, chủ tịch QH, Thủ tướng Chính phủ, chánh án TAND Tối cao khi nhậm chức phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và HP (cơ bản như dự thảo tháng 4-2013).

Một cách mạnh mẽ hơn, dự thảo mới quy định Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH có quyền chất vấn các thành viên Chính phủ, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao, tổng kiểm toán. Dự thảo tháng 1-2013, quyền năng này thể hiện mềm hơn, chỉ là "yêu cầu cung cấp thông tin hoặc giải trình".

Ở Chương VI - Chủ tịch nước có một điều chỉnh rất quan trọng: Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về "vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước". Đây là quy định mang tính mở rộng hơn nhiều so với dự thảo tháng 1-2013 (chỉ được yêu cầu Chính phủ họp bàn về "những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước").

Các chương khác của HP cũng có những chỉnh sửa đáng chú ý. Chẳng hạn, về phần tòa án, nguyên tắc tranh tụng không chỉ được bảo đảm "tại phiên tòa" mà còn áp dụng "trong xét xử" - tức cho cả quá trình thụ lý, xét xử, vượt phạm vi phiên tòa cụ thể.

Giữ nguyên tên nước, sở hữu toàn dân về đất đai
Về tên nước, qua tổng hợp, chủ yếu có hai luồng ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp tục quy định tên nước là CHXHCN Việt Nam. Loại ý kiến thứ hai đề nghị lấy lại tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ủy ban Dự thảo sửa đổi HP nhận thấy tên nước là CHXHCN Việt Nam hoặc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thể hiện rõ chính thể của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là nhà nước dân chủ. Tuy nhiên, việc giữ nguyên tên nước CHXHCN Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên CNXH, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.Về sở hữu đất đai (Điều 57), có ba loại ý kiến. Ngoài ý kiến tán thành với quy định của dự thảo, luồng ý kiến thứ hai đề nghị đa dạng hóa sở hữu đất đai, trong đó có sở hữu tập thể, sở hữu cộng đồng và sở hữu tư nhân về đất ở. Luồng kiến thứ ba đề nghị tách Điều 57 thành hai điều: Một điều quy định về sở hữu toàn dân, một điều quy định về sở hữu Nhà nước. Ủy ban Dự thảo sửa đổi HP cho rằng quy định đất đai, các tài nguyên thiên thiên, các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý... thuộc sở hữu toàn dân là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã được xác định từ năm 1980. Vấn đề sở hữu về đất đai không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị-xã hội… Vì vậy, đề nghị giữ nguyên cách dùng khái niệm "sở hữu toàn dân" và không quy định đa sở hữu về đất đai.Ủy ban Dự thảo cũng đề nghị QH quy định cơ chế thu hồi đất vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, không đặt vấn đề trưng mua vì tổ chức, cá nhân chỉ có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu. Về trường hợp thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế-xã hội, Ủy ban Dự thảo nhận thấy đất đai là nguồn lực quan trọng cần được khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Vì vậy, việc thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế-xã hội là cần thiết.

Phan Trung Lý trình bày báo cáo trước QH ngày 20/5.

Nguồn Pháp luật TPHCM


Sự kiện