Thứ Ba | 09/09/2014 20:49

Dự thảo nghị định quản lý bia: Sẽ điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn

Đó là ý kiến của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa tại Hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định Quản lý sản xuất, kinh doanh bia chiều 9/9.
Dự thảo Nghị định về quản lý sản xuất và kinh doanh bia sẽ được chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn, qua đó có thể quản lý được chất lượng các sản phẩm bia giúp cho người sử dụng được an toàn, đem lại trật tự, mỹ quan đô thị.

Đó là ý kiến của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa tại Hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định về Quản lý sản xuất, kinh doanh bia do Bộ Công Thương tổ chức chiều 9/9, tại Hà Nội.
Nhiều điểm còn gây tranh cãi

Dẫn những điểm tại dự thảo này như: Kinh doanh bia tại các địa điểm như trường học, bệnh viện, công sở, bán sản phẩm bia cho phụ nữ có thai hoặc trong thời gian đang cho con bú... sẽ bị cấm, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu bia - Nước giải khát Việt Nam cho rằng những quy định trên sẽ khó thực hiện và xa rời thực tế.

Lý giải thêm, theo ông Việt, rất khó xác định được một người phụ nữ đang cho con bú để không bán bia nếu ra đường họ ăn mặc đẹp... Do vậy theo ông Việt, những quy định như thế còn chưa phù hợp với xã hội.

Cùng quan điểm trên, bà Trịnh Thị Hồng Nga, đại diện Vụ pháp chế Bộ Giao thông vận tải góp ý thêm, quyết định 244/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ có giao Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất việc không bán bia cho phụ nữ cho con bú và phụ nữ có thai... Tuy nhiên, dưới góc độ cơ quan soạn thảo cần phải xem xét việc quản lý và kiểm soát được không? nếu cấm thì kiểm soát thế nào? xử lý vi phạm ra sao?

"Không nên không quản lý được thì cấm, cần hướng tới việc cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho cả người dân và doanh nghiệp," bà Nga nói.

Có thể thấy, thói quen uống bia của người Việt Nam, đặc biệt là uống bia vỉa hè đã tồn tại rất lâu. Do vậy, việc đưa vào khuôn khổ, đảm bảo mỹ quan đô thị là việc làm hết sức cần thiết.

Đóng góp cho dự thảo Nghị định, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, việc cấm kinh doanh bia trên vỉa hè là đúng đắn, bởi lẽ điều này không chỉ gây mất cảnh quan đô thị mà còn mất an toàn giao thông.

Bà Lan cũng yêu cầu cần quy định thêm trách nhiệm của Bộ Giao thông và các tỉnh thành phố nhất là quận, huyện trong việc giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh buôn bán.

"Đã có nghị định về quản lý đô thị, cái chính là phải làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị được phân công," bà Lan cho hay.

Sẽ sửa cho phù hợp

Là đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định về sản xuất, kinh doanh bia, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) lý giải, ở nước ta việc kinh doanh bia rượu vỉa hè vẫn còn chưa phù hợp, nhiều điểm mất vệ sinh và mỹ quan đô thị, thậm chí còn gây mất an ninh trật tự... Do vậy, nếu không đưa vào khuôn khổ thì sẽ khó xử lý với tình trạng rượu bia mất mỹ quan, lộn xộn như hiện nay.

"Không phải thấy khó thực hiện mà chúng ta chùn bước bởi việc bán bia ở vỉa hè nhiều nước không cấm song họ cũng áp đặt người bán và người uống phải tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường," ông Dũng nói.

Lý giải về những điểm bất cập đưa ra tại dự thảo, lãnh đạo Vụ Công nghiệp nhẹ cho rằng, dự thảo Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh bia không phải do Vụ Công Nghiệp nhẹ tự ý soạn thảo mà chỉ là cụ thể hóa từ Quyết định 244/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/2/2014 về chính sách quốc gia phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020.

"Những quy định này đã có trong Quyết định 224/QĐ-TTg, Bộ Công Thương chỉ kế thừa đưa vào Nghị định. Còn việc khả thi hay không là do thực hiện của từng địa phương và của cơ quan chức năng," ông Dũng nói.

Trước thực tế trên, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, việc cấm bán bia cho người dưới 18 tuổi là hết sức cần thiết, không chỉ riêng Việt Nam mà các nước trên thế giới đều có quy định cho các đối tượng này.

Thứ trưởng Thoa cũng khẳng định, bản dự thảo Nghị định sản xuất và kinh doanh bia mới được Bộ Công Thương đưa ra để trưng cầu ý kiến của người dân và đang trong quá trình tiếp thu ý kiến từ mọi phía để tạo ra được Nghị định văn minh phù hợp với điều kiện, văn hóa của Việt Nam. Hơn nữa góp phần hạn chế việc việc sử dụng rượu bia quá liều, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân.

"Những điểm chưa phù hợp thì Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và có chọn lọc để đưa vào Nghị định sao cho dễ thực hiện, mang tính thực tiễn cao," bà Thoa nhấn mạnh.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tháng Tám, sản lượng sản xuất bia các loại ước đạt 291,9 triệu lít, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2013. Tính chung 8 tháng, sản xuất bia các loại ước đạt 2,02 tỷ lít, tăng 6,5% so với cùng kỳ.Việt Nam cũng là nước tiêu thụ bia cao thứ 4 tại châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc với hơn 3 tỷ lít bia. Đây cũng là một điều cần lưu tâm trong bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn. Hơn nữa, số vụ tai nạn do lạm dụng bia rượu cũng tăng với tốc độ chóng mặt như thời gian qua thì việc đòi hỏi có một Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu bia là hết sức cần thiết.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện